Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2016

Ngày 9-4 (tức mồng Ba tháng Ba năm Bính Thân), tại xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) đã tổ chức khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2016. Đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất cả nước được tổ chức hàng năm thu hút rất nhiều du khách thập phương từ mọi miền đất nước về tham dự.

Trong tâm thức dân gian người Việt, Bà Chúa Liễu Hạnh đã được suy tôn là Thánh Mẫu, là một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam. Huyền thoại về Bà được truyền tụng rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên vùng núi. Những huyền thoại này gắn với di tích tôn thờ Bà ở khắp mọi nơi như: Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ, Đền Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác. Nhưng lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là lễ hội lớn nhất và có tính quy mô nhất.

Ông Trần Văn Chung - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu khai mạc chuỗi Lễ hội Phủ Dầy năm 2016. Ảnh: Internet

Trước kia hội được mở chính thức 10 ngày từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Năm nay, Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 9-4 đến ngày 14-4 (tức từ 3-3 đến ngày 8-3 Âm lịch) với các hoạt động văn hóa truyền thống phong phú.

Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác như đặt lễ, thắp hương, khấn vái, xin âm dương, hóa vàng lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Dầy nói riêng có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng). Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Dầy. Hát văn cùng với múa thiêng - những điệu múa mang đậm chất dân gian đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nghi lễ hầu bóng. Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi nổi trong các ngày hội.

Rước kiệu Mẫu Liễu trong ngày tổ chức Lễ hội Phủ Dầy là một nghi thức quan trọng. Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự tham gia của các nam nữ thanh đồng, của nhân dân trong thôn, đặc biệt là có các xe tay chở sư chùa Thiên Hương đi thỉnh kinh, đoàn xe tay chở các quan, các vị chức sắc hàng huyện, tổng... Trong đám rước còn có sự xuất hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Đặc biệt, trong đám rước từ Phủ Thiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu trông rất sinh động.

Trò kéo chữ đây cũng là một nét đặc sắc của Phủ Dầy. Hội kéo chữ thường được tiến hành vào ba ngày 7, 8, 9 tháng 3 hàng năm. Có thể nói đây là một hình thức vừa là lễ nghi, nhưng cũng vừa là trò chơi thể thao quy mô và đẹp mắt thu hút được hàng nghìn người tham gia và cổ vũ tán thưởng.

Điểm nhấn của hội Lễ hội Phủ Dầy năm nay có “Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn” được tổ chức vào ngày 10-4 (tức 4-3 Âm lịch) tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát, với sự tham gia của đại diện các đền, phủ thuộc quần thể di tích Phủ Dầy. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này.

Cùng với “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, Lễ hội Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nam Định đang phối hợp xây dựng Hồ sơ đề cử quốc gia “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình UNESCO xem xét, vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

P.V

Top