Làng cổ Cổ Nhuế
Tên nôm đầu tiên của Cổ Nhuế là Noi, gọi là kẻ Noi. Về nguồn gốc tên làng Noi, đến nay vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào đưa ra được lời giải xác thực mà có một số truyền thuyết khác nhau. Trong đó có truyền thuyết kể rằng: Vùng đất này xưa kia có nhiều sông ngòi và bãi lầy, dân làng đi lại phải “lội ngòi noi nước” rất khó khăn. Thế là chòm Noi có tên từ đó.
Truyền thuyết cũng kể lại rằng: Mùa thu năm 1027, Hoàng tử con Vua Lý Thái Tổ, tên húy là Lực, hiệu là Đông Chinh Vương đã đem quân đi dẹp loạn ở Châu Văn (thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay), có qua làng Noi, được dân làng mang lương thực, thực phẩm ra hiến cho quân sĩ làm lương ăn trên đường hành quân. Sau khi chiến thắng trở về, Đông Chinh Vương đã xin với vua cha cho hưởng thực ấp ở làng Noi. Ba xóm của làng Noi là: Hoàng - Trù - Đống trở thành dân “tảo lệ” (tức là dân được giao trông nom nhà thờ) được miễn siu dịch. Các cụ trong làng bấy giờ mới dâng sớ xin Vua cho đổi tên làng Noi thành làng Cổ Nhuế theo phiên âm tiếng Hán - Việt từ chữ Kẻ Noi. Tuy nhiên, cái tên Kẻ Noi vẫn tồn tại cùng với Cổ Nhuế cho mãi tới sau này.
Trải qua hàng nghìn năm sinh tồn, nghề trồng lúa ở một vùng sình lầy lụt lội gặp rất nhiều khó khăn nên người dân Cổ Nhuế đã làm thêm rất nhiều nghề phụ khác nhau qua từng thời kỳ. Nổi tiếng nhất cho đến ngày nay là nghề may vá. Theo các cụ già trong làng kể lại, nghề may ở Cổ Nhuế bắt đầu có từ cuối thế kỷ 19, do 3 người thuộc dòng họ Nghiêm đi học ở nơi xa về rồi làm nghề và truyền dạy cho con cháu. Ít năm sau đó, nghề may được truyền rộng khắp làng. Đến năm 1923, toàn xã đã có hàng trăm đầu máy khâu. Công việc may vá đầu tiên là phục vụ nhân dân quanh vùng, sau đó là nhận may thuê cho các chủ thầu ở Hà Nội. Một số người làm ăn khấm khá đã vào nội thành mở cửa hàng, một số khác đi may thuê cho các hiệu may ở Hàng Trống...
Hội làng Cổ Nhuế. Ảnh:internet
Bước sang thời kỳ đổi mới, nghề may ở Cổ Nhuế càng có điều kiện phát triển. Theo ước tính của những người dân nơi đây đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có đến hơn 60% số hộ gia đình trong xã làm nghề may hoặc những công việc có liên quan (như vận chuyển, bán sản phẩm...). Vào gia đình nào cũng có vài ba đầu máy khâu. Các sản phẩm cắt may ở Cổ Nhuế không những có mặt ở khắp các chợ lớn nhỏ trong nội và ngoại thành Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh miền Bắc. Hàng may Cổ Nhuế còn được xuất khẩu ra một số nước châu Âu và châu Á (qua các công ty trung gian) như: Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Đức... với các loại hàng cao cấp như: veston, áo lông, áo vinilông, áo bay. Hàng may mặc Cổ Nhuế trên thị trường trong nước mùa nào cũng hết sức đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã, có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng... Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay trên thị trường may mặc ở Hà Nội đã quen với thuật ngữ “Hàng Cổ Nhuế”. Trong những năm gần đây, hàng may mặc Cổ Nhuế phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm may ở trong và ngoài nước, trong đó có hàng Trung Quốc vì vậy hình thức sản xuất nhỏ lẻ, độc lập theo từng hộ gia đình bằng máy thủ công đã được thay bằng những mô hình sản xuất tập trung thành những xưởng may lớn, sản xuất bằng dây chuyền máy may công nghiệp. Dân làng Cổ Nhuế đã xây dựng một nhà thờ lớn để thờ 3 ông tổ nghề may của làng, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, dân trong làng lại tập trung tại nhà thờ để giỗ tổ nghề may.
Ngày nay, về thăm làng, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều công trình kiến trúc cổ như: Ngôi đình làng thờ Đông Chinh Vương (được tôn làm Thành hoàng làng) xây dựng từ thời Lý. Chùa Mốc, chùa Sùng Quang xây dựng từ thời Lý (tương truyền, chùa Sùng Quang do Công chúa Minh Hiến - con Vua Lý Thái Tổ góp tiền xây lên). Cây cầu đá bắc qua sông Đào chảy qua làng (được xây dựng từ năm 1726), giếng cổ xây bằng đá trong chùa Sùng Quang từ năm 1748. Miếu thờ Túc Trinh Công chúa - con gái Vua Trần Thánh Tông (xây dựng từ thời Trần) cùng các nhà thờ đạo, nhà thờ họ và hàng chục tấm bia đá cổ ghi lại những sự kiện, những dấu ấn lịch sử ở làng Cổ Nhuế xưa. Mỗi công trình kiến trúc mang một vẻ khác nhau nhưng tất cả đều chung một nét hồn xưa cuốn hút du khách. Đến làng nếu đúng ngày mồng Một và mồng Sáu Âm lịch du khách sẽ được dự chợ Noi, một trong năm chợ chính trao đổi hàng hóa nông sản ở ngoại thành Hà Nội xưa cùng với chợ Vẽ (Đông Ngạc), chợ Cáo (xã Xuân Đỉnh), chợ Bưởi (phường Bưởi) và chợ Hà Đông (thị xã Hà Đông).
Lễ hội đền Chúa xã Cổ Nhuế. Ảnh:internet
Kẻ Noi là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, nằm sát phía Tây Bắc Kinh thành Thăng Long xưa kia, trải qua nhiều biến thiên với thời gian, dấu xưa vết cũ đã dần mai một nhưng vẫn giữ lại được một lễ hội truyền thống 985 năm tuổi - Lễ hội đình Hoàng. Được cho là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên đất Hà thành, Hội làng Kẻ Noi bắt đầu được tổ chức từ năm Mậu Thìn 1028, tức năm thứ 19 triều Vua Lý Thái Tổ. Cũng vào năm này, làng Kẻ Noi chính thức được đổi tên thành làng Cổ Nhuế và xin được tôn Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương làm Thành hoàng để thờ phụng. Chuyện xưa kể rằng, tháng Tám năm Đinh Mão, niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027) thời Vua Lý Thái Tổ, Hoàng Vương phụng chiếu vua cha đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Đến tháng Hai năm sau (Mậu Thìn 1028), Hoàng Vương thắng trận trở về, dân làng đứng hai bên đường nghênh đón thành kính. Sau đó, dân làng Cổ Nhuế được Vua xuống chiếu ban cho 1.600 mẫu ruộng và được miễn tô thuế. Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng vương và nàng công chúa thứ tư con Vua Lý, tên là Tả Minh Hiến, đã bỏ tiền xây dựng đình Hoàng. Năm 1988, đình cũ bị dời đi để làm con đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đình ngày ấy lớn gấp 3-4 lần so với đình bây giờ.
Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế tổ chức hội chính 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã, gồm 12 thôn. Nghi lễ gồm: rước kiệu Thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn… Dẫn đầu đoàn rước là đội múa sư tử, múa bồng, trong tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Trên kiệu có cỗ ngai chạm khắc vàng son lộng lẫy tượng trưng cho hình ảnh thánh hoàng cùng mâm lễ vật và đèn nến hương hoa ngũ quả. Tâm điểm của lễ hội là rước kiệu Thánh vân du. Hành trình của đám rước đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước Thánh hồi cung. Dân làng và khách thập phương nô nức kéo nhau theo đám rước, tiếng nói tiếng cười hoà cùng tiếng trống, tiếng nhạc. Nhân dân trong xã, người dân các nơi lân cận đổ về lễ bái, làm công đức cầu cho một năm sức khỏe dồi dào, công việc thuận buồm xuôi gió đồng thời tích cực tham gia các hoạt động được tổ chức trong lễ hội như: văn nghệ quần chúng, chơi cờ tướng, chọi gà…
Làng Cổ Nhuế ngày nay. Ảnh:internet
Làng cổ Cổ Nhuế bây giờ đã thành phường, thành phố của Thủ đô. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, làng Cổ Nhuế ngày nay vẫn rất đẹp, mang nhiều nét rêu phong cổ kính mà du khách nào đã một lần ghé đến sẽ không thể nào quên.
Thúy Anh