Ông Hồ Đại Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Hồ Đại Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ... của di tích, để đưa ra các giải pháp, biến di sản thành tài sản, kết nối giá trị văn hóa, giá trị tâm linh với việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch tâm linh; đưa vị thế của Đền Mẫu Âu Cơ huyện Hạ Hòa xứng tầm với ý nghĩa vốn có của Di tích trong tâm thức người Việt và là cơ sở để hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xếp hạng Đền Mẫu Âu Cơ là Di tích quốc gia đặc biệt. Kết quả Hội thảo cũng sẽ bổ sung cơ sở khoa học, tư vấn và gợi ý các giải pháp quan trọng để Hạ Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích; tích cực huy động nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Đạo Mẫu.
Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Giá trị lớn
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, huyền thoại, truyền thuyết là một bộ phận hợp thành của truyền thống văn hóa, gắn với niềm tin, tâm thức dân tộc. Huyền thoại về Lạc Long Quân – Âu Cơ, về các nhà nước Văn Lang – Âu Lạc của vua Hùng là một không gian xã hội huyền nhiệm. Coi huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ là đối tượng nghiên cứu chủ đạo, đặt trong liên hệ, so sánh với một số huyền thoại khác của cộng đồng dân tộc Việt Nam, cũng có thể thấy những chuyển biến, phát triển hết sức quan trọng của lịch sử văn hóa dân tộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ chuẩn bị những điều kiện kinh tế, xã hội thiết yếu cho sự ra đời của nhà nước.
GS.TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định: Trong vô vàn các nữ thần ở Việt Nam, chỉ có một số vị được tôn vinh là Mẫu thần, trong số đó Quốc Mẫu Âu Cơ được coi là Tổ Mẫu của người Việt, người mẹ đầu tiên của đất nước, người tạo nên điểm bắt đầu của lịch sử dân tộc. Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ được biểu hiện sống động qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan, nhưng trọng tâm và đậm đặc nhất là lễ hội đền Âu Cơ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ vừa mang những đặc trưng chung của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, vừa có những nét riêng rất đặc biệt: Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ ngồn”, tri ân tổ tiên, đề cao người Mẹ của văn hóa Việt; Gắn kết “nghĩa đồng bào”, gia tăng tính cố kết cộng đồng; Là chỗ dựa tinh thần, điểm tựa tâm linh của người dân; Là bảo tàng sống lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Lý giải vì sao Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh, từ đó liên hệ với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, bày tỏ quan điểm, tinh thần của Mẫu Âu Cơ có thể chiết tự qua “5 chữ Đ”: Đồng bào - Đồng lòng - Đồng tâm - Đại đoàn kết - Đồng ý chí.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, đền Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa có những giá trị lớn và chủ yếu: Một là, đó là di sản văn hóa có tính tổng thể, tầm quốc gia được sáng tạo từ xa xưa, có sử liệu ít nhất từ thế kỷ XV với 3 loại hình di sản: di sản văn hóa phi vật thể - Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, di sản văn hóa vật thể - di tích quốc gia, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu – thần tích, sắc phong và những văn tự khác. Hai là, một di sản văn hóa được sáng tạo bởi cộng đồng và được tái sáng tạo liên tục qua nhiều đời, là hình ảnh, biểu tượng, bản sắc của chính cộng đồng bản địa. Hơn thế, ý nghĩa của di sản có sức mạnh to lớn góp phần xây dựng truyền thống đoàn kết của cộng đồng cá dân tộc Việt Nam. Chính vì thế mà di sản đã được sự quan tâm, thể chế của nhà nước và dần trở thành một tập quán xã hội, niềm tin và biểu tượng của cả dân tộc. Tầm vĩ mô hơn của di sản không làm xói mòn tập quán của địa phương mà lại được củng cố, trở lại với những truyền thống gắn bó, gần gũi, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững. Đó là truyền thống trong mỗi gia đình, vai trò của người Mẹ, tập quán thờ cúng tổ tiên và nhiều ý nghĩa khác trong văn hóa của các tộc người ở Việt Nam. Ba là, một di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ. Là di sản vật chất và tinh thần, là nơi neo giữ những giá trị ngàn đời mà Tổ tiên, cha ông đã tạo lập, gìn giữ và trao lại cho đời sau. Lớp trẻ ngày nay trước, trong và sau khi bơi ra biển lớn cần biết mình là ai, mình từ đâu mà ra, vì đâu mà mình có sức mạnh? Đâu là điểm tựa để mình tự tin mà bước tiếp.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ và phát huy Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trong bối cảnh đương đại và đề nghị cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận Di tích Đền Mẫu Âu Cơ là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trên cơ sở khẳng định có mối liên kết về tâm linh đặc biệt giữa Di tích lịch sử Đền Hùng - nơi thờ các Vua Hùng – Tổ tên chung của cộng đồng dân tộc và nơi thờ Cha Rồng – Mẹ Tiên: Di tích Đền Nội Bình Đà – Di tích Đền Mẫu Âu Cơ Hiền Lương, Hạ Hòa, theo ThS Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, để phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thấy mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tạo sự kết nối trong việc phát triển du lịch; Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích; nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa một số tài liệu quý liên quan đến Đền Mẫu; Thống kê, khảo sát các di tích thờ Mẫu Âu Cơ trong cả nước; Triển khai kế hoạch kết nối các di tích vệ tinh, tuyến điểm du lịch.
TS, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận Di tích Đền Mẫu Âu Cơ là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời quy hoạch Khu Di tích Đền Mẫu trở thành trung tâm di sản của huyện Hạ Hòa. Xác định chính xác vị trí các di tích trên địa bàn huyện, trên cơ sở đó cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa. Trùng tu, tôn tạo những di tích đã xuống cấp. Xây dựng lộ trình tham quan kết nối di tích Đền Mẫu Âu Cơ với các di tích, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn...
TS Lê Thị Minh Lý đưa ra 5 giải pháp để bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Đền Mẫu Âu Cơ: Nghiên cứu hệ thống hóa các di sản tư liệu về đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; Nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ các các tín ngưỡng dân gian khác có liên quan; Nghiên cứu, quy hoạch, tôn tạo đền Mẫu Âu Cơ và đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; Nghiên cứu phát triển hoạt động của Khu Di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ; Nâng cao năng lực và vai trò của chủ thể thực hành và đào tạo cán bộ quản lý di tích là một nhiệm vụ - bài toán quan trọng của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý di tích.
Bàn về giải pháp phát huy giá trị di sản, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bào tàng Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng cần có chương trình hợp tác, phối hợp liên ngành giữa ngành Du lịch và ngành Văn hóa. Ngành Văn hóa cần góp phần hạ tầng du lịch: Quy hoạch đất đai, kiến trúc, các công trình phụ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại những khu di tích lịch sử - văn hóa; Kết hợp với những khu di tích trên địa bàn huyện với các điểm du lịch sinh thái như Khu Du lịch Ao Châu (thị trấn Hạ Hòa), Khu Du lịch Ao Giời – Suối Tiên (xã Quân Khê), Đầm Vân Hội (xã Hiền Lương) để tạo thành các cụm du lịch, tuyến du lịch, khai thác thế mạnh của các loại hình khác nhau, tạo sự đa dạng cho các cụm, tuyến du lịch.
Cùng quan điểm gắn phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, TS Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bào tàng Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đưa ra 3 giải pháp: Tổ chức nghiên cứu kỹ hơn nội dung từng di tích, từng địa điểm liên quan, trên cơ sở đó tiến hành sửa sang, tôn tạo phục vụ chương trình di lịch “Về Hạ hòa khám khá miền đất cổ Mẫu Âu Cơ”; Tiến hành xây dựng nội dung cơ bản của từng di tích và hình thành các tuyến tham quan khám phá miền đất cổ Hạ Hòa; Hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về lịch sử - văn hóa làm công tác nghiên cứu phục vụ du khách.
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, tổng kết Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Đền Mẫu Âu Cơ. Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Hội thảo ủng hộ và nhất trí với việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận Di tích Đền Mẫu Âu Cơ là Di tích quốc gia đặc biệt; ủng hộ đề xuất của UBND huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) về việc mở rộng Quy hoạch Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ...
Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam cũng đưa ra các khuyến nghị trong việc lập Hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Đền Mẫu Âu Cơ là Di tích quốc gia đặc biệt, việc mở rộng Quy hoạch Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ trên tinh thần tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan...
Bài và ảnh: Q. Hương