Hòn Đá Bạc - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Hòn Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trong chiến tranh giải phóng, huyện Trần Văn Thời mà địa danh nổi tiếng là vùng U Minh Hạ là căn cứ kháng chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nơi đây đã diễn ra chiến dịch phản gián của các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (Kế hoạch CM-12) đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Trong thời gian từ 1981 đến 1984, tại đây, lực lượng An ninh nhân dân đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải, phá 10 tổ chức phản động trong nội địa và các đầu mối nội gián cài cắm ở miền Nam, nhằm chống phá cách mạng nước ta. Ngày 22-6-2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL, công nhận di tích Hòn Đá Bạc- trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 là Di tích Lịch sử quốc gia.

 

Hòn đá Bạc trong lịch sử

Hòn Đá Bạc được hình thành cách đây 180 triệu năm. Cụm đảo gồm có ba hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi, hòn Lớn (hòn Đá Bạc). Dưới bàn tay của con người ba hòn đảo nay được nối với nhau và cả ba cùng nối với đất liền. Hòn Đá Bạc có diện tích 6,34ha. Đỉnh cao nhất ở hòn Lớn cao hơn mặt nước biển 50m.

Theo dân gian, đảo xưa kia không có tên, nhưng vẻ đẹp hoang sơ của đảo đã hấp dẫn cả người và tiên. Có một nàng tiên mê cảnh đẹp trên đảo nên đêm đêm thường trốn xứ trời bay về đảo vui cùng chim muông, hoa lá. Lại có một chàng ngư phủ nọ ngày vất vả giăng câu thả lưới, đêm về thường lấy gốc cây, bờ đá làm nhà. Một đêm không ngủ được, chàng dậy ngắm trăng, bất ngờ gặp nàng tiên khỏa thân phô nhan sắc. Rồi một đêm chàng vô tình gây tiếng động, khiến tiên giật mình bay mất. Chàng trai sững sờ. Đêm sau ra chỗ cũ chờ tiên giáng thế, nhưng chờ mãi không thấy tiên. Chàng chờ mong tiên trở lại, nhưng bặt vô âm tín. Chàng đau khổ bạc đầu chờ đợi, cho đến lúc chết còn hóa đá chờ tiên. Ngư dân trong vùng cảm thương số phận của chàng trai, từ đó gọi là đảo Hòn Đá Bạc.

Hòn Đá Bạc có vị trí quan trọng trong phong thủy và tâm linh. Nằm ngoài cửa Kinh Hòn như định hướng cho thuyền về cửa, gió to sóng cả đảo chở che. Do đó người dân Kinh Hòn coi đảo là chốn linh thiêng. Trong dân gian đến nay còn truyền tụng nhiều câu chuyện thần thoại về Đức Ông- loài cá voi lớn thường hiện lên cứu người và thuyền ngoài khơi. Vào một năm nọ, có một Đức Ông gặp nạn dạt vào biển, ngư dân đã làm lễ tế chôn cất trọng thể và lập lăng thờ. Từ đó, cứ mỗi chuyến đi làm ăn ngoài khơi xa lại đến cầu xin Đức Ông được thuận buồm xuôi gió. Được mùa lại tạ Ông phù trợ, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, muôn việc của đời người đều đến xin phước nơi Ông.

Hòn Đá Bạc án ngữ trên vùng biển phía Tây như một chốt tiền tiêu ven biển của Tổ quốc. Người dân Cà mau gọi Hòn Đá Bạc là Con mắt ngọc của miền Tây, ngoài ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo còn có ý ví nơi đây như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây của Tổ quốc.

Hòn Đá Bạc- Di tích lịch sử và danh thắng nơi đất mũi Cà Mau

Những câu chuyện truyền thuyết về Hòn Đá Bạc xưa, nay trong thời hiện đại lại được tiếp tục viết thêm bởi câu chuyện có thật, huyền thoại về công tác bảo vệ an ninh của Tổ quốc. Đó là câu chuyện về chuyên án CM12 (Hai chữ cái CM lấy hai chữ cái đầu của Cà Mau, còn 12 là ngày xuất phát của toán biệt kích- 12 tháng 5 năm 1981).

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người Việt Nam ai cũng biết về vụ âm mưu bạo động lật đổ chính quyền của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là một tổ chức phản động lưu vong được thành lập tại Paris năm 1976, ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Với sự chỉ đạo từ nước ngoài phối hợp với các lực lượng phản động trong nước, tổ chức này đã xâm nhập vào Hòn Đá Bạc. Trong 4 năm, từ 1981 đến 1984, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đã tổ chức hàng chục chuyến xâm nhập với hàng trăm tên biệt kích, vũ khí, tiền giả, điện đài…Phần lớn các chuyến đổ bộ đều tập trung vào vùng ven biển phía Tây Cà Mau. Tại Hòn Đá Bạc, nơi tổ chức của Túy và Hạnh chọn là một địa điểm để xâm nhập, đã trở thành trung tâm chỉ huy của Công an nhân dân Việt Nam, thực hiện chuyên án CM12 đấu tranh phản gián với âm mưu và hoạt động xâm nhập của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Đây cũng là kế hoạch đón lõng và bắt giữ lực lượng biệt kích cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả của tổ chức trên xâm nhập vào Việt Nam; Đập tan âm mưu “ngoài đánh vào, trong nổi dậy” của các thế lực phản cách mạng, các cơ quan tình báo nước ngoài và các thế lực thù địch đối với nước ta.

Chuyên án CM12 kết thúc vào ngày 9-9-1984 khi lực lượng Công an nhân dân Việt Nam tổ chức trận đánh bắt sống một trong hai tên cầm đầu của tổ chức phản động là Mai Văn Hạnh, thu giữ hai tàu xâm nhập cùng toàn bộ vũ khí, phương tiện của chúng. Cùng lúc đó, theo đúng kế hoạch, công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh đồng loạt bắt toàn bộ các đối tượng phản động có liên quan đến vụ án này.

Từ ngày 14 đến 18-12-1984, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức xét xử sơ thẩm đồng thời trung thẩm vụ án gián điệp Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. 21 bị cáo, trong đó có Mai Văn Hạnh và nhiều tên khác đã phải ra trước vành móng ngựa. Phiên tòa đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Nhân dân ta tự hào về chiến công của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc này, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng 2 tập thể và 3 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân

Hòn Đá Bạc, nơi ghi dấu chiến công vẻ vang của các lực lượng Công an nhân dân, đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia. Tại đây vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2010), bức Tượng đài chiến thắng và tượng Bác đã được dựng trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Lớn. Trong không gian linh thiêng của Hòn Đá Bạc còn có phòng trưng bày về lịch sử và chiến công của hòn đảo cùng với đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, như là một khẳng định vững trãi chủ quyền vùng biển Tây của Tổ quốc. Hòn Đá Bạc không chỉ là địa danh thiêng của người dân Kinh Hòn, đó còn là đất thiêng của truyền thống giữ nước của dân tộc ta.

Di tích lịch sử- thắng cảnh Hòn Đá Bạc mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2005, Công ty Minh Nhựt đã xây dựng Hòn Đá Bạc thành Khu Du lịch - Văn hóa và tâm linh.

Về thăm Hòn Đá Bạc không chỉ thăm một di tích lịch sử ghi dấu chiến công chống giặc ngoại xâm trong các thời kỳ lịch sử, mà còn thăm nơi đã diễn ra trận đánh hiếm có trong lịch sử phản gián của các lực lượng an ninh  Việt Nam thời hiện đại. Đây cũng là chuyến du lịch khám phá vùng đất mũi Cà Mau và cả vùng biển phía Tây của Tổ quốc.

TS Nguyễn Thị Tình

Top