Lan tỏa di sản qua những bộ tem

Sau khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh, đã có nhiều hình thức bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản này. Phát hành tem và blốc là một trong những hình thức đó.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01-12-2016. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, được hình thành và phát triển mạnh mẽ, trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người về sức khỏe, bình an và phát đạt…

 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem cung ứng trên mạng lưới bưu chính “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Bộ tem gồm 3 mẫu và 1 blốc được thiết kế theo phong cách đồ họa mang đậm màu sắc dân gian với những nội dung cô đọng có khuôn khổ 43 x 32mm và blốc là 150 x 90 mm, với giá mặt tương ứng là 4000 đồng, 4000 đồng, 15.000 đồng và 15.000 đồng.  Màu sắc thiên về 3 gam màu chính gồm sắc đỏ, xanh, trắng lần lượt tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ).

Mẫu tem về Ban thờ “Tam tòa Thánh Mẫu” gồm 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.

Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam. Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước, Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.

Mẫu tem “Hầu bóng” thể hiện nghi thức Hầu bóng, là một nghi thức quan trọng, không thể thiếu trong các nghi lễ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, được thực hiện với ước muốn con người có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các Thanh đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Mẫu tem “Kiều năm quan” thể hiện Đại lễ kiều thỉnh Ngũ vị Vương quan, là một nghi lễ đặc biệt quan trọng, được thực hành trong không khí trang nghiêm và đầy đủ nghi thiết, tái hiện hình ảnh các vị anh hùng dân tộc được thánh hóa, mang đầy ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc.

Blốc "Rước Mẫu" thể hiện màn Rước kiệu Tam thánh Mẫu với hình kiệu rước 3 sắc màu điển hình, được sắp xếp thành hàng hướng về Phủ chính. Không gian lễ hội Rước Mẫu được tái hiện với nhiều đoàn rước, đây là một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu.

Để thiết kế và phát hành bộ tem này, Bộ TT&TT đã chọn sử dụng bộ ảnh của tác giả Nguyễn Quốc Hiệp, công tác tại Thanh tra Bộ VHTTDL. Chia sẻ với Thế giới Di sản, ông Hiệp cho biết: “Tôi có đam mê chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc và những cảnh đẹp của quê hương đất nước. Là người nghiên cứu về di sản văn hóa, tôi thường tham dự và nghiên cứu các lễ hội truyền thống để kịp thời có ý kiến giúp các nhà quản lý điều chỉnh các văn bản quản lý nhà nước cho phù hợp. Bộ ảnh này được tôi chụp trong các thời điểm diễn ra Lễ hội Phủ Dầy tổ chức tại Phủ Tiên Hương. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Trong đó, hình ảnh tế lễ kiều năm quan do Nghệ nhân Ưu tú Lưu Ngọc Đức (Thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng Từ, 16 Hàng Hành, Hoàn Kiếm Hà Nội) làm người tế chính; Phần ảnh rước Mẫu được sử dụng là ảnh các thành viên của Phủ Tiên Hương rước trong Lễ hội Phủ Dầy; Ảnh đại diện cho Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là ảnh của sân Phủ Tiên Hương; Ảnh Tam tòa thánh Mẫu được chụp tại đền Nguyên Khiết Linh Từ (102 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Ảnh Hầu giá Chầu là Nghệ nhân Ưu tú Trần Kim Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương)”.

Cũng theo ông Hiệp, Hội đồng xét duyệt của Bộ TT&TT đã duyệt các ảnh được vẽ lại trên nguồn ảnh gốc để chuyển thể thành bộ Tem Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.

Bộ tem và blốc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” là thông điệp gửi tới người dân trong nước và trên thế giới cùng chung sức bảo vệ, gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị của di sản. Đây cũng là cơ hội thu hút sự quan tâm của xã hội đối với văn hóa sưu tập tem và nhìn nhận hoạt động này như một thú vui trí tuệ, vừa giáo dục lòng yêu nước thông qua những bộ sưu tập tem quý giá về lịch sử, vừa mang đậm tính văn hóa nghệ thuật dành cho giới trẻ. 

HOÀNG VÂN

Top