Kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016): "Bác đã dạy tôi tình cảm lớn lao đó"
Biết tin gia đình bác sỹ Vũ Ðình Tụng có hai người con trai đã hy sinh ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã gửi thư cho gia đình. Thư của Bác có đoạn: “Những cháu và anh em thanh niên khác, dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.
“Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Ðồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
“Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng…”
Vũ Văn Thành là một chiến sỹ “Sao vuông” và là người con trai út của gia đình bác sỹ Vũ Ðình Tụng, đã bị thương trong một đêm tháng Chạp năm 1946. Chính bác sỹ đã là người xử lý vết thương, cố kìm mình để giữ bình tĩnh gắp những mảnh đạn cuối cùng ra khỏi thân thể người con trai yêu quý của gia đình. Nhưng vì vết thương quá nặng nên đã không cứu được đứa con trai của mình.
Bác sỹ Vũ Ðình Tụng kể: Khi bác sỹ Trần Duy Hưng lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm và trao một bức thiếp của Bác Hồ. Lúc đầu tôi cứ tưởng là một mệnh lệnh mới của Bác, nhưng đó là bức thư riêng của Người gửi chia sẻ nỗi đau với gia đình. Ðọc xong bức thư của Bác mà tôi thấy bàng hoàng. Trong lúc chiến tranh ác liệt đang diễn ra tại Hà Nội, Bác bận trăm công nghìn việc thế mà Người vẫn nghĩ đến một gia đình nhỏ bé đang có nỗi đau vì mất một người thân thiết. Trong khi ngay cả đến người thân thuộc họ hàng cũng chưa có thì giờ thăm hỏi. Tình cảm đó của Bác đã khiến tôi cảm thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác, của cả dân tộc. Tôi nhìn thấy rõ mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các con tôi và khỏi phụ lòng Bác. (Anh trai của Vũ Văn Thành là Vũ Ðình Tín cũng đã hy sinh sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945).
Ảnh: internet
Và chúng ta biết, gia đình bác sỹ là một gia đình công giáo, ngoan đạo và là một gia đình yêu nước. Cách mạng tháng Tám thành công, Vũ Ðình Tụng trở thành một bác sỹ của xã hội mới. Sau những ngày chiến đấu ở Hà Nội, bác sỹ Vũ Ðình Tụng đã đi theo Bác Hồ lên chiến khu Việt Bắc.
Năm 1947, bác sỹ Vũ Ðình Tụng được Bác Hồ giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh.
Năm 1948, bác sỹ Vũ Ðình Tụng đã cùng với Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sỹ Hồ Ðắc Di tổ chức và giảng dạy tại Ðại học Y khoa kháng chiến tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ông cũng là một trong những bác sỹ đầu ngành về ngoại khoa của y học Việt Nam.
Hòa bình lập lại, bác sỹ Vũ Ðình Tụng vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh cho đến năm 1959 Bộ này giải thể. Ông là một vị Bộ trưởng luôn luôn được Bác Hồ tin tưởng.
Trong những năm hòa bình, bác sỹ Vũ Ðình Tụng đã tham gia nhiều hoạt động chính trị xã hội. Ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Ban Việt kiều Trung ương; Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới; Ủy viên Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam…
“Nước Việt Nam là đại gia đình của mình”- Lời Bác dạy đã tiếp thêm sức mạnh để bác sỹ Vũ Ðình Tụng và gia đình vượt lên đau thương để đóng góp cho đất nước. Với tình cảm thiêng liêng đó, mỗi khi nhớ lại giây phút giành giật sự sống cho đứa con của mình, bác sỹ lại giành tình thương đó cho việc chăm sóc, cứu chữa những người bệnh khác. Ông nói: Tôi đã mang hết tình yêu thương ruột thịt đối với con tôi để dành cho việc chăm sóc, cứu chữa anh em thương binh. Tôi đã gặp lại nhiều bóng dáng của con tôi ở những chiến sỹ lành vết thương trở về tiếp tục chiến đấu. Mỗi lần như vậy, tôi lại tìm thấy vinh dự và niềm vui rất lớn. Bác Hồ đã dạy cho tôi một tình cảm lớn lao, biết đem tình cảm riêng của mình đặt trong tình cảm thiêng liêng của Tổ quốc, của dân tộc.
Những đóng góp của bác sỹ Vũ Ðình Tụng đã được Tổ quốc ghi công. Ông đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Ðộc lập; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất…
Người trí thức công giáo yêu nước, bác sỹ Vũ Ðình Tụng đã ra đi theo Bác Hồ từ năm 1973. Nhưng những cống hiến của Ông và gia đình vẫn là tấm gương sinh động, tiêu biểu của hàng triệu thương binh và gia đình liệt sỹ đã, đang học và làm theo gương Bác Hồ.
TS Nguyễn Thị Tình