Istanbul - Ngã tư của nền văn minh Đông - Tây
Có diện tích 254 km2 với 3 triệu dân được chia làm 3 khu chính. Phần nằm trong khu vực châu Âu lấy ranh giới từ Kim Giáp hướng về phía Tây và được chia làm hai thành phố. Eo Kim Giáp là eo biển nhỏ trông giống như chiếc sừng, mỗi khi mặt trời mọc hay lặn, eo biển tràn ngập một màu vàng óng ánh nên được gọi là Kim Giáp (sừng vàng), lui về phía Đông là Châu Á. Vị trí đặc biệt ấy đã tạo nên một Istanbul kết hợp hài hòa hai nền văn hoá cổ kim và tạo cơ hội để hai nền văn minh Đông -Tây xích lại gần nhau hơn.
Istanbul từng là điểm dừng quan trọng trên "Con đường tơ lụa" để đi đến La Mã nên được mệnh danh là "Ngã tư của nền văn minh Đông - Tây". Thành phố mang đậm màu sắc phương Đông với những ngôi nhà mái vòm đỏ và những mái nhà mang phong thái cổ của đạo Hồi. Cạnh đó là những kiến trúc phương Tây hiện đại xen lẫn trong những dãy tường cổ kính. Toàn thành phố trông như một cuốn sách lịch sử sống động với nhiều di tích. Sự chung sống hoà bình giữa đạo Hồi và đạo Cơ Đốc tạo nên bộ mặt thành phố vừa gần gũi vừa xa lạ, vừa hiện đại vừa cổ kính, huyền bí. Ngay cả con người nơi đây cũng thể hiện sự kết hợp những đặc điểm nổi trội của cả 2 châu lục. Họ mang trong mình hai dòng máu, có dáng vóc cao to cường tráng của đàn ông phương Tây, có hình thể yểu điệu và mềm mại của phụ nữ phương Đông và chính họ đã góp phần làm đẹp thêm cho thành phố. Trên đường phố rất dễ dàng bắt gặp những phụ nữ mặc trang phục hiện đại bên cạnh những nữ tín đồ đạo Hồi với khăn trùm đầu, mạng che mặt và những chuỗi hạt cầu nguyện.
Istanbul nổi tiếng khắp thế giới với 2.700 năm lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, thánh đường Hồi giáo, Cung điện nguy nga rực rỡ và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn. Năm 1985, thành phố Istanbul vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đến thăm thành phố di sản này không thể bỏ qua những danh nổi tiếng như:
Giáo đường Hagia Sophia (Ảnh:TL)
Giáo đường Hagia Sophia
Được xây dựng vào thế kỷ thứ VI rất nguy nga tráng lệ. Mặt trong của bức tường được lát đá hoa cương trắng, xanh da trời, đen và đỏ, được nạm bằng những tấm kính viền vàng. Đường kính của mái vòm là 33m, nâng bằng bốn cây trụ cao 24,3m. Giáo đường hình chữ nhật, phần nóc có 40 cánh cửa sổ, diện tích bên trong giáo đường là 7.576 m2, trang hoàng lộng lẫy. Toàn bộ công trình hoàn thành trong hơn 7 năm và rất tốn kém. Đó là kiệt tác của thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Đông La Mã trong lịch sử, đến nay, nó được coi là di tích quý giá của thế giới.
Cung điện Topkapi
Ở quận Sultanahmet, du khách có thể ghé tham quan Cung điện Topkapi - vốn là nơi ở của các vị vua Triều đại Ottoman trong suốt 400 năm. Trong Cung điện có khu Harem (gọi là hậu cung ) với nhiều phòng ốc rộng rãi và trang trí lộng lẫy, đặc biệt khu trưng bày các đồ quý giá luôn làm mọi người sửng sốt trước sự giàu có, xa hoa của các Quốc vương Hồi giáo.
Cung điện Topkapi (Ảnh:TL)
Nhà thờ Aya Sofya
Được xây dựng lần đầu tiên năm 360 bởi con trai của Constantine, xây dựng lại năm 415, rồi lại bị phá hủy năm 532. Công trình hiện tại được xây năm 537 và luôn là nhà thờ Thiên Chúa quan trọng nhất của thành phố cổ Constantinople, cho đến khi bị quân đội Ottoman chiếm và được Mehmet sửa thành nhà thờ Hồi giáo năm 1453.
Aya Sofya có ý nghĩa quan trọng đối với cả tín đồ Thiên chúa giáo và Hồi giáo, và để tránh xung đột, năm 1934 Chính phủ quyết định chuyển thành bảo tàng. Kiến trúc bên ngoài được đánh giá không đẹp bằng kiến trúc bên trong bởi mái vòm cổ kính trong nhà thờ rất rất lớn với đường kính 30m và cả bức tranh lớn chúa và đức mẹ Maria...
Nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque
Nhà thờ Hồi giáo từ thế kỷ XVII Blue Mosque- gọi tên theo màu xanh của các họa tiết mosaic trang trí bên trong là nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ có 6 cột. Nhà thờ này mở cửa cho khách tham quan ngoài giờ cầu nguyện. Muốn được vào thì phải cởi bỏ giầy và phụ nữ thì phải trùm khăn lên đầu. Đây là một trong những nhà thờ quan trọng và thu hút nhiều khách du lịch nhất.
Nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque (Ảnh:TL)
Khu Eminonu
Eminonu là trạm cuối cùng của đường ray xe điện. Nhìn chung nơi đây thực sự náo nhiệt với nhiều hoạt động diễn ra suốt cả ngày, những người bán hàng trên phố họ bán nhiều thứ đến nỗi du khách không biết nên chọn mua cái gì. Ngoài các sản phẩm truyền thống như thảm, đồ gốm… bức tượng vũ công Conia là hấp dẫn khách nhất. Đó là bức tượng đồng hoặc sứ đang trong tư thế múa quay: hai tay vũ công dang rộng, bàn tay phải hướng lên trời, bàn tay trái hướng xuống đất, chân phải hơi co và họ lấy chân trái làm tựa để quay tròn. Điệu múa quay Conia có ý nghĩa của nó: tay phải nhận ơn huệ của Thánh trời và qua tay trái gửi lại cho đời, họ quay tròn để chứng tỏ cuộc sống luân hồi, không bao giờ cạn kiệt.
Khu Beyoglu
Khu vực Beyoglu hay còn gọi là Taksim mới thực sự là một bản nhạc giao hưởng của các nước phương Tây và áng thơ trữ tình của phương Đông. Beyoglu là nhịp đập dữ dội của Istanbul vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Khu vực này luôn tấp nập và nhộn nhịp người qua lại, ở nơi này du khách sẽ cảm nhận được cuộc sống nơi đây luôn dâng trào và hoạt động liên tục không hề ngừng nghỉ.
Khu Beyoglu (Ảnh:TL)
Bán đảo Sultanahmet
Hầu hết những ai đến với Istanbul, nơi đặt chân đầu tiên của họ đều là Sultanahmet. Bán đảo này còn được biết đến với cái tên Sarayburnu, nằm ở bên ngoài của Bosphorus, Golden Horn và vùng biển Marmara. Với một bề dày lịch sử, nó giống như một thỏi nam châm tự nhiên thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Quận Sultanahmet chính là “trái tim” của khu vực lịch sử Istanbul cổ xưa, nơi mà vào thế kỉ thứ XIX, du khách vẫn gọi nơi đây với cái tên Stamboul quen thuộc.
Quảng trường Taksim
Quảng trường Taksim mang nét đặc trưng đầy ấn tượng từ Monument tới Republic, và con đường dẫn tới cuộc sống ngoài trời của người Bô-hê-miêng. Quảng trường Taksim còn là đầu mối của tất cả các tuyến giao thông trong thành phố, từ đó có thể bắt xe buýt, xe điện hoặc tàu điện ngầm đi đến khu phố cổ, ra biển Đen, đến các khu mua sắm... và đi các vùng khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Istanbul nổi tiếng khắp thế giới với 2.700 năm lịch sử (Ảnh:TL)
Khu vực Tunnel
Khu vực Tunnel ngày trước vốn là nơi tập trung của người Bô-hê-miêng. Nơi này trước đây được biết đến như một điểm đen của thành phố với những khu phố hoang vu, tối tăm và những toà nhà bị bỏ hoang đến rợn tóc gáy. Tuy nhiên khu vực này đã trải qua một cuộc phát triển to lớn trong vài năm gần đây. Những quán cà phê nhỏ, nhà hàng và quán bar ngoài trời giờ đây cùng tồn tại một cách yên bình với những phòng trưng bày nghệ thuật, những cửa hàng sách cổ và những cửa hàng băng đĩa.
Với những đặc điểm độc đáo của một thành phố nằm trên 2 châu lục, đến thăm Istanbul thực sự là trải nghiệm văn hóa thú vị, không đâu trên thế giới có sự giao thoa văn hóa Đông-Tây sâu sắc như ở đây, thành phố xứng đáng được chọn là Thủ đô văn hóa của Châu Âu.