Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ IV (2020-2025): Đẩy mạnh công tác liên kết tạo sức mạnh tổng hợp

(TGDS). Sáng nay, 26-8, tại Thái Nguyên, đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lần thứ III nhiệm kỳ IV. Tham dự Hội nghị có đại diện một số cơ quan đơn vị ở Thái Nguyên, các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội. PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Hội: Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, TS Lê Thị Minh Lý, TS Nguyễn Thế Hùng, chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã nghe nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động Hội từ tháng 5-2022 đến tháng 8-2023 và Phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 8-2023 đến tháng 8-2024. Theo đó, tuy có nhiều khó khăn của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng Hội vẫn đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc, có những hoạt động mới nổi bật hơn những năm trước như tổ chức hội thảo, tọa đàm, hoạt động chuyên môn được tăng cường; tiếp tục khẳng định vị thế của Hội, được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao, thông qua hoạt động của các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương và các thành viên Hội DSVH Việt Nam. Tạp chí Thế giới Di sản - Cơ quan ngôn luận của Hội đã tích cực phát huy trong việc tuyên truyền, quảng bá, cập nhật thường xuyên cho bạn đọc, đặc biệt là tính phản biện trước các vấn đề có tính thời sự về di sản văn hóa. Các tổ chức, đơn vị thuộc Hội có nhiều hoạt động tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Toàn cảnh Hội nghị

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo; đồng thời, từ hoạt động thực tiễn ở cơ sở, nhiều ý kiến đã giới thiệu những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; liên kết giữa các chi hội, câu lạc bộ để tạo thành sức mạnh tổng hợp; thu hút sự tham gia của cộng đồng và đóng góp của các doanh nghiệp, …trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Hội DSVH Việt Nam là hội đặc thù và Hội sẽ vượt khó bằng chính chuyên môn. Các lĩnh vực chuyên môn của Hội gồm: Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Hội và các chuyên gia của Hội tham gia vào các hội đồng lớn của quốc gia và các Bộ như góp ý dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) và cử Lãnh đạo Hội tham gia Tổ công tác lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi); phổ biến nâng cao nhận thức về di sản; giới thiệu quảng bá sự kiện không chỉ ở trong nước mà còn ở quốc tế; mở rộng mạng lưới hoạt động và hợp tác quốc tế; Hoạt động của các Hội địa phương...

Phát biểu về bài học kinh nghiệm phát triển hoạt động Hội địa phương, ThS Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội DSVH TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Bài học của Hội DSVH TPHCM là huy động sức mạnh tổng hợp từ chính các câu lạc bộ và câu lạc bộ trực thuộc. Hội DSVH TPHCM hiện đang ở nhiệm kỳ 3, gồm 27 chi hội và câu lạc bộ với 700 hội viên. Tuy số lượng chi hội và câu lạc bộ, hội viên không phải là quá nhiều nhưng lại có sự liên kết, phối hợp hoạt động rất chặt chẽ và sôi nổi với dày đặc các sự kiện diễn ra hằng tuần, hằng tháng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị DSVH TPHCM và cả nước.

“Trung ương Hội và các hội địa phương nếu đẩy mạnh liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, thì chúng ta sẽ có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa”, bà Lê Tú Cẩm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ThS Triệu Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long – Hà Nội, cho biết: Hội Thăng Long - Hà Nội hiện có 3.000 hội viên và cũng đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp. Các chi hội, câu lạc bộ và hội viên đã có sự phối hợp trong tổ chức các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện; các hội thảo, tọa đàm về Tín ngưỡng thờ Mẫu và Liên hoan nghệ thuật truyền thống và di sản thường niên.

Chia sẻ về Tạp chí Thế giới Di sản, cơ quan ngôn luận của Hội, Nhà báo Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập, đề cập đến các vấn đề: Khó khăn lớn nhất của Tạp chí chính là kinh phí xuất bản. Thời gian vừa qua, Tạp chí đã nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam và sự cộng tác viết bài của các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH Hội, các hội viên và những người thực hành di sản tại cộng đồng. Tạp chí có chuyên mục Hoạt động Hội, trong thời gian tới, rất mong các các tổ chức, cơ sở Hội thông tin các sự kiện để Tạp chí kịp thời có tin, bài phản ánh hoạt động của các tổ chức, các liên chi hội, các chi hội trên khắp các vùng miền; đồng thời, mong các tổ chức cơ sở Hội ủng hộ và chia sẻ trong việc phát hành Tạp chí.

Hội nghị cũng thống nhất bầu bổ sung 4 Ủy viên BCH, nhiệm kỳ IV (2020-2025), gồm: Ông Trần Đình Thăng - Tổng Thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng; PGS.TS Nguyễn Thị Yên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam; ThS Nguyễn Đức Tăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa; TS Hoàng Văn Páo - Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Lạng Sơn.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội, tổng kết Hội nghị

Tổng kết Hội nghị, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nhấn mạnh: Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của một hội xã hội nghề nghiệp, được các cơ quan Nhà nước và Bộ VHTTDL và xã hội đánh giá cao. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều thống nhất với Bảo cáo Tổng kết Hội, tuy nhiên, báo cáo chưa phản ánh một cách sinh động các hoạt động của Hội từ TW đến địa phương, về việc này, cần rút kinh nghiệm phối kết hợp thông tin kịp thời từ Trung ương đến cơ sở và ngược lại. Đề nghị các tổ chức cơ sở Hội gửi thông tin để Tạp chí Thế giới Di sản đăng tải trong chuyên mục Hoạt động Hội; để nghị Ban lãnh đạo Tạp chí tìm các giải pháp nâng cấp Tạp chí điện tử Thế giới Di sản...

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng đề cập đến việc cần thiết phải tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi giữa các tổ chức cơ sở Hội lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập Hội vào 2024, về vấn đề này, Hội sẽ có thông báo và chương trình cụ thể sau.

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã trao tặng Bằng khen và hệ thống truyền thanh không dây cho Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Các đại biểu tham quan Khu Di tích lịch sử Thanh niên xung phong Đại đội 915

Trước đó, ngày hôm qua, 25-8, các đại biểu đã tham quan một số di tích, danh thắng của Thái Nguyên: Khu Di tích lịch sử Thanh niên xung phong Đại đội 915; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Không gian văn hóa Trà Tân Cương; trải nghiệm làm chè, pha trà tại Nhà chè Hảo Đạt; tham quan và tham gia các hoạt động tại Bản làng Thái Hải.       

Bài: Q. Hương; ảnh: Bùi Văn Khiêm

 

 

Top