Làm giàu từ tài nguyên di sản văn hóa

Ngay trong những ngày đầu năm 2019, nhìn các vị khách quốc tế đầu tiên xông đất Phố cổ Hội An và Cố đô Huế lội bộ, dầm mình trong mưa để khám phá di sản cũng đủ thấy sức hút của di sản văn hóa mang đến cơ hội làm giàu như thế nào. Còn theo Tổ chức Du lịch thế giới, ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực tìm hiểu văn hóa nơi đến. Khách du lịch di sản văn hóa đi khám phá các nơi nhiều gấp 2 lần khách du lịch khác, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu cũng nhiều hơn. Không thể phủ nhận được việc DSVH ngày càng thể hiện vai trò nguồn lực nội sinh cho sự làm giàu và phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Hệ sinh thái “hái” ra tiền

Không còn là lý thuyết suông, sự phát triển của hoạt động du lịch xuất phát từ bệ phóng của tài nguyên di sản đã và đang được các địa phương chú trọng. Bởi sức hấp dẫn của di sản không chỉ đơn thuần là nguồn thu mang lại từ hoạt động bán vé, tài nguyên di sản còn mang đến những lợi ích trên nhiều phương diện trong đời sống xã hội. Điều này, dễ dàng nhận thấy ở những di sản trong nước đã được UNESCO vinh danh.

Đoàn khách đầu tiên xông đất Hội An - Quảng Nam, năm 2018

Tiêu biểu trong số đó, có thể nói đến kho di sản văn hóa Hội An ở tỉnh Quảng Nam. Theo như chia sẻ của ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, từ khi vượt qua mức báo động đỏ vào năm 1999, khi mà phố cổ trong tình trạng “tổn thương” nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà không biết sụp đổ vào lúc nào? Thế rồi, từ các nguồn mà nhất là từ hoạt động bán vé tham quan du lịch, gần 200 lượt di tích thuộc sở hữu Nhà nước được đầu tư tu bổ và gần 150 di tích tư nhân tập thể được hỗ trợ trùng tu với tổng kinh phí hơn 139 tỉ đồng. Đó là chưa kể các chủ sở hữu di tích đã tự bỏ kinh phí riêng để tu bổ mỗi năm hơn 200 trường hợp với lượng kinh phí rất lớn.

Những vị khách quốc tế đầu tiên đến Hội An 2019

Đến nay, kho di sản văn hóa Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nói như ông Trung, điểm sáng của Hội An hiện nay là bức tranh “trăm hoa đua nở” - người người, nhà nhà từ vùng trung tâm phố cổ đến thôn quê đều biết cách tham gia làm kinh tế trên nhiều lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại... Qua đó, đưa hoạt động du lịch ở Hội An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên bệ đỡ bền vững của di sản văn hóa. Từ năm 2017, nhóm ngành dịch vụ - du lịch - thương mại chiếm gần 70% nguồn thu của địa phương. Ông Trung khẳng định, di sản văn hóa Hội An đã thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương - những chủ nhân của di tích. Trong năm 2018, tổng lượt khách đến với Hội An ước đạt khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 81% so với năm trước. Doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 166 tỉ đồng, tăng 17%; vé tham quan Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng gần 27 tỉ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2017.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nhìn nhận về giá trị đa diện của tài nguyên di sản, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, mỗi di sản văn hóa không chỉ mang lại nguồn lợi lớn trong tổng thu nhập mà quan trọng hơn là sự quảng bá hình ảnh của quốc gia. Dẫn chứng về một số nước quảng bá hình ảnh quốc gia thành công từ di sản văn hóa, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, Italia là một số trong các quốc gia điển hình trong việc phát huy giá trị của di sản. Mỗi năm, du lịch di sản quốc gia này thu hút trên 50 triệu lượt khách quốc tế và chỉ riêng ngành Du lịch đã đem lại nguồn thu gần 170 tỉ USD, đóng góp trên dưới 10% GDP hàng năm.

Với một “hệ sinh thái” sinh lợi không thể “cân - đo - đong - đếm” từ tài nguyên di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay đang là xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Đáng nói thêm, kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới cho thấy đầu tư vào di sản cũng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Điển hình như tại nước Pháp, người ta ước tính đầu tư 900 triệu Euro cho di sản sẽ thu về từ 500 triệu đến 2 tỉ Euro. Nói như vậy để thấy rằng, di sản văn hóa ngày càng thể hiện rõ là “báu vật”, nguồn tài nguyên bền vững cho sự làm giàu của các quốc gia.

Linh hồn của điểm đến

Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực muốn được tìm hiểu văn hóa của nơi đến. Đặc biệt, khách du lịch di sản văn hóa đi khám phá các nơi nhiều hơn gấp 2 lần khách du lịch khác, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn. Ngay trong những đầu của năm 2019, nhìn các vị khách quốc tế đầu tiên đến “xông đất” Hội An và Cố đô Huế lội bộ, dầm mình trong mưa để khám phá di sản cũng đủ để thấy sức hút của di sản văn hóa mang đến cơ hội làm giàu cho các địa phương như thế nào?!

Quần thể Tràng An - Ninh Bình

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong năm 2017 Khu Di sản Huế đã đón hơn 3 triệu lượt du khách, chỉ riêng tiền vé tham quan đã thu về trên 320 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (80 tỉ đồng). Năm 2018, số du khách đến với di sản Cố đô Huế ước đạt 3,5 triệu lượt khách (tính cả vé miễn phí) và doanh thu từ tiền vé khoảng hơn 381 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2019 sẽ đón trên 3,7 triệu du khách, kế hoạch doanh thu từ bán vé khoảng 400 tỉ đồng. Tiến sĩ Phan Thanh Hải chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà lượng khách đến địa phương liên tục tăng qua các năm, nếu không có Quần thể Di tích Cố đô thu hút hàng triệu du khách năm này qua năm khác đua nhau đến. Điều này càng chứng minh rằng, vai trò trò động lực của di sản văn hóa làm bệ phóng để du lịch cất cánh và phát triển bền vững đang sáng dần trong bức tranh kinh tế của nhiều địa phương.

Trong chuyến thăm và làm việc tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý địa phương rằng, không những là vùng đất giàu bản sắc, đa dạng về văn hóa, con người, tôn giáo và tín ngưỡng… An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh MeKong, là bảo tàng sinh thái - tự nhiên và văn hóa độc đáo của vùng đất chín Rồng… Tất cả những điều này cần được hết sức bảo tồn, gìn giữ và trở thành lợi thế thu hút du lịch của địa phương, để du khách khắp nơi trên thế giới biết đến.

Trải nghiệm Tết cung đình tại Khu Di sản Hoàng cung Huế

Mối liên hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong du lịch cũng được các nhà nghiên cứu khẳng định, di sản văn hóa là linh hồn của các điểm du lịch. Ngược lại, du lịch mang đến “nhựa sống” cho di sản, cầu nối cho du khách xích gần với di sản, gia tăng cơ hội cũng như nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, duy trì bền vững giá trị của di sản văn hóa. Đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể đang dần mai một, thậm chí bị phá hủy bởi thời gian, sự lãng quên của chính người dân bản địa.

Điều này dễ thấy và dễ hiểu, bởi di sản không phải là “nồi cơm Thạch Sanh” hay bầu sữa để các ngành khác tùy thích “vắt” mà quên đi trách nhiệm đầu tư tu bổ tương xứng với giá trị kinh tế của di sản văn hóa mang lại. Tuy vậy, di sản văn hóa một số nơi đâu đó ở nước ta đang bị khai thác “quá sức”. Trong khi, việc tu bổ và tôn tạo chưa theo kịp với tốc độ và nhu cầu khai thác dẫn đến nhiều di sản bị xuống cấp, mất dần bản sắc. Thạc sĩ Võ Văn Thành, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chia sẻ, việc cần làm ngay là xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa cụ thể từ những chất liệu di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận và nâng cấp thành những sản phẩm du lịch cao cấp như mô hình thành công của một số nước Trung Quốc, Thái Lan. Khi đó, tài nguyên di sản mới được “phát huy” đúng nghĩa, mang đến sự giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng cư dân.

Hoàng Hải

 

 

Top