Hội thảo khoa học: “Từ Phật giáo đến VESAK 2025”

Ngày 17-11, tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Từ Phật giáo đến VESAK 2025”. Dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người quan tâm đến lĩnh vực tôn giáo.

Ông Trần Khánh Dư phát biểu đề dẫn Hội thảo

Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho biết, lễ Vesak là một Đại lễ tôn giáo với tầm vóc thế giới. Đại lễ Vesak đã 3 lần được tổ chức tại Việt Nam, mỗi đại lễ lại có một thông điệp rõ ràng, đánh dấu bước phát triển không những chỉ trong Phật giáo mà còn khẳng định sự phát triển của Việt Nam với sự ảnh hưởng quốc tế rộng lớn. Hội thảo được tổ chức để gợi nhớ về cội nguồn triết lý nhân sinh mà Thái tử Tất Đạt Đa đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, thực hành và qua trải nghiệm 49 năm của Ngài để tìm ra con đường đạo giúp cho chúng nhân vượt qua những khổ đau nhân thể, góp phần làm sâu sắc thêm đạo lý nhân sinh mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vạch ra và việc tổ chức đại lễ Vesak của Phật giáo Việt Nam càng thêm ý nghĩa cho đạo, cho đời…

Toàn cảnh Hội thảo

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã toát lên những nội dung chủ đề Hội thảo đã đặt ra, đó là: Làm rõ ý nghĩa của Đại lễ Vesak được Liên Hợp quốc công nhận là lễ hội lịch sử mang tầm vóc thế giới; làm sâu sắc thêm giá trị trong triết lý nhân sinh của đạo Phật do Thái tử Tất Đạt Đa khởi xướng, góp phần làm sáng tỏ thêm đạo lý nhân sinh "vô thường", "vô ngã", "tam độc", "tam học"; làm sáng tỏ thêm đạo lý "nhân quả", "nghiệp" và "nghiệp báo"; Kết hợp làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng của Đại lễ Vesak 2025 là "Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và phát triển bền vững". Đặc biệt, những người con Phật tại gia phải thường xuyên ghi nhớ về đạo lý "nhân quả", "nghiệp", "nghiệp báo", chống "tam độc" (tham-sân-si), "mạn nghi", phải thấu triệt giáo lý "tam học" (giới-định-tuệ).

TS Bùi Hữu Dược phát biểu tại Hội tthảo

Là người 3 lần làm Tổng thư ký quốc gia Đại lễ Vesak, TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ: Phật giáo không gây chiến tranh, luôn sống trong tình hữu nghị. Phật giáo được tôn giáo điển hình của nhân loại. 3 lần tổ Đại lễ Vesak ở Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của phật giáo Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

PGS.TS Hoàng Thị Thơ trình bày tham luận với chủ để: Triết lý Phật giáo với nhân sinh và khoa học

GS.TS Đặng Văn Bài phát biểu tại Hội thảo 

Theo GS.TS Đặng Văn Bài, vì trong giáo lý Phật giáo hàm chứa các giá trị văn hóa, đạo đức và tư tưởng hòa bình, bất bạo động của đạo Phật, Phật giáo hoàn toàn có khả năng thúc đẩy giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu mà loài người phải đối mặt trong thời đại toàn cầu hóa, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam được Liên Hợp quốc tín nhiệm tổ chức nhiều kỳ Đại lễ Vesak chứng tỏ vị trí của Phật giáo Việt Nam và vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao.

 

 

PGS.TS Đặng Thị Lan phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Đặng Thị Lan, Trường Đại học KHXH&Nhân văn Hà Nội, khẳng định: Những giá trị nhân văn của Phật giáo đã giao thoa, hòa quyện với những giá trị truyền thống Việt Nam. Tinh thần từ bi, hỷ xả, khoan dung, độ lượng, hòa hợp của Phật giáo vẫn đang có những ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt Nam. Tư tưởng khoan dung, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Nếu chúng ta biết vận dụng và có những phương pháp cụ thể nhằm chuyển tải các giá trị đó vào đời sống, chắc chắn sẽ rất hữu ích đối với quá trình giáo dục đạo đức, lối sống và góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Triết lý giải thoát, quan điểm nhân sinh tích cực của Phật giáo đã và đang góp phần vào việc chấn hưng đạo đức xã hội, thực hiện chức năng liên kết cộng đồng, xây dựng một xã hội phát triển hài hòa.

Bài: Quỳnh Hương; Ảnh: Bùi Văn Khiêm