Không thể làm lại lịch sử

Chùa Trăm Gian thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, có nguồn gốc từ thời Vua Lý Cao Tông (1185), được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ những năm 60 của thế kỉ trước. Thời gian gần đây, Di tích này đã trở nên “nổi tiếng” bởi sự vi phạm nghiêm trọng trong công tác “trùng tu “, đến nỗi có người gọi là sự “bức tử”, “làm mới “ Di tích.

Thật là ngạc nhiên, khi một di tích lịch sử-văn hoá nổi tiếng, có tuổi đời gần1000 năm, nằm trên địa bàn Hà Nội, từ lâu đã được xếp hạng là Di tích quốc gia, lại bị vi phạm  nghiêm trọng như vậy, khiến cho dư luận hết sức bất bình, những người quan tâm đến di sản văn hoá dân tộc không khỏi đau lòng. Việc tháo gỡ, thi công diễn ra ồn ã trong nhiều tháng mà cơ quan quản lý văn hoá và chính quyền địa phương lại nói không biết gì, thì khó có thể tin được và khó có thể trấn an được dư luận.

Có thật đúng như vậy không? Nếu đúng như vậy thì chính quyền và cơ quan quản lý văn hoá địa phương phải nghiêm khắc xem lại cách quản lý của mình, liệu có quan liêu không? có thiếu sâu sát không? Còn nếu không đúng như vậy thì người ta có quyền nghi ngờ rằng, chắc chắn phải có ai đó, cơ quan nào đó có trách nhiệm biết nhưng lờ đi, hoặc bật đèn xanh cho việc làm sai trái này.

Chùa Trăm Gian bộn bề trong đợt tu sửa (Ảnh: TL)

Cho dù nhà sư trụ trì chùa Trăm Gian có nhận khuyết điểm về mình là tự ý cho tháo dỡ, thi công Nhà Tổ, Gác Khánh và bậc cấp phía trước Tiền đường khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền; dù chính quyền và cơ quan quản lý văn hoá địa phương có tiến hành xử lý vi phạm như thế nào đi nữa, thì sự việc đáng tiếc cũng đã xảy ra rồi. Khi di tích đã mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với lịch sử và đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau, không gì có thể bù đắp được, vì không ai có thể làm lại được lịch sử. Khi di tích đã bị phá như thế này thì không thể nói là rút kinh nghiệm, rồi sẽ tìm cách khôi phục lại như cũ; đó chỉ là cách nói mang tính ngụy biện, nhằm làm giảm nhẹ việc làm sai trái của mình mà thôi. Đối với di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng, không phải cứ cậy có tiền thì muốn làm gì cũng được. Suy cho cùng thì tiền nào thì cũng là tiền của dân, huy động các nguồn từ dân; vì vậy đồng tiền này phải được sử dụng vào mục đích đúng đắn, nhất là không thể vụ lợi ở nơi cửa Phật. Vì rằng muốn khôi phục di tích phải dựa trên cơ sở khoa học, không có cơ sở khoa học thì không thể khôi phục di tích được. Việc tháo dỡ và thi công do những người thợ ở địa phương, không có chuyên môn về trùng tu di tích làm, không theo một quy trình bắt buộc nào cả thì sẽ khôi phục như thế nào đây? Việc làm  đối với Di tích chùa Trăm Gian là phi khoa học, bất chấp luật pháp và coi thường lịch sử, đương nhiên cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của Luật Di sản Văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với mức độ trách nhiệm đối với các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm liên quan, đặc biệt đối với những người trực tiếp đến sự việc này. Điều đáng nói nữa là với kiểu làm ăn tuỳ tiện, bất chấp như thế này sẽ làm mất lòng tin của khách trong nước và quốc tế đối với giá trị của Di tích, khi đến tham quan, nghiên cứu, thưởng ngoạn nơi này, làm lãng phí tiền của của nhân dân.

(Ảnh: TL)

Sự việc “bức tử” chùa Trăm Gian đã  xảy ra rồi, được biết Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội  yêu cầu đình chỉ việc thi công tại Di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý vi phạm; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của Nhà Tổ, Gác Khánh và bậc cấp cũ trước sân tiền đường; nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi Nhà Tổ, Gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận; thực hiện các thủ tục để tu bổ di tích theo quy định. Sư trụ trì chùa Trăm Gian nhận trách nhiệm tự ý tháo dỡ, thi công nhà Tổ, Gác Khánh và bậc cấp phía trước Tiền đường khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.

 UBND thành phố Hà Nội đã họp với các cơ quan liên quan, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả trước ngày 29 tháng 8 năm 2012 là một hành động cần thiết, chứng tỏ tính nghiêm trọng của vụ việc này. Dư luận đang trông chờ kết quả giải quyết của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội nhằm “cứu” Di tích theo phương châm “còn nước còn tát” và bảo vệ tính  tôn nghiêm của luật pháp.

(Ảnh: TL)

Việc xử lý sai phạm theo luật pháp đối với việc vi phạm Di tích chùa Trăm Gian là điều hết sức cần thiết. Qua đây chúng ta cũng cần rút ra các bài học bổ ích: bài học về tăng cường tuyên truyền-giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hoá, bài học về tăng cường ý thức và tuân thủ pháp luật; bài học về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; bài học công tác quản lý... nói chung đối với các di tích trong cả nước, vì lâu nay việc vi phạm di tích vẫn thường xuyên diễn ra ở nơi này hay nơi khác, nhưng việc xử lý của chúng ta xem ra còn chưa đúng tầm, như các loại sai phạm khác.

Để khẩn trương giải quyết thấu đáo, nghiêm minh, chính xác sự việc “làm mới” Di tích trầm trọng này xin kiến nghị:

Một là, thành lập Đoàn công tác phối hợp giữa Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Uỷ ban nhân dân huyện Chương Mỹ để điều tra, khảo sát tại chỗ thực sự kỹ lưỡng về mức độ sai phạm, nguyên nhân sai phạm, trách nhiệm sai phạm đối với tổ chức và cá nhân và kiến nghị các biện pháp giải quyết;

(Ảnh: TL)

Hai là, trước thực trạng Di tích hiện nay cần có hướng và biện pháp để khắc phục trên tinh thần cố gắng cao nhất, với sự hợp tác của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học có liên quan ở Trung ương và địa phương;

Ba là, bổ sung các quy định cụ thể bắt buộc đối với các ban quản lý di tích và các sư trụ trì với các chùa là di tích.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ