Làng cổ Đường Lâm: Tiền nhân dặn gì nơi cổng làng?
Lời dạy ấy vẫn tồn tại cả ngàn năm nay cho biết bao thế hệ và trải qua biết bao thay đổi của lịch sử.
Hưng thịnh thì mỗi gia đình, làng xã đến một quốc gia đều mong muốn. Nhưng để có được, phải thích nghi! Hiểu cho đúng lời người xưa, kể như đã có được cuốn cẩm nang cho mình về ứng xử và hành xử vậy!
Thích nghi - trong các quy luật của chọn lọc tự nhiên - thật rõ ràng và không quá khó hiểu. Con sâu nơi kẽ lá phải chuyển màu xanh để lẩn tránh chim chóc và con người. Con trâu ở vùng núi cao thường có bộ lông dài chống giá lạnh và bộ móng dầy hơn những đàn trâu dưới xuôi…
Thích nghi - trong quy luật của chọn lọc nhân tạo là đời sống của con người. Do con người sinh sống và được quy định bởi luật lệ, luật tục là một khái niệm động, biến đổi theo sự phát triển của xã hội.
Thích nghi - Theo Từ điển tiếng Việt, là động từ, mang ý nghĩa: Trở nên quen dần hoặc có những biến đổi cho phù hợp với môi trường hoặc hoàn cảnh mới, gần nghĩa với từ Thích ứng.
Năm chữ được khắc trên Thượng Lương cổng làng Đường Lâm. Ảnh: Lê Ngọc Năm
Trộm nghĩ, khi tiền nhân trên mảnh đất xứ Đoài, địa danh “Kẻ Mía - một ấp hai vua” khắc chữ THÍCH NGHI lên cổng làng cũng đồng nghĩa với mong muốn sự thịnh vượng bền vững cho người dân không chỉ của làng mình. Lời dặn như một thông điệp mở, mang tính nhân văn sâu sắc khắc ngay phía trên cánh cổng làng. Nơi, một bước ra là cả vũ trụ bao la. Còn khi trở về, bước vào cổng lại là làng mình, làng tôi.
Cổng làng bao đời nay vẫn vậy, là sự ngăn cách giữa trong làng và ngoài đường, ngoài xã hội. Việc nhỏ, đóng cổng làng bảo nhau theo hương ước, quy ước. Trên dưới chấp hành tôn ti trật tự, nhà nhà, người người dần thích nghi mang tính truyền đời. Mà hương ước, quy ước cũng không bất biến, nó cũng được “khơi trong, gạn đục” cho hợp với từng thời, từng thể chế
Làng cổ Đường Lâm.
Cánh cổng làng cổ Đường Lâm bao đời nay luôn mở, cửa có chân quay, được ghép từ những phiến gỗ lớn, chắc khi khắc những dòng chữ lên Thượng Lương, tiền nhân cũng muốn chia sẻ thông điệp với người vào làng: Hãy thích nghi! Các nàng dâu về làng thì nhập gia, tuỳ tục. Quan khách tới làng thì hạ mã, xuống xe…
Muốn hưng thịnh phải thích nghi, xin được hiểu, đó cũng là lời dặn những người con của làng bài học đầu tiên khi bước chân ra bên ngoài. Nếu ôm khư khư những quy ước, hương ước, thói quen và lối sống cụ thể của làng mình, quê mình áp vào mạch sống ngoài kia thì chưa hẳn đã thành công. Đó cũng là câu chuyện không thích nghi với hoàn cảnh dẫn đến thất bại, thậm chí là bi kịch mà ta vẫn thấy.
Thế hữu hưng ghi đại có thể xem như câu danh ngôn mà giá trị của nó không có giới hạn về thời gian, không gian. Thời hội nhập này lại càng thấy rõ thêm cái không biên giới, không thể chế của lời người xưa. Muốn hưng thịnh phải thích nghi. Ai dám bảo lời vàng ấy chỉ dành cho một cá thể, một thôn làng mà không cần cho cả tỉnh, cả quốc gia khi cá nhân đang hướng đến là công dân toàn cầu, còn lợi ích quốc gia không tách rời lợi ích khu vực và lợi ích quốc tế.
Chỉ tiếc, lời dặn ghi phía trên cao lại khuất nẻo trong mái ngói, lẫn trong hàng hàng lớp lớp rui, mè bằng gỗ và bức tường đất đá ong nên du khách và người qua làng còn ít biết.
Lê Ngọc Năm