Làm giấy - Nghề truyền thống của một số Dân tộc thiểu số

Đồng bào các dân tộc thiểu số có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua nhiều phong tục: lễ cấp sắc, cầu an... Một số dân tộc đã và đang duy trì nghề làm giấy, đồng bào làm giấy không phải để viết, mà phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng.

Nghề làm giấy bản của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang là làng nghề truyền thống và đã được đưa vào quy hoạch để bảo tồn, phát triển. Thôn Thanh Sơn có 120 hộ với 550 khẩu trong đó 100% số hộ là người đồng bào dân tộc Dao (thuộc nhóm Dao đỏ, hay còn gọi là Dao đại bản); trên 90% số hộ sản xuất giấy bản truyền thống.

Nghề sản xuất giấy bản của dân tộc Dao ở đây là nghề truyền thống được lưu truyền từ năm 1925 đến nay. Giấy được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây vầu non và dây leo tạo keo liên kết, sử dụng vôi để ngâm ủ nguyên liệu, sử dụng nước tự nhiên để tráng. Nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ thiên nhiên và có khả năng tái tạo hàng năm, không gây ô nhiễm môi trường. Nghề làm giấy diễn ra quanh năm, tranh thủ thời gian nông nhàn.

Sản phẩm giấy bản sử dụng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhiều dân tộc. Để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Khoa học Công nghệ huyện Bắc Quang, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã phê duyệt Dự án Bảo tồn và Phát triển nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn vào chương trình đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp huyện năm 2012. Thời gian triển khai thực hiện Dự án từ tháng 3-2012 đến tháng 11-2012.

Tuy không phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng nghề làm giấy bản ở Văn Bàn, đã lặng lẽ tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Dao đỏ ở đây.

Theo dân gian truyền lại, người Dao đỏ ở Văn Bàn làm giấy bản từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Loại cây được sử dụng nhiều nhất là măng vầu hoặc rơm rạ sau mùa thu hoạch. Khi cây măng cao chừng 3m người ta chặt về, loại bỏ lá, cành rồi cắt thành từng đoạn ngắn đem luộc mềm. Măng đã luộc ngâm với vôi và tro bếp khoảng mười ngày cho nhuyễn hẳn, rồi dùng cối để giã thành bột. Cũng từ rễ, thân, lá của hai loại cây rừng đặc biệt (tiếng Dao gọi là cây Skêu và cây Pùi Luồng) đập giập, ngâm vào nước 20 phút sẽ được một loại dung dịch màu vàng xanh, sánh như dầu nhớt nguyên chất. Hòa bột măng vầu cùng dung dịch này, sau đó tráng thật mỏng trên khuôn vải giống như tráng bánh cuốn, phơi khô rồi bóc ra là được tấm giấy bản đầu tiên.

Để có những tờ giấy bản vuông vắn, công đoạn cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, gấp vào, dùng thanh nứa mảnh rọc theo khổ tùy chọn. Mỗi tờ giấy bản cầm lên mỏng tang, sắc vàng, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và phảng phất hương thơm của cây rừng.

Được làm từ bàn tay khéo léo của người Dao đỏ, theo những bí quyết riêng, giấy bản là loại giấy tuy mỏng, nhưng dai và bền hơn giấy sản xuất công nghiệp. Bảo quản ở nơi khô ráo, giấy bản có thể để vài chục năm vẫn sử dụng tốt.

Bức ảnh của chị Bàn Thị Dấn - dân tộc Dao về nghề làm giấy ở Văn Chấn (Yên Bái). (Ảnh: TL)

Không giống những loại giấy thông thường, giấy bản thường chỉ được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của người Dao đỏ, như lễ tết, ma chay... Loại giấy này được rọc theo khổ 10 x 20cm, sau đó chạm hoa văn nổi bằng một dụng cụ kim loại. Cũng giống như người Kinh đốt vàng mã trong ngày lễ, người Dao đỏ đốt giấy bản theo quan niệm tâm linh. Bên cạnh dùng trong nghi lễ, loại giấy bản làm từ măng vầu còn được xén theo khổ 20 x 30cm và đóng thành quyển để viết chữ. Trong mỗi gia đình người Dao đỏ ở Văn Bàn đều lưu giữ một, hai cuốn sách chữ Nho viết bằng mực màu trên giấy bản. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có cuốn bìa đã rách nát mà nét chữ vẫn không phai màu mực. Chính sự cẩn trọng, giữ gìn, không sử dụng tùy tiện giấy bản đã cho thấy giá trị của loại giấy này trong đời sống văn hóa phong tục của người Dao đỏ. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác, gia đình người Dao đỏ nào ở Văn Bàn cũng biết cách làm và tự làm được giấy bản để sử dụng.

Đồng bào dân tộc H’Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có rất nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, thêu thổ cẩm, vẽ tranh sáp ong..., đặc biệt là nghề làm giấy giang của người dân tộc H’Mông.  Giấy giang của người H’Mông ở Pà Cò và Hang Kia không dùng để viết, mà chủ yếu dùng phục vụ cho mục đích tín ngưỡng. Trong các lễ nghi, đồng bào thường cắt giấy bản thành những hình vuông, hình tròn, được quan niệm là những thông điệp của người H’Mông gửi cho tổ tiên, thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, mùa vụ tốt tươi, xua đi cái xấu... Giấy thờ của các gia đình cũng là loại giấy này. Giấy được làm bằng cây giang, bà thường chọn cây giang non rồi chặt thành khúc, bỏ mắt, gùi về nhà thái bỏ vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ. Thanh giang được bỏ vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó sẽ được cho vào tải ủ tưới nước thường xuyên. Ủ càng lâu giang càng mềm, khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt các thứ xơ bỏ ra ngoài. Và khâu cuối cùng là tráng giấy, đây là khâu khá khó vì đòi hỏi người tráng phải có kinh nghiệm tráng đều trên khung màn đóng sẵn. Người H’Mông đặt ngang chiếc khung vải, dùng muôi múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, rồi cầm khung lắc đi lắc lại cho thật đều. Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng để phơi giấy cho khô. Khi giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Giấy làm bằng giang có độ mịn cao, màu hơi vàng tươi đẹp mắt.

Mùa làm giấy giang chỉ diễn ra trong vòng hai tháng, từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 (Âm lịch). Nguyên liệu bà con vẫn phải lấy hoàn toàn từ rừng. Nghề truyền thống làm giấy giang không những góp phần phục vụ đời sống tinh thần của bà con tại chỗ mà nay đã được trao đổi buôn bán ra bên ngoài nên một số gia đình đã có của ăn của để.

Dân tộc Dao ở Lào Cai, ngoài chữ viết riêng còn có nghề sản xuất giấy rơm để phục vụ dịp lễ, tết, cúng cầu mùa. Mỗi gia đình người Dao có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính để đánh dấu. Giấy rơm có màu vàng nhạt, dày, độ xốp cao, dai mịn. Dụng cụ làm giấy rất đơn giản, do đồng bào tự sáng chế ra để dùng trong gia đình. Dụng cụ cơ bản nhất là một cái khuôn tráng giấy làm bằng vải bông, có độ thoáng, kích cỡ tùy thuộc vào ý định của gia chủ (thường là 60cm x 1,2m). Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy... Việc làm giấy chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm, chất liệu làm giấy chủ yếu là rơm nếp.

Kỹ thuật làm giấy của người Mông (Ảnh: TL)

Nghề làm giấy thủ công là một nghề mà sản phẩm của nó không thế thiếu được trong cuộc sống tâm linh của đồng bào người Mông ở Sơn La. Giấy thường được làm vào thời gian nông nhàn đặc biệt là vào dịp tết để cúng mừng năm mới. Người ta thường làm giấy vào mùa khô ráo, trời nắng mới đem phơi giấy để giấy được trắng và đẹp. Nghề làm giấy chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, không yêu cầu kỹ thuật cao lắm. Người Mông thường sử dụng các loại chất liệu liệu có rất nhiều ở nơi họ cư trú như cây dướng, tre non, rơm là những loại chất. Dụng cụ làm giấy rất đơn giản, do đồng bào tự sáng chế ra để dùng trong gia đình. Dụng cụ cơ bản nhất là một cái khuôn để tráng giấy. Khuôn được làm bằng vải bông, có độ thoáng có kích cỡ tuỳ thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 60 x 1,2m. Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy, một cục kê và một thanh gỗ để đập giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy. Có ba loại giấy là giấy dướng (giấy làm từ vỏ cây dướng), giấy làm bằng tre non chưa có lá và giấy làm từ rơm. Quy trình làm các loại có khác nhau một chút. Giấy thành phẩm của ba loại chất liệu có những đặc điểm khác nhau. Giấy rơm có màu vàng nhạt dày, độ xốp cao, dai mịn. Giấy tre có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai. Giấy dướng có màu trắng ngà, thô dai dày.

Dân tộc Mông ở Sơn La không có chữ viết riêng và giấy sản xuất ra không phải để viết mà chủ yếu làm giấy cúng nên không cần độ mịn, trắng cao. Họ quan niệm rằng, nếu lễ tết, cúng cầu mùa không có giấy cúng tự mình làm ra thì tổ tiên sẽ không nhận. Mỗi gia đình người Mông có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính đánh dấu góc thờ nhưng rất đỗi linh thiêng. Ngoài ra giấy còn được dùng làm lá gió cho bễ lò rèn, vừa dai bền lại lâu rách. Ngày nay, không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy nhưng trong tất cả các bản đều vẫn duy trì nghề này vì sản phẩm giấy đã đi vào tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

Bao đời nay, nghề làm giấy ở một số dân tộc thiểu số đã ăn sâu, in đậm vào đời sống, tăng thêm thu nhập, cũng là phát huy truyền thống dân tộc và góp phần phát triển làng nghề du lịch có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và tìm hiểu về phong tục và nghề làm giấy này. Tuy nhiên, hiện nay quy mô sản xuất chưa lớn, cơ sở sản xuất do người dân tự tạo ra còn nhỏ lẻ, manh mún, nguyên liệu chưa chủ động, sản phẩm làm ra chưa nhiều. Cần phải có sự tác động từ phía các cấp, các ngành và sự chuyên canh hóa nghề nghiệp của người dân, kết hợp với sự bảo tồn phong tục tập quán của đồng bào và kế hoạch tạo ra khu du lịch sinh thái... từ đó mới có thể tạo ra được làng nghề truyền thống, làng văn hóa du lịch cộng đồng trong tương lai, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoài Nam

Top