Làng cổ Phước Lộc Thọ với diện tích gần 4ha, là nơi tham quan, giải trí cho khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể xem đây là một mô hình mới với nhiều kiến trúc cổ rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam thể hiện rõ qua từng gian nhà của ba miền đất nước được khép kín trong khu đất tiếp giáp lộ giao thông và sông Vàm Cỏ Đông. Đến đây, du khách sẽ có kỳ nghỉ trọn vẹn khi được hòa mình với thiên nhiên, chiêm ngưỡng kiến trúc xưa của những ngôi nhà cổ, các đường nét chạm trổ tinh tế trên chiếc Long Sàn của Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương…
Hơn 3 năm phục dựng, làng cổ Phước Lộc Thọ nay đã mang lại hình ảnh của một làng quê Việt Nam cổ kính, yên bình và tao nhã. Có thể nói, nơi đây lưu lại những dấu xưa của văn hóa truyền thống Việt khá độc đáo. Toàn bộ công trình của làng cổ, từ nhà cửa cho đến vật dụng sinh hoạt được thu gom ở khắp mọi miền đất nước về và phục dựng lại.
Bước vào làng Phước Lộc Thọ, ấn tượng đầu tiên mà du khách bắt gặp là một dòng suối nước chảy rỉ rả suốt ngày đêm với những viên đá bóng loáng chở từ Bình Phước, Đồng Nai về. Bên trong khu tham quan là những ngôi nhà cổ được tác giả chú trọng đến từng chi tiết từ đòn, kèo, cột thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các vùng, miền Việt Nam.
Làng cổ được chia làm hai khu riêng biệt: Khu tham quan và ăn uống, giải trí. Khu tham quan có 15 ngôi nhà gỗ, trong đó có 5 ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Nội thất được trang trí rất đa dạng, bao gồm: Tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, ngô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu - thử... Nhà gỗ có số cột nhiều nhất trong khu này là 114 cột và ít nhất là 36 cột với lối kiến trúc xưa vừa lạ lại vừa đẹp mắt. Ở khu bên cạnh là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu miền Trung (kiểu Tửu lầu tứ giác bát dần) mang đậm dáng dấp cung đình. Sáu ngôi nhà mang loại hình của Tây Nguyên với những ngôi nhà sàn đều bằng gỗ cao cấp. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều đựơc chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Nam... và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong mỗi ngôi nhà đều được trưng bày phản, xe ngựa, điện thoại, máy hát đĩa, chén, đĩa sừng bò tót, ngà voi... từ xa xưa.
Đặc biệt, trong quần thể làng cổ Phước Lộc Thọ còn là sự hiện diện của một ngôi chùa mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội, được tạo hình bởi một trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có hình lưỡng long triều nguyệt.
Hơn nữa, làng cổ Phước Lộc Thọ được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn, giữ được nét cổ, được sắp xếp hài hòa, quy hoạch bài bản trong không gian rộng có đồi cảnh, cây xanh, hồ nước, nên khách đến thăm luôn cảm nhận trọn vẹn hồn xưa. Vì những nét đặc biệt trên nên làng cổ Phước Lộc Thọ không chỉ làm thỏa cơn nghiền của những người yêu nét cổ xưa, yêu kiến trúc dân gian Việt mà còn được rất nhiều người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đến đây để sáng tác.
Đến đây, du khách không những được chiêm ngưỡng những đường nét chạm khắc tinh tế, từ vật dụng sinh hoạt đến những ngôi nhà cổ, tạo cho du khách cảm giác như chạm vào quá khứ cách đây hàng thế kỷ mà còn có được những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn, được hòa mình với thiên nhiên, với không gian xưa khi dạo quanh khu vườn lan (hơn 250 ngàn cây) luôn khoe sắc, xem các nhà cổ, ao sen, cầu 7 nhịp, hòn non bộ, nhà vườn với những cây cổ thụ hơn trăm tuổi...
Làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An công nhận là Điểm du lịch và mở cửa đón khách tham quan, vui chơi giải trí, dã ngoại, sưu tập những bộ album cưới, tổ chức tiệc cưới, sự kiện cho quý khách có nhu cầu. Trong năm 2012 vừa qua, Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho Điểm du lịch làng Cổ Phước Lộc Thọ là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam.
Hi vọng tương lai không xa, làng cổ Phước Lộc Thọ sẽ mở rộng thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí phong phú hơn như dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, tảng mạng trên dòng sông Vàm Cỏ bằng các phương tiện xuồng, ghê, tàu du lịch... để du khách có một chuyến du thuyền trên sông tìm hiểu về văn hóa người Việt ở vùng sông nước Cửu Long dọc theo dòng sông Vàm Cỏ, thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Long An và miền sông nước, nghe các làng điệu dân ca, những bài dạ cổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới phi vật thể, hay tìm hiểu văn hóa Óc Eo cổ xưa.