Kéo co trong lễ hội truyền thống của đồng bào vùng Tây Bắc
Tây Bắc là khu vực cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Thái, Khơ Mú, Hà Nhì, Bố Y, Mảng, Na Hủ...Trong lễ hội của đồng bào vùng Tây Bắc, kéo co không chỉ là một trò chơi dân gian, một môn thể thao mà còn trở thành một nghi lễ linh thiêng trong lễ hội của người Tày, Thái, Khơ Mú, Giáy… thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết, ý trí vượt qua những khó khăn của cộng đồng. Ngoài ra, kéo co trong tiếng Tày “nhanh vai”, tiếng Giáy “xao vai” còn mang ý nghĩa là lễ kéo mây, kéo mưa xuống ruộng đồng, cho suối nhiều nước, kéo cho mưa thuận gió hòa, cho vạn vật sinh sôi phát triển, kéo cho mùa màng bội thu...
Trò chơi kéo co trong lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
Nghi lễ và trò chơi kéo co thường được tổ chức trên các thửa ruộng sau khi thu hoạch, hoặc ở sân đình, đền nằm ở vị trị trung tâm của bản. Khi thực hành nghi lễ kéo co, loại dây được nhiều dân tộc sử dụng là dây song mây. Theo quan niệm của đồng bào, đây là loại cây có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt và còn mang ý nghĩa tượng trưng cho rồng thiêng “pẻng luông” luôn mang lại sự may mắn cho con người. Với ý nghĩa đó, khi chọn dây kéo được cộng đồng lựa chọn kỹ lưỡng và thường gắn những kiêng kỵ như: chọn ngày, không chọn cây chết, cây cụt ngọn; không được ai bước qua sợi dây; dây chặt song không được để chạm xuống đất…vì họ sợ làm sợi dây mất thiêng. Dây kéo co được cuộn tròn hoặc kéo cả sợi về nhà thầy Mo, hoặc hoặc đặt ở đền, đình của làng để thầy cúng làm lễ.
Sau phần nghi lễ cúng thần Nông, Thành hoàng làng, thầy cúng lựa chọn những người có chức sắc trong mường, trong bản tham gia thực hành nghi lễ. Trong nghi lễ kéo co của người Tày, huyện Bắc Hà (Lào Cai), mọi người tham gia thực hành nghi lễ được chia thành hai bên, một bên nam và một bên nữ. Bên nam được quy định kéo ở nửa đầu gốc dây, được ví là đầu rồng, bên nữ sẽ kéo nửa dây phần ngọn được ví là phần đuôi rồng. Khi kéo, người kéo ở đầu cuối cùng của dây kéo không được cầm vào đầu ngoài cùng vì đây là phần miệng và mắt rồng. Khi kéo rồng há mồm phun mưa xuống trần gian. Nếu người kéo không biết hoặc vô ý cầm vào gốc sợi dây như vậy sẽ bịt mất miệng và mắt rồng, làm rồng không phun được mưa, năm đó trời sẽ khô hạn, mất mùa.
Ngoài ra, lễ hội kéo co của người Tày ở đây còn gắn với Lễ khao quân của danh tướng Vũ Văn Mật, Hoàng Vần Thùng tập hợp lực lượng để đánh đuổi giặc ngoại bang. Nghi lễ kéo co được thực hành đúng vào giờ ngọ (12h), là giờ tốt, giờ đẹp. Khi thực hành mọi người tham gia chia thành hai phe bên nam và bên nữ kéo co với ý nghĩa là kéo quân “Péng lệnh”, đọ sức thi tài, bên nào thắng tượng trưng cho quân tướng Vũ Văn Mật, bên thua tượng trưng quân ngoại bang Nguyên Mông (Trung Quốc). Bên trên (hay bên trong) tức bên nam kéo tượng trưng là quân tướng Hoàng Vần Thùng, Vũ Văn Mật, quân giặc ở bên dưới (bên ngoài).
Kéo co trong lễ hội của người Giáy ở Lào Cai
Hai bên giằng co kéo đi kéo lại kéo vào trong là quân mình và kéo ra ngoài là giặc ngoại xâm, mình làm chủ mình ở bên trong, người Tày ở Trung Đô, xã Bảo Nhai có câu “Thấu du bưởng nọ- Chẩu dứ bưởng cuông” có nghĩa là “Giặc ở bên ngoài- Chủ ở bên trong”, nên khi kéo bao giờ đội ở bên trong cũng dành phần thắng. Còn ở một số vùng người Tày ở Lào Cai, vào những năm lẻ, phần thắng thuộc về đội nam, năm chẵn phần thắng thuộc về đội nữ. Vì theo quan niệm của người Tày, những năm chẵn là năm có đôi - tượng trưng sự hòa hợp âm dương, năm đó sẽ sinh sôi phát triển về vật nuôi, trồng trọt mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu, bản làng bình yên, con người mạnh khỏe.
Còn ở người Giáy, nghi lễ và trò chơi kéo co gắn liền với Lễ hội Roóng Poọc, đây là lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng. Sau phần nghi lễ cúng tạ ơn các vị thần bản mệnh cộng đồng, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng kéo co. Dây song mây được đặt treo dòng suối, phía trước ban thờ. Thầy cúng chắp tay vái bốn phương sau đó đọc bài cúng kể về nguồn gốc của nghi lễ này và cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên. Sau đó, thầy cúng chọn một số người cao tuổi trong làng, được gọi là các cụ ông và cụ bà tham gia. Mỗi bên có từ 10 đến 16 người. Những người tham gia chia thành hai bên nam và nữ đứng cầm hai đầu đây.
Các đội tham gia kéo co có thể được sắp xếp theo hướng mặt trời mọc, hoặc sắp xếp theo hướng suối chảy, theo độ cao. Nếu xếp theo hướng mặt trời thì đội nam đứng ở phía mặt trời mọc, đôi nữ ở phía mặt trời lặn; còn sắp xếp theo con suối thì nam giới đứng ở phía đầu suối và nữ giới đứng ở phía dưới. Sắp xếp theo địa hình cao thấp thì nam giới đứng ở trên cao, nữ giới đứng ở phía thấp. Trước khi kéo co, thầy mọc đọc bài văn khấn nói về nghi lễ kéo co của dân tộc, sau đó hai đội thực hành nghi lễ kéo ba lượt, lượt đầu tiên bên nam thắng, rồi đến bên nữ thắng, đến lượt cuối cùng là bên nữ thắng. Sau khi thực hành nghi lễ, mọi người ùa vào hai bên thi nhau kéo giằng co với ý nghĩa mong muốn năm đó gia đình sẽ gặp được nhiều may mắn.
Còn ở người Thái, kéo co được tổ chức phổ biến trong Tết tháng bảy hoặc Lễ hội “Sên bản, Sên Mường”, Lễ hội Nàng Han…Sau khi thực hành các nghi lễ tung còn, thầy cúng hô các trai tráng kéo dây song mây về đặt trước ban thờ theo, phần gốc sợi dây đặt quay về hướng Tây, ngọn về phía Đông. Còn nếu bãi tổ chức gần suối thì phần gốc ở phía cuối suối, ngọn quay về đầu suối với mong muốn năm đó làng sẽ gặp nhiều may mắn.
Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Thái - Lai Châu
Ở giữa sợi dây kéo, ban tổ chức buộc một dải vải đỏ với ý nghĩa làm mốc đánh dấu khi thi đấu, ngoài ra dây vải đỏ còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc được may mắn, thuận lợi, lúc nào cũng rực rỡ, thành công. Làm lễ xong, Tạo bản chọn ra hai đôi nam nữ gồm có 4 người là những người có uy tín, địa vị trong làng tham gia kéo trước với ý nghĩa cầu cho bản mường bước sang năm mới được may mắn, thuận lợi. Khi kéo, bốn người chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ, mỗi bên bốn người. Nam giới đứng ở phía gốc, nữ giới đứng bên phía ngọn dây. Còn những người khác chưa được tham gia thì đứng ngoài cổ vũ.
Thầy mo là người trọng tài để phân xử thắng thua giữa hai đội. Sau khi thầy mo ra hiệu, đội trống, chiêng đánh liên hồi, bên nam sẽ kéo trước, nữ kéo sau, hai bên kéo giằng co nhau chưa phân định thắng thua ngay. Mặc dù đội bên nam khỏe hơn nhưng cũng không được kéo thắng ngay mà hai đội cứ kéo giằng co để mọi người ở ngoài hò reo rộn rã trong tiếng trống, tiếng chiêng. Theo quan niệm của người Thái, tiếng trống được ví như tiếng sấm báo hiệu cho mưa thuận gió hòa, kéo co còn mang ý nghĩa kéo những gì may mắn về bản và đưa những gì không may mắn đi. Đây là nghi lễ nên mọi người tham gia kéo cũng nhẹ nhàng nhưng cũng không làm mất đi sự hấp dẫn, hào hứng. Sau khi kéo đủ ba lần, cuối cùng phần thắng bao giờ cũng thuộc về bên nữ. Bởi họ cho rằng, phụ nữ là mẹ nhà, mẹ bản, bên nữ thắng thì năm đó bản làng mới được nhiều may mắn. Kết thúc nghi thức kéo co, mọi người rót rượu mời hai đội tham gia với ý nghĩa chúc mừng hai đội, sau đó mọi người trong bản chia thành từng đội thi kéo với nhau.
Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đó là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc thể hiện ước muốn về sự sinh sôi, phát triển của con người cũng như vạn vật. Sau phần kéo co nghi lễ, kéo co lại trở thành một hoạt động văn hóa, vui chơi tập thể thu hút đông đảo mọi người dân trong làng bản tham gia tạo không khí vui tươi, hào hứng cho lễ hội; thể hiện sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản; phản ánh nét đẹp trong văn hóa ứng xử của các thành viên trong cộng đồng.
Ngày nay, nghi lễ và trò chơi kéo co ngày càng phát triển rộng khắp, không chỉ trong các lễ hội truyền thống mà còn trong các dịp lễ, sự kiện văn hóa của địa phương. Với những giá trị đó, Nghi lễ và trò chơi kéo co của đồng bào Tây Bắc nói riêng và của các nước trong khu vực nói chung đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn Nghi lễ và trò chơi kéo co của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc là hết sức cần thiết, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bài và ảnh: Duy Chiến