Khẩn trương xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh

Liên quan đến việc lập hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh, dù đã có đầy đủ cơ sở về pháp lý, khoa học và thực tiễn. Thế nhưng thời gian qua công việc này có sự chậm trễ, ngay từ bây giờ phải khẩn trương tiến hành lập hồ sơ và khai quật khảo cổ nghiên cứu khoa học để sớm thẩm định, trình Chính phủ đề cử UNESCO vinh danh. Đây là chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại Tọa đàm khoa học “Nội dung và quy trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo” vừa diễn ra tại tỉnh An Giang.

Đô thị cảng đặc biệt của Đông Nam Á

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý đã phân tích về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia khẳng định, Di sản văn hóa Óc Eo là một đô thị cảng đặc biệt, được quy hoạch là trung tâm thương mại hàng đầu của Đông Nam Á trong thời kỳ hình thành và phát triển, với giá trị rất đặc biệt. Là nền văn hóa phát triển thịnh trên diện không gian rộng lớn, thuộc loại hình di tích đa dạng và phong phú, bao gồm nơi cư trú, mộ táng, đô thị cổ… Qua những hiện vật chỉ dẫn cho thấy có sự giao thương rộng với nhiều quốc gia trên thế giới. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu khuyến nghị, cần nắm rõ các tiêu chí của UNESCO vinh danh đối với loại hình di sản văn hóa này, trong đó có tiêu chí về sự giao thoa văn hóa của Di sản văn hóa Óc Eo với nhân loại, đây được xem là thế mạnh để thuyết phục UNESCO. Ông cũng lưu ý về tên gọi của di sản khi trình hồ sơ, lựa chọn đâu là khu vực trung tâm khai quật để làm rõ tính toàn diện không gian của di sản.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu và chủ trì Tọa đàm

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, thống nhất đây là đô thị cảng cổ. Tuy nhiên, cần có sự khai quật khảo cổ đúng hướng để có đủ cơ sở thuyết phục đây là đô thị cảng cổ, bởi bằng chứng xác thực về nền văn hóa Óc Eo vẫn đang nằm trong khảo cổ học. Ông cũng lưu ý không nên khai quật lẻ tẻ theo kiểu “chọc lỗ”. Đặc biệt, cần mời chuyên gia tư vấn quốc tế để có sự so sánh tương đồng giữa Di sản văn hóa Óc Eo với một số di sản tương tự trên thế giới đã được UNESCO vinh danh.

Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia – Phó Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu tổng thể Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, giá trị đặc biệt của Di sản văn hóa Óc Eo đã được nhiều học giả nghiên cứu và công bố rõ là khu đô thị cảng đặc biệt, giá trị của di sản phù hợp với các tiêu chí để UNESCO vinh danh. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, phạm vi khoanh vùng lập hồ sơ nên tập trung vào hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nếu mở rộng ra tỉnh Đồng Tháp sẽ kéo theo bất cập về thời gian. Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, nếu mở rộng thêm tỉnh Đồng Tháp thì công tác lập hồ sơ cực kỳ khó khăn.

Theo các nhà khoa học, giá trị của Di sản văn hóa Óc Eo không những được khẳng định ở tầm quốc gia mà còn được quốc tế ghi nhận từ rất sớm. Cụ thể vào năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khai quật khu di tích văn hóa này tại địa điểm của một Gò Cao, trên cánh đồng phía Đông và Đông Nam núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Qua đó, đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiên cứu khảo cổ về một nền văn hóa được khởi phát tại An Giang, rồi nhanh chóng lan rộng khắp vùng Nam Bộ, đó là nền văn hóa Óc Eo. Điều này chứng tỏ nền văn hóa Óc Eo đã sớm được học giả quốc tế quan tâm nghiên cứu và công bố, giá trị của nó cũng được thế giới thừa nhận.

Sớm thống nhất các phương án

Qua phân tích, phần nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành khuyến nghị, quá trình lập hồ sơ đề cử UNESCO nên tập trung vào những tiêu chí quan trọng của UNESCO. Ba tiêu chí được nhiều chuyên gia thống nhất. Cụ thể, tiêu chí II thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, hoặc công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan. Tiêu chí III chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc diệt vong. Tiêu chí V là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược.

Một số hiện vật Di sản văn hóa Óc Eo được trưng bày tại di tích

Nhấn mạnh đến phương án chọn An Giang là vùng chính, còn Kiên Giang là vệ tinh, PGS.TS Tống Trung Tín, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia lưu ý, tiêu chí đáng chú ý nhất là tiêu chí II, còn tiêu chí III thì khó vì chưa có gì để chứng minh. Tiêu chí V cũng cần đưa vào để nghiên cứu. Yếu tố gốc chứng minh giá trị của di tích phải được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung, bởi toàn bộ dấu tích hiện nay không đủ điều kiện để lập hồ sơ. PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận cùng quan điểm, với thực trạng hiện nay thì chưa đủ tiêu chí nào để đưa vào đề nghị UNESCO vinh danh. Do đó, cần tiến hành khai quật nghiên cứu khoa học khảo cổ kỹ lưỡng để có kết quả đánh giá xem có đủ cơ sở cung cấp tư liệu cho việc lập hồ sơ hay không? Đồng thời cần thống nhất lại tên gọi hồ sơ chứ không thể gọi là Di sản văn hóa Óc Eo, ông khuyến nghị nên chọn tên gọi là Khu Di tích khảo cổ học để có sức thuyết phục hơn.

Một số hiện vật Di sản văn hóa Óc Eo được trưng bày tại di tích

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, sự phát triển rực rỡ và giá trị đặc biệt của nền văn hóa Óc Eo đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới. Với địa bàn hình thành bao gồm cả vùng đất Nam Bộ, cần phải tìm ra cái tiêu biểu của nền văn hóa này, nên bắt đầu đi từ khảo cổ học để trả lời cho điều này.

Khác với các quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, với những cơ sở hiện có, đủ cho việc lập hồ sơ đăng ký Di sản văn hóa Óc Eo vào danh sách đề cử UNESCO. Có thể chọn tiêu chí ngay trên những kết quả đã có, không nên đợi đến kết quả khai quật khảo cổ. Khi khai quật phát hiện thêm thì làm thêm tiêu chí mới. Nhấn mạnh đến khu vực Gò Tháp ở tỉnh Đồng Tháp, Tiến sĩ Liên đề xuất nên đưa thêm tiêu chí VI vào lập hồ sơ, bởi giá trị của Di tích Gò Tháp có thể khẳng định là “độc nhất vô nhị” trong khu vực Đông Nam Á. Đây có thể là “cứu cánh” đảm bảo tính xác thực và toàn vẹn của di sản văn hóa khi lập hồ sơ. Nếu chọn các tiêu chí II, III và VI thì vững tâm lập hồ sơ ngay từ bây giờ, và đến tháng 3-2019 hoàn toàn có thể đăng ký UNESCO vinh danh.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu tham quan hiện vật văn hóa Óc Eo

Việc lập hồ sơ văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh không thể tiếp tục chậm trễ như thời gian qua, trong khi cơ sở về pháp lý, khoa học và thực tiễn thì không thiếu. Theo đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan phải khẩn trương thực hiện đồng thời hai việc, lập hồ sơ và khai quật khảo cổ nghiên cứu. Trong đó tập trung xác định phạm vi, địa điểm, tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu. UBND tỉnh An Giang chỉ đạo hoàn thiện báo cáo kết thúc giai đoạn 1, đôn đúc giải phóng mặt bằng để phục vụ công tác khai quật khảo cổ.

Dịp này, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị GS.TSKH Lưu Trần Tiêu chủ trì tọa đàm xác định tên gọi hồ sơ và tiêu chí của di sản. Bộ VHTTDL sẽ làm việc với ba tỉnh có di sản văn hóa nói trên để sớm thống nhất các quan điểm, xác định quy mô phạm vi. Thứ trưởng Liên cũng nhấn mạnh, quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu để tránh kéo dài thêm thời gian.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn (An Giang) và Gò Tháp thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương này đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên vẫn chưa được đầu tư những công trình bảo tồn, hay phát huy giá trị mang tầm cỡ quốc gia. Trong khi đó, tiềm năng của nền văn hóa Óc Eo đang có mặt rộng khắp trên gần 20 tỉnh, thành Nam Bộ. Vì vậy, các địa phương có sở hữu, trong đó có An Giang quyết tâm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh. Hiện trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ có duy nhất một di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh vào năm 2013.

Bài và ảnh: Hoàng Đăng

Top