Làng bông Trát Cầu

Là một làng cổ nằm ven dòng sông Nhuệ, Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) có nghề làm chăn, gối bông từ mấy trăm năm nay. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng người dân trong làng vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm chăn gối đặc thù và tinh tế đồng thời kết hợp với những thiết bị máy móc hiện đại để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ cho nghề truyền thống, làm nên bộ mặt mới cho làng quê Trát Cầu. Trước xu thế hội nhập, sản phẩm chăn, ga, gối, đệm cao cấp của các hãng nổi tiếng và các công ty may xuất khẩu tràn ngập thị trường, sản phẩm của làng nghề Trát Cầu vẫn được tiêu thụ mạnh.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng nghề có từ cổ xưa. Người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông. Cứ hai người cộng một cây sa cán và dây cung, người Trát Cầu đi khắp Bắc - Trung - Nam, ai thuê là làm ngay tại nhà. Vốn là những người thợ thông minh không ngừng sáng tạo, sau năm 1945, người dân Trát Cầu đã cải tiến những máy dệt tải của Nhật để lại thành những máy làm chăn gối. Thế là máy móc về Trát Cầu từ đó. Có máy, lượng sản phẩm tăng nhanh gấp 2-3 lần so với làm thủ công và đã làm ra hàng vạn chiếc áo bông, chăn bông phục vụ kháng chiến. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, người dân trong làng vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm chăn gối đặc thù và tinh tế, đồng thời kết hợp với những thiết bị máy móc hiện đại để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ cho nghề truyền thống, tạo nên bộ mặt mới cho làng quê Trát Cầu.

 

Làng Trát Cầu từ xưa vốn đã nổi tiếng với nghề truyền thống bật bông. Hiện các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm được tiêu thụ nhiều nơi ở khu vực miền Bắc. (Ảnh:TL)

Trước 1945, người Trát Cầu làm chăn, gối bông bằng phương pháp thủ công. Để làm một chiếc chăn bông loại tốt phải có hai thợ cùng làm, một ngày chỉ làm được 1-2 chiếc. Hoàn thành một chăn bông phải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người thợ phải cần cù, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo. Đầu tiên phải dùng 2 máy quay tay để tách hạt và hoa bông, tạo nên những tựa bông trắng và xốp sau đó dùng sa cán và dây cung bật cho bông tơi dài, trắng nõn nà. Sau khi đã được những tựa bông như ý, người thợ tiếp tục dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng tùy theo kích cỡ 1,8m, 2m... Trong khi lải phải quá mỗi chiều 20cm để gấp bìa tạo cho chăn vuông vắn. Lải xong tiến hành teng mặt cho lớp bông tơ bên trên thật mịn và xốp, khi sử dụng giữ được độ ấm cao. Sau khi đã hoàn thành xong quá trình làm bông thì tiếp tục dùng sợi để mạng thành 4 cấp. Quá trình này đòi hỏi phải có kỹ thuật thành thạo và khéo léo để cho mền bông đều, chắc khi sử dụng không bị dãn hoặc cụm bông lại. Tiếp đến dùng bàn xoa bằng gỗ da du có mặt hơi gai để ngọn bông quyện với sợi mạng. Sau khi hoàn thành các khâu thì lồng vỏ, trước khi sử dụng phải tiến hành trần theo lối quả trám hoặc theo các họa tiết trang trí để chăn bền đẹp.

Khi có máy, chất lượng chăn nâng cao, sức lao động cũng giảm được một nửa hiệu quả lại cao hơn gấp 2-3 lần. Do được đưa máy móc vào sản xuất nên thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân công của 2 hợp tác xã sản xuất chăn, áo bông cho bộ đội ở Hà Nội đều là người Trát Cầu.

Công đoạn đầu tiên của nghề bật bông là đưa nguyên liệu vải vào máy để nghiền bông. (Ảnh: TL)

Đến những năm 1980, Trát Cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường chưa lớn, nhiều cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng. Nhưng đến những năm 1990 nhu cầu tiêu dùng của thị trường lớn, lại nắm bắt đúng phân khúc thị trường, những sản phẩm của người Trát Cầu cũng ngày một đa dạng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống làng còn phát triển làm ga, đệm bông... Hầu hết các tỉnh đều có cơ sở sản xuất các mặt hàng bông của Trát Cầu.

Năm 2000 đánh dấu sự phát triển rực rỡ nhất của làng nghề bởi người làm nghề ở Trát Cầu đã hòa nhịp vào với cơ chế thị trường, theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống, người làng Trát Cầu còn phát triển sản xuất ga, đệm bông. Hiện nay, làng Trát Cầu có gần 1.200 máy cán bông và cào bông. Đặc biệt, từ năm 2002, sau khi được công nhận làng nghề, các hộ sản xuất đã tập trung đầu tư công nghệ thiết kế mẫu trên máy vi tính. Với 1/3 số hộ làm nghề đã có máy vi tính để giao dịch và tiếp thị, giới thiệu sản phẩm; 70 hộ thiết kế mẫu mã trực tiếp trên máy, 3 hộ có máy tự dệt vải và in, phun, thêu trên vải nên sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có những nét riêng biệt về hoa văn và độ tinh xảo của kỹ thuật hiện đại. Trát Cầu hiện có hơn 1.200 hộ dân thì nhà nào cũng đầu tư làm nghề. Phát  huy vốn nghề cổ của các cụ để lại, hầu hết đều làm ăn khấm khá. Đến nay cả làng có tới gần 50 cơ sở thành lập doanh nghiệp với quy mô từ 20 lao động trở lên. Đấy là chưa kể do quỹ đất của Trát Cầu không còn nhiều, một số doanh nghiệp thành lập phải đi “ở nhờ” trên đất của làng khác, xã khác. Các sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà sức lao động của người làm nghề cũng được giải phóng. Trước đây 2 thợ bông làm được 1-2 chăn/ngày thì hiện nay với 4 thợ/1 dàn máy làm được 90-100 chăn bông/ngày, chất lượng chăn cũng được nâng lên.

 

Công đoạn làm căng chăn bông trước khi đưa lên máy khâu. (Ảnh: TL)

Đến thăm làng nghề, mới cảm nhận hết sự phát triển của làng nghề. Đặc biệt, vào những ngày cuối năm, không khí lao động sản xuất nơi đây thật nhộn nhịp, hối hả như báo trước mùa bội thu thành quả lao động của người dân làng nghề chăn - ga - gối - đệm.  Từng chiếc ô tô chở hàng ngược, xuôi trong từng ngõ, xóm, người lao động từ trẻ đến già ai cũng mải mê với công việc của mình. 

Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, từ chỗ sản xuất sản phẩm chăn bông truyền thống, đến nay, làng nghề Trát Cầu đã “lấn sân” sang các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt; kết hợp tinh hoa truyền thống cùng kỹ thuật công nghệ cao tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ của làng nghề, đưa cuộc sống ngày một nâng cao, bộ mặt kinh tế xã hội của Trát Cầu ngày một khởi sắc.

Thanh Huyền