Làng ngề mây tre đan Hoằng Thịnh
Những nốt thăng trầm
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề mây tre đan xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa-Thanh Hóa có từ thời nhà Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Những năm bao cấp, phần lớn các mặt hàng đan lát của xã xuất sang thị trường Đông Âu. Do đó, sản phẩm có đầu ra ổn định, bà con yên tâm sản xuất. Phong trào sản xuất hàng mây tre đan mỹ nghệ của xã phát triển rầm rộ. Nguyên liệu chủ yếu là nứa, vàu, mây, sẵn có ở trong tỉnh. Kỹ thuật của nghề đan lát này không mấy phức tạp nên ai cũng làm được. Vả lại, làm được bao nhiêu xe ô tô về chở đi hết bấy nhiêu, lại có tiền ngay, thu nhập so với làm nông nghiệp cao hơn nhiều nên bà con phấn khởi. Có thời điểm làm không kịp. Trong làng ngoài xã không khí vui như hội.
Để có được sản phẩm như ý, người làm nghề phải vất vả từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến. Công phu nhất là khâu phơi sấy và chẻ mây, việc phơi sấy và chẻ mây ví như việc chăn tằm. Sấy nhiều khói quá sẽ đỏ, ít khói quá cũng bị đỏ; khi phơi gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp, nắng quá thì mất vẻ tươi. Sợi mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt thì mất vẻ óng mềm. Chẻ mây cũng cần có tay nghề cao và sự khéo léo, không dễ bị sợi dày, sợi mỏng, sản phẩm sẽ không thành. Chịu khó tích lũy kinh nghiệm và lòng yêu tín nghề đã cho người Hoằng Thịnh sự bền bỉ và tinh xảo trong từng cung đoạn sản xuất, để rồi ngày càng có nhiều những sản phẩm mây tre đan đẹp, bền và lạ mắt.
Trong cơ chế bao cấp, do thị trường không lớn nên nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh hoạt động theo kiểu tự sản tự tiêu, chủ yếu lấy công làm lãi, hàng hoá có chất lượng thấp, mẫu mã đơn giản, đa phần tiêu thụ ở các xã quanh vùng, chỉ xuất khẩu được số lượng rất ít sang Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu. Trong cuộc khủng hoảng ở Đông Âu những năm 1990, bà con làm nghề ở Hoằng Thịnh lao đao vì mất thị trường. Cũng thời gian đó, nhiều hộ bỏ hẳn nghề mây tre đan truyền thống, chuyển hướng làm ăn nhưng cuộc sống cũng chẳng khá lên được.
(Ảnh: TL)
Chuyển mình cùng sự đổi thay của đất nước
Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với sự đổi thay của đất nước, làng nghề Hoằng Thịnh cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Khi các chính sách đầu tư, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của Nhà nước ban hành, nghề mây tre đan Hoằng Thịnh sau nhiều năm điêu đứng giờ được vực dậy. Sau nhiều cuộc họp bàn, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con khôi phục sản xuất, đồng thời mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ kỹ thuật... Từ năm 1999 đến nay, Hoằng Thịnh đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng như rổ, rá, sọt đựng hoa quả cung cấp cho các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc với số lượng lớn.
Xác định uy tín, chất lượng là hàng đầu, các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nên các sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Hiện có tới 80% số hộ tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác sản xuất với quy mô lớn đã được hình thành, năng lực sản xuất 40 - 50 nghìn sản phẩm/ngày. Con số 80% hộ tham gia sản xuất mây tre đan đã khẳng định nghề tiểu thủ công nghiệp này đang trở lại thời “hoàng kim”. Bên cạnh đó, còn tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở các xã Quảng Phong (Quảng Xương), Định Tường (Yên Định). Các mặt hàng của xã ngày càng đa dạng, phong phú, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân đi sâu nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng. Các đồ vật trang trí nội thất như tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn..., đặc biệt nhất là sản phẩm chao đèn (lồng chụp bóng đèn) với ý tưởng độc đáo, cách tạo màu tự nhiên giúp cho sản phẩm luôn thân thiện với môi trường và trở thành món quà mong đợi của nhiều du khách.
(Ảnh: TL)
Người xưa thường ví von “hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan” để nói sự rẻ rúng, nhọc nhằn của nghề đan lát. Nhưng nay nghề mây tre đan lại là nghề cứu đói, cứu nghèo rất thiết thực cho bà con nông dân. Ban đầu, ở làng chỉ có một vài gia đình làm nghề đan lát các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, dần, sàng... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con chòm xóm, sau dần, nghề lan rộng ra cả thôn, cả làng. Đến nay, gia đình nào ở làng cũng có người tham gia vào việc sản xuất mây tre đan, các sản phẩm cũng ngày một phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại, còn đối với du khách đã tới thăm thì không bỏ qua cơ hội mua sắm những món đồ ưa thích.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển cùng những biến cố thăng trầm, người làng Hoằng Thịnh vẫn sống chết với nghề, những sản phẩm mỹ nghệ mây tre đan và địa danh Hoằng Thịnh giờ đây đã có tên trên bản đồ du lịch, hấp dẫn được nhiều du khách về với xứ Thanh. Nhằm tạo điều kiện mở rộng và phát triển làng nghề theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá, đồng thời hạn chế các tác động xấu trong sản xuất đến đời sống của bà con và môi trường, năm 2001, xã đã được phê duyệt xây dựng trung tâm làng nghề trên diện tích 6.500m2. Cũng như bao làng nghề khác ở Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề xã Hoằng Thịnh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, Hoằng Thịnh đang rất cần được sự quan tâm, hơn nữa của Nhà nước về vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; và sự hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm; giải quyết ô nhiễm môi trường...
Nguyễn Chính