Làm gì để phát huy Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam?

Để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Nhà nước ta đã thiết lập Chương trình mục tiêu về văn hóa trong hơn 15 năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thực hiện thí điểm 13 dự án trên địa bàn của 11 tỉnh, thành phố. Đến năm 2001, chương trình mục tiêu về văn hóa đã thực hiện 200 dự án bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn 52 tỉnh, thành trong cả nước.

Sau khi Luật Di sản văn hóa được áp dụng vào thực tiễn, từ năm 2001 đến hết năm 2014, 63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, sau khi tổng kết chương trình này, Trung tâm Dữ liệu Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã lưu trữ được 742 dự án, trong đó có 72 dự án văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số thực hiện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chương trình Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong hơn 15 năm qua đã tích lũy được một khối lượng dữ liệu khổng lồ, lưu trữ được 3.656 băng tư liệu gốc các loại với thời lượng lên đến: 219.360 phút trong đó có: 2.199 băng Betacam các loại; 1.376 băng DVCam và Mini DV; 81 băng S.VHS và VHS.

Với gần 600 phim khoa học với thời lượng hơn 23.000 phút, 650 album ảnh với hơn 2.200 ảnh; 350 băng cassette, hơn 750 báo cáo điền dã về các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Việt Nam. Các dữ liệu này đã được lưu trữ, phân loại đúng quy chuẩn tại Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh: internet)

Việc lưu trữ những thước phim về di sản văn hóa phi vật thể có những giá trị lịch sử nhất định mà không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở công tác lưu trữ, số hóa các dữ liệu mà không phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa, đồng thời biên tập thành sách giáo khoa bằng hình ảnh, biên soạn các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa tộc người để phổ cập và giảng dạy thí điểm tại các trường đại học, các trường THPT thì thật sự là điều lãng phí và không phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng việc khai thác và phát huy Ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể như thế nào để vừa quảng bá di sản văn hóa sâu rộng trong quần chúng nhân dân, vừa mang tính định hướng giáo dục, vừa tạo động lực cho sự phát triển du lịch là điều không dễ dàng. Vì vậy, muốn khai thác và phát huy tốt nguồn dữ liệu này cần thiết phải:

Sản xuất các phim truyền hình quảng bá hình ảnh di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam tới công chúng, phổ biến giá trị của di sản tới mọi tầng lớp nhân dân thông qua các kênh truyền thông trong nước.

Đồng thời hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng hệ thống phim quảng bá hình ảnh các di sản văn hóa Việt Nam trên các kênh truyền hình nước ngoài. Xây dựng bộ đĩa CD-Rom về hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam để làm giáo khoa cho các trường trung học phổ thông và trường đại học nhằm phổ cập những kiến thức cơ bản cho thế hệ trẻ về di sản văn hóa Việt Nam. Cần thiết phải kết hợp với Tổng cục Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng hệ thống phim quảng bá di sản văn hóa và xuất bản sách giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các tỉnh (song ngữ) hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm ra thị trường.

Chỉ có như vậy, chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mới phát huy được hết tiềm năng vốn có của mình, đồng thời tác động trực tiếp, tích cực vào nhận thức, tư duy của tất cả mọi tầng lớp cư dân trong xã hội, tạo động lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.

Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dạng số

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại TP Huế từ 18-21/5/2016, Ban Tổ chức đã mở rộng phiên họp với Hội thảo chuyên đề “Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dạng số”. Ngoài các đại biểu quốc tế dự Hội nghị của MOWCAP, hội thảo còn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia và nhà nghiên cứu tại Huế.

Trong Hội nghị toàn thể lần thứ 38 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO tại Paris (Pháp) - năm 2015 đã từng đưa ra yêu cầu về vấn đề bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dưới dạng số nên được quy định ở tầm quốc tế. Theo đó, một khuyến nghị về vấn đề này đã được MOWCAP dự thảo và đưa ra tại Hội nghị toàn thể MOWCAP lần thứ 7 này để các đại biểu xem xét. Tại Hội thảo, nhiều nội dung khuyến nghị được đưa ra như: Nhận diện di sản tư liệu, bảo tồn di sản tư liệu, tiếp cận di sản tư liệu, thước đo chính sách, sự hợp tác quốc gia và quốc tế để hỗ trợ công tác bảo tồn di sản tư liệu. Hội thảo cũng đồng thời xem xét lại bộ hướng dẫn về Chương trình Ký ức thế giới và bảo vệ Di sản tư liệu, bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực. 

Sơn Thùy

Theo Vũ Trung (Baovanhoa.vn)

Top