Không có “hàng rào” nào vững chắc hơn tình yêu và ý thức

Xã hội hóa bảo tồn di sản văn hóa được hiểu là xây dựng cộng đồng tự nguyện tham gia tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế. Nhờ đó, chúng ta có thể thu hút các nguồn lực tham gia bảo tồn bền vững kho tàng di sản văn hóa, đồng thời trực tiếp sáng tạo, cung cấp và phổ biến các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao. Xã hội hóa còn là việc cá nhân, tổ chức đóng góp công sức, trí tuệ vào các công trình, dự án hay những công việc liên quan đến di sản văn hóa.

Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008 “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”. Tiếp đến, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-TW, ngày 14-5-2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước” đã xác định “… đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người”.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa được triển khai ở nhiều địa phương với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục hoạt động văn hóa, lễ hội, thành lập bảo tàng ngoài công lập như mới đây nhất là thành lập Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, nâng tổng số bảo tàng ngoài công lập lên 59.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định số 3217/QĐ-UBND ngày 9-12-2021 cho phép thành lập và hoạt động Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương (TP. Huế, Thừa Thiên-Huế). Trong ảnh: Chủ Bảo tàng, GS.TS Thái Kim Lan tại không gian Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của công dân và tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa hoặc có tâm huyết với di sản văn hóa. Quá trình hoạt động, quan điểm xuyên suốt của Hội là luôn đặt mình trong tâm thế của một người đồng hành, là “cầu nối” giữa cộng đồng và chính quyền; xây dựng và tạo lòng tin với cộng đồng. Gần đây nhất, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã là cầu nối để lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức triển lãm với một sưu tập cổ vật tư nhân ở Hải Phòng, xây dựng Hồ sơ đăng ký và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 1 nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia.

Trong hoạt động bảo tàng: trên thực tế, chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tàng đã được triển khai rộng khắp và hiệu quả. Biểu hiện cụ thể nhất là sự phát triển, thành lập và đi vào hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập, cũng như sự phối kết hợp tổ chức trưng bày, hoạt động của các bảo tàng thuộc sở hữu nhà nước và các bảo tàng, sưu tập tư nhân.  

Bảo tàng ngoài công lập Di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa ra đời đánh dấu một mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học, của các hội viên và Chi hội DSVH Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản Văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã ra mắt công chúng bức tranh tròn hơn hơn 3.000m2 tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021) tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới, là bước đột phá về tranh lịch sử hoành tráng của Việt Nam, góp phần tạo thêm điểm nhấn trong cẩm nang du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên.

Học sinh Trường THCS Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tham quan tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Liên Chi hội DSVH Khu Bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải đã và đang triển khai nhiều hoạt động du lịch cho du khách gắn với di sản văn hóa và truyền thống dân tộc Tày. Nơi đây là quần thể với 30 ngôi nhà sàn với nhiều dân tộc cùng sinh sống và làm việc. Đây thực sự là một điển hình về mô hình xã hội hóa làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, cụ thể ở đây là văn hóa di sản, góp phần phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống kinh tế người dân. Ngược lại, khi đời sống người dân được nâng cao, có điều kiện kinh tế, sẽ có kinh phí để duy tu, bảo tồn những giá trị văn hóa di sản, cả vật thể lẫn phi vật thể.

Trong hoạt động bảo tồn di tích: Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã thành lập Câu lạc bộ Những người quản lý di tích Hà Nội, tập hợp những người làm công tác quản lý văn hóa, quản lý trụ trì các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và các tổ chức cá nhân quan tâm đến công tác quản lý di tích, bảo vệ di sản văn hóa, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải mọi kinh phí hoạt động, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Các liên chi hội, chi hội và hội viên của Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội đã tham gia đảm nhận và công đức tu bổ hơn 120 di tích lịch sử - văn hóa, với giá trị 150 tỉ đồng; Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội đã đề xướng và cùng UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân với số tiền xã hội hóa 14 tỷ đồng; trong đó, hội viên Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội đóng góp hơn 3 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Thực tế hiện nay, các cộng đồng, nhóm người và cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đang tích cực bảo vệ di sản, không chỉ thông qua việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ di sản của do Nhà nước tổ chức, mà còn chủ động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thông qua việc tự nguyện thành lập nhiều câu lạc bộ. Nhiều trung tâm và câu lạc bộ thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập và lan tỏa di sản bằng chính nguồn lực, khả năng của các chủ thể văn hóa và những người có tâm huyết như: Chi hội DSVH CLB Tình người Quan họ (TP.Hồ Chí Minh), CLB Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ tại Hà Nội, CLB DSVH Quê hương xứ Mường (Hòa Bình), CLB DSVH Dân gian dân tộc Thái, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; CLB Nghệ thuật truyền thống Hải Phòng, CLB Thơ văn Truyền thống Hán Nôm,….

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Cộng đồng Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2020” với sự tham dự của hơn 40 đại diện đến từ 5 cộng đồng thực hành di sản kéo co tại Việt Nam. Cũng chính từ kết quả của Tọa đàm này, Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam đã được thành lập dưới sự quản lý của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. 

Cũng bằng phương thức xã hội hóa, những năm qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức được nhiều sự kiện thường niên, như: Trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam”, Triển lãm nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam,...

Toàn cảnh Hội thảo "Di tích Chiến khu Ngọc Thanh - Bảo tồn và phát huy giá trị" do Hội DSVH Việt Nam và Sở VHTTDL Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức

Từ thực tế tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các tổ chức trực thuộc cho thấy, việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào gìn giữ và lan tỏa di sản đóng vai trò quan trọng, không có hàng rào bảo vệ di sản nào vững chắc hơn tình yêu và ý thức của cộng đồng. Để mở ra cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa một hướng tiếp cận mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân. Các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cần được kịp thời phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và thu hút được sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

2. Nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng Nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể.

3. Nghiên cứu, ban hành chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính từ xã hội hóa di sản văn hóa. Các nguồn tài chính xã hội hóa như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ... cần được triển khai theo hướng ưu tiên sử dụng cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

4. Khuyến khích mở rộng xây dựng các bảo tàng hoặc các sưu tập tư nhân, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của các dân tộc.

5. Nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến được với nghệ nhân, người thực hành di sản.

6. Cần phát huy tối đa vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản của chính họ. Cộng đồng cần được nâng cao nhận thức hơn để nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình.

7. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội liên quan đến di sản văn hóa như: Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… thông qua việc mạnh dạn giao cho tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng chuyên môn cũng như các quy định khác.

8. Huy động sự hỗ trợ của quốc tế cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Top