Làng lụa Vạn Phúc: Nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016)

Vạn Phúc là vùng đất “Cổ tích địa linh” có trên 1000 năm lịch sử, mảnh đất có thế “Rồng chầu hổ phục”, với nhiều công trình di tích văn hóa tâm linh, có cụm cây di sản Việt Nam, trong đó có cây đa 1000 tuổi, nằm trong khuôn viên miếu cổ bên bờ sông Nhuệ, nơi hóa đá của bà A Lã Đê Nương, Thành hoàng làng, đồng thời Bà cũng là Thầy tổ làng nghề dệt lụa truyền thống lâu đời của Vạn Phúc. Cây đa 1000 năm tuổi cũng là địa chỉ đỏ “giao liên” của cách mạng thời kỳ bí mật.

Năm 2014, Vạn Phúc đã được công nhận là một trong mười làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam.

Làng Vạn Phúc nằm bên bờ sông Nhuệ nối với con sông Đào đầu làng, khiến cho Vạn Phúc hai phía có sông, sông Đào, có cầu Am gắn Vạn Phúc với thị xã Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, rất thuận tiện (tiến, thoái) cho các hoạt động của Đảng thời kỳ bí mật.

Vạn Phúc có 53 gia đình cơ sở cách mạng đã nuôi giấu bảo vệ an toàn hơn 70 đồng chí lãnh đạo của Đảng về ăn, ở và hoạt động như các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh…

Vạn Phúc có một sự kiện đặc biệt nhất đó là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở, làm việc 16 ngày đêm tại nhà ông Nguyễn Văn Dương (từ 18h45 ngày 03-12 đến 18h45 ngày 19-12-1946).

Ông Nguyễn Văn Dương là người làng Vạn Phúc, là tiểu chủ nghề dệt, là gia đình cơ sở cách mạng từ những năm 1936-1939, là nơi ở, hoạt động cách mạng (đi, về) của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ.

Nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, nay là Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Sự kiện đón Bác Hồ về Vạn Phúc do đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Ban Công tác đội Trung ương chịu trách nhiệm chính, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, Bí thư Chi bộ xã Vạn Phúc được giao nhiệm vụ “chọn địa điểm an toàn nhất” để đón Bác về.

Sự kiện lớn lao ấy được giữ bí mật tuyệt đối. Vì vậy, cả làng Vạn Phúc kể cả chủ nhà cũng không biết được Bác đã về ở trong ngôi làng thân thuộc của mình.

Bác Hồ ở và làm việc tại tầng 2, nhà ông Dương thuộc xóm ngoài (nay là Tổ dân phố Đoàn Kết). Những ngày Bác Hồ ở Vạn Phúc, hầu như Bác làm việc suốt ngày ở nhà (chỉ có đôi lần Bác ra Hà Nội để giải quyết những việc cấp bách…). Các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng thường đến đây báo cáo tình hình và trao đổi công việc với Người. Người thường làm việc thâu đêm: đọc, viết các chỉ thị chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong tháng 12, tình hình như “nước sôi lửa bỏng” giặc Pháp khiêu khích khắp nơi, chúng vô cớ tàn sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún, chỉ trong hai ngày (17 và 18-12), chúng gửi 3 tối hậu thư láo xược đòi ta phải giải tán các lực lượng tự vệ, đòi ta phải để cho chúng chiếm giữ thêm một số vị trí quan trọng trong thành phố, chậm nhất là vào sáng 20-12-1946…

Trước tình hình đó, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng (trong 2 ngày 17 và 18-12) để quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến và thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người khởi thảo.

Lời hịch bất hủ của Người, “không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” được viết từ căn gác nhỏ, bên ngọn đèn dầu trong đêm đông giá lạnh mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành lời thề bất tử của dân tộc ta.

Trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp, chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Điều kiện hòa hoãn đã không còn.

Do đó, chiều ngày 19-12 đồng chí Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã hạ lệnh cho toàn thể bộ đội, vệ quốc quân và dân quân tự vệ toàn quốc xông ra mặt trận giết giặc cứu nước. Cũng chiều 19-12, những người giúp việc Bác được lệnh chuẩn bị dời địa điểm Vạn Phúc…

Tối 19-12, trước lúc lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ chủ nhà, Bác cảm ơn gia đình đã giúp đỡ cơ quan nơi ăn ở, làm việc chu đáo. Ông Dương vô cùng xúc động và cung kính xin phép được hỏi Bác một câu “Kính thưa Cụ, giặc Pháp mạnh, có tầu bay, xe tăng, đại bác mà ta thì yếu, ta có đánh được nó không”.

Bác biết câu hỏi của ông Dương là tâm tư của nhiều người dân, Bác nói: “Kháng chiến nhất định thắng lợi, còn thắng nhanh hay chậm là do ta, nếu nhân dân ai ai cũng đồng lòng gắng sức thì giặc Pháp có mạnh đến mấy chúng cũng phải thua”.

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông ngày nay.

Đúng 18h45 ngày 19-12-1946, bầu trời Hà Đông, Hà Nội bỗng tối sầm lại (vì mất điện), rồi lại rực sáng lên bởi những tiếng nổ vang trời nhiều khu vực… Ngày toàn quốc kháng chiến đã bắt đầu, ngay sáng sớm hôm sau, từ hang Trầm, núi Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ.

Vạn Phúc có nhiều di tích nhưng di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa và quan trọng nhất đó là “Nhà Lưu niệm Bác Hồ”… Hơn 40 năm qua (kể từ ngày khôi phục di tích lịch sử này), Vạn Phúc đã được đón tiếp hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập tại Nhà Lưu niệm này. Những tư liệu, hiện vật được trưng bày cùng với những lời hướng dẫn thuyết minh gợi cho mỗi người nhớ lại những ngày đầu kháng chiến cực kỳ khó khăn gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, làm vững thêm niềm tin nhất định vượt qua mọi khó khăn thử thách hiện nay, mãi mãi đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Tổng kết kháng chiến, Vạn Phúc đã được Đảng và Nhà nước công nhận là “Cơ sở cách mạng của Đảng, an toàn khu (ATK) của xứ người Bắc Kỳ, được phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tổ chức, các gia đình và cá nhân…

70 năm đã qua, làng lụa Vạn Phúc (nay là phường Vạn Hoa, quận Hà Đông, Hà Nội) đã khác hẳn ngày xưa: đẹp lên nhiều, ngói hóa 100% (dân có nhiều nhà cao tầng) mọi nhà có ti vi, xe máy… có phố lụa, có khuôn viên trung tâm hàng chục ki ốt bán lụa truyền thống… Mỗi năm, trung bình Vạn Phúc tiếp đón gần một vạn khách quốc tế và hơn bảy vạn khách nội địa đến tham quan du lịch, mua sắm… đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện tốt đẹp hơn…

Đỗ Xuân Thủy