Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I năm 1946
Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập có 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số, thành phần của Quốc hội khóa I chủ yếu là công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ cách mạng (chiếm khoảng 65%), còn lại Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và các đảng phái khác chiếm khoảng 35%.
Như vậy, với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đầy đủ đại diện của các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội, các đảng phái chính trị và có đại diện của nhiều dân tộc anh em đang sinh sống trên khắp mọi miền của lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TL
Gần 2 tháng sau ngày Tổng tuyển cử, đúng 8 giờ sáng ngày 2-3-1946, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội đã chính thức khai mạc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Kỳ họp thứ nhất, do điều kiện đất nước vừa giành được độc lập, kẻ thù đang lăm le quay lại xâm lược nước ta, nên chỉ có gần 300 đại biểu tham dự. Theo Biên bản Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I hiện lưu giữ tại Kho Văn bản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kỳ họp lần này Quốc hội đẫ công nhận danh sách Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam gồm 10 Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; danh sách Kháng chiến Uỷ viên Hội, do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, ông Vũ Hồng Khanh Phó Chủ tịch; danh sách ĐoànCố vấn, do ông Nguyễn Vĩnh Thuỵ, tức Cựu hoàng Bảo Đại làm Đoàn trưởng. Bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban và bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
Khoảng 10 giờ 30 phút, trước bàn thờ Tổ quốc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ vừa được thành lập đọc lời thề: “Chúng tôi Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tối cao cố vấn đoàn và ủy viên kháng chiến, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội xin thề cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc gìn giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.”
Sau lễ tuyên thệ của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, đồng chí Nguyễn Đình Thi, đại biểu trẻ nhất, Thư ký Kỳ họp đã đọc lời Tuyên ngôn của Quốc hội và các điện văn gửi đồng bào và chiến sỹ cả nước, các điện văn gửi Liên hiệp quốc, gửi Giáo hoàng, Việt kiều ở nước ngoài cũng như nhân dân các nước Pháp, Trung Hoa, Ai Lao (Lào). Trong các điện văn Quốc hội Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam, khẳng định tinh thần quyết tâm chiến đấu để bảo vệ thành qủa cách mạng và kêu gọi nhân dân các nước, bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong bản Tuyên ngôn của Quốc hội đã nhấn mạnh: Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ Cộng hoà, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau.
Đúng 13 giờ 10 phút cùng ngày, phiên họp đầu tiên - phiên họp lịch sử của Quốc hội Việt Nam đã bế mạc. Trước khi bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến phát biểu. Toàn văn lời phát biểu của Người như sau: Thưa các vị đại biểu, bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một cái không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác.
Trước khi bế mạc, tôi xin thay mặt Chính phủ cám ơn các đại biểu. Đồng thời chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội Kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ Kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng là Chính phủ thắng lợi. Vậy tôi đề nghị hô khẩu hiệu:
- Kháng chiến thắng lợi!
- Kiến quốc thành công!
- Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Bảy mươi năm đã trôi qua (1946-2016), kể từ ngày Quốc hội họp phiên đầu tiên, nhưng không khí sôi nổi, tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và dân chủ của Quốc hội nước Việt Nam mới đã được ghi lại chi tiết, cụ thể trong Biên bản của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I vẫn vang vọng mãi theo thời gian và lắng đọng sâu sắc trong không gian lịch sử hào hùng của dân tộc. Cũng chính phiên họp này đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
ThS Triệu Văn Hiển
Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội