Bình Đà là một làng Việt cổ, thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Tây Nam.
Hội Bình Đà được mở chính thức từ ngày 24 tháng Hai đến ngày mùng 6 tháng Ba Âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 26 tháng Hai là ngày giỗ Thành hoàng Linh Lang Đại vương, còn mùng 6 tháng Ba là lễ giỗ Đức Thánh tổ Lạc Long Quân.
Hội Bình Đà có từ lâu, các cụ cao niên trong làng tin rằng, Hội có từ hàng nghìn năm trước. Đây là lễ hội lớn của cộng đồng dân cư 7 thôn thuộc xã Bình Minh, xưa gọi là làng Bình Đà.
1. Những câu chuyện truyền thuyết
* Truyền thuyết về Lạc Long Quân
Theo lời kể của ông Nguyễn Huy Tiếp, sinh năm 1931, câu chuyện huyền thoại về Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ vẫn được lưu truyền ở Việt Nam có thêm những chi tiết về nơi Ngài mất. Truyện kể rằng: Khi 100 người con được nở từ bọc trăm trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã khôn lớn, một hôm, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta vốn là cháu Thủy thần, nàng thuộc giống Tiên, nước – lửa khắc nhau, không thể kết hợp lâu dài. Vậy xin chia tay để giữ lấy dòng giống. Nàng hãy đem 50 con lên núi, ta đem 50 xuống biển, cùng khai cơ mở nghiệp”. Âu Cơ vâng lời, mang 50 người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng chọn núi Nghĩa Lĩnh dừng chân, xưng vương, lấy niên hiệu là Hùng Vương, lập nước Văn Lang, xây dựng cơ nghiệp, truyền ngôi được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. Lạc Long Quân cùng 50 người con còn lại xuôi đường ra biển. Đến đất Bình Đà, thấy thế đất nơi đây màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn quyết chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp. Ngày ngày, Lạc Long Quân cùng các con dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đuổi diệt thú dữ. Lại truyền cho các con lựa chọn dân chúng khỏe mạnh, tỏa đi khắp vùng duyên hải khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi… Vào một ngày cuối tháng Hai lịch trăng, Lạc Long Quân hóa trong đêm. Cảm thương và tỏ lòng tri ân với người có công khai phá vùng đất này, dân chúng cùng nhau tổ chức tang lễ linh đình, táng Ngài ở gò đất cao nhất vùng, lập miếu quanh năm hương khói phụng thờ Ngài và tôn vinh là Thành hoàng của làng. Kể từ đó, hàng năm, cứ vào đầu tháng Ba Âm lịch, người dân Bình Đà lại cùng nhau mở hội làng với hình thức tôn nghiêm nhất để tưởng nhớ và tri ân Đức Thánh Tổ Lạc Long Quân.
Huyền thoại này được người dân Bình Đà truyền từ đời này qua đời khác và họ luôn tin rằng đây chính là quê hương của Đức Thánh Lạc Long Quân, họ còn chỉ rõ vị trí được coi là mộ của Ngài, nằm ngay cạnh khu đền Nội, nơi hàng năm nhân dân vẫn thành kính hương khói tế lễ.
* Truyền thuyết về Linh Lang Đại Vương
Ỏ đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam có rất nhiều nơi thờ Linh Lang Đại vương và gắn với mỗi nơi là một câu chuyện truyền thuyết khác nhau. Có nơi thờ Linh Lang như một vị Thuỷ thần có công giúp dân tiêu lũ hay dạy dân đắp đê chống lụt. Ở huyện Thanh Oai thì Ngài là một tướng, con Vua Lý Thái Tông, có công đánh giặc Chiêm Thành ở phía Nam, sau khi mất được tôn vinh là một trong bốn vị thánh thiêng và được thờ phụng tôn nghiêm.
Linh Lang Đại vương được người dân Bình Đà tôn làm Bản cảnh Thành hoàng làng và thờ vọng ở đình Ngoại. Ông Lưu Xuân Tỉnh, sinh năm 1937, hiện là Thủ từ đình Ngoại kể: Đức Thánh trên đường đi đánh Chiêm Thành qua vùng đất đình Ngoại và đóng quân tại đây. Ngày Ngài đưa quân ra trận, nhân dân ra tiễn biệt, gửi gắm Ngài con em và cúi đầu xin Ngài cho dân làng sau này lập đền thờ Ngài, mong Ngài ban đức cho dân làng. Đức Linh Lang cảm động, tạ ơn dân làng rồi cầm chiếc roi trúc cắm xuống đất và nói: “Nếu ta đi rồi mà cây trúc sống lại thì hãy thờ ta”. Sau khi Ngài ra đi, roi trúc tự nhiên bén rễ, lá xanh tươi tốt, đẻ bụi và mọc thành rừng trúc. Dân làng thấy đây là điềm lành bèn xây đình thờ, tôn Ngài là Đương Cảnh Thành hoàng, lấy ngày 26 tháng Hai Âm lịch (ngày hoá của Ngài) mở hội tưởng nhớ Ngài.
Hội Bình Đà được mở chính thức từ ngày 24 tháng Hai đến ngày mùng 6 tháng Ba Âm lịch hàng năm. Ảnh: internet
2. Nghi lễ tế bò và thả bánh Vía trong Hội làng Bình Đà
Hội làng Bình Đà được tổ chức hàng năm tại cả đình Nội và đình Ngoại để tưởng nhớ và tri ân hai vị Thành hoàng của làng. Ngoài các nghi lễ giống như ở các lễ hội khác vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, vào ngày giỗ chính của hai vị Thánh: 26 tháng Hai và mồng 6 tháng Ba Âm lịch, có nghi lễ dâng hai lễ vật đặc biệt: dâng bò cho Đương Cảnh Thành hoàng Linh Lang Đại vương và dâng bánh chay cho Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Hai nghi lễ này tạo nên nét đặc trưng riêng của Hội làng Bình Đà.
* Lễ tế bò
Theo các cụ cao niên, nghi lễ tế bò này là để tưởng nhớ ngày Đức Thánh Linh Lang tế bò khao quân trước khi ra trận đánh giặc Chăm. Những kiêng kỵ khi nuôi bò cũng như nghi lễ cúng tế hết sức trang nghiêm này với mong muốn Đức Thánh sẽ hiển về phù hộ cho dân làng một năm yên bình.
Trước kia, chỉ sau Hội một tháng, các giáp đã phải họp để chọn gia đình nuôi bò, chuẩn bị cho lễ tế bò năm tới. Các giáp chọn những gia đình song toàn, không vướng tang cớ, con cháu đề huề để nuôi bò cúng tế. Bò được chọn mua về nuôi phải là bò đực, khỏe mạnh, đẹp theo những tiêu chuẩn nhất định như: đường sống lưng bằng phẳng, ngực sâu và rộng, mông to, các chân cân đối, lông trơn và không giòn…. Gia đình được chọn phải làm chuồng bò mới ở nơi cao ráo sạch sẽ để nuôi riêng, không được nuôi chung với các con bò khác. Cỏ cho bò ăn cũng phải tự trồng riêng, sạch sẽ. Trước Hội một tháng, làng sẽ chọn một con bò béo đẹp nhất làm lễ dâng Thánh. Giáp nào được chọn bò làm lễ dâng Thánh được coi là may mắn vì năm đó sẽ được Thánh phù hộ.
Nghi thức nuôi và tế bò đã bị gián đoạn trong một thời gian dài do chiến tranh và điều kiện khó khăn về kinh tế. Mãi đến năm 2014, nghi lễ này mới được khôi phục lại. Hiện nay, không còn các giáp, và cũng không có gia đình nào có đủ điều kiện để chăn nuôi bò trong một năm do Bình Đà đã đô thị hoá, vì vậy, trước Hội một tháng, Ban Quản lý Di tích sẽ phân công một thôn (thường là theo thứ tự luân phiên) giao đi mua bò tế (có hỗ trợ kinh phí. Năm 2015 Ban tổ chức hỗ trợ 7 triệu VND). Bò mua về cũng phải lựa chọn theo những quy định tổ tiên truyền lại và giao cho một gia đình song toàn, không tang cớ, tự nguyện nuôi trong vòng một tháng.
Trước ngày làm lễ, gia đình sở tại phải chăm cho bò loại cỏ tươi thơm, hàng ngày phải đun nước cây thơm (hương nhu, xả) để tắm cho bò. Đến ngày hội, bò được tắm rửa bằng nước giếng của đình, cho nhịn ăn từ hôm trước (ngày 24 tháng Hai Âm lịch). Ngày 25, bò được cho mặc áo và rước từ gia đình nuôi bò đến đình Ngoại làm lễ tế bò sống. Ngày 26 là lễ tế bò chín. Một hương án lớn được đặt ở sân đình. Bò sẽ được thui chín cả con đặt lên trước hương án đầu quay vào trong đình, cùng với toàn bộ tiết và nội tạng. Ban tế đình Ngoại làm nghi thức tế lễ dâng Thánh. Tế xong, bò được mang về chia cho các gia đình trong thôn để lấy lộc.
* Lễ thả bánh Vía
Một nghi lễ quan trọng được thực hành trong Hội làng Bình Đà tưởng nhớ Đức Thánh tổ Lạc Long Quân đó là lệ làm và dâng bánh Vía. Tục hèm này đã có từ lâu và được truyền lại cho đến bây giờ với nhiều bí mật được các cụ cao niên dấu kín, với ý “thiên cơ bất khả lộ”. Ví dụ như, làng có 7 dòng họ, nhưng chỉ duy nhất dòng họ Nguyễn Văn được chọn để làm bánh Vía. Cụ Nguyễn Xuân Tiết cho biết: việc chọn dòng họ Nguyễn Văn là từ xưa để lại, không ai biết lý do tại sao, chỉ biết các cụ truyền lại như vậy. Các dòng họ khác cứ thế mà nghe theo, chưa thấy ai thắc mắc điều gì. Bí quyết làm bánh và số lượng bánh được làm dâng Thánh chỉ có Trưởng tộc Nguyễn Văn nắm giữ. Bí quyết này sẽ được truyền lại cho Trưởng tộc thế hệ tiếp theo. Trong trường hợp không có con trưởng, dòng họ sẽ phải làm lễ phong trưởng, tức là lựa chọn con trai của con chi nhánh kế tiếp để phong trưởng.
Hội làng Bình Đà được tổ chức hàng năm tại cả đình Nội và đình Ngoại để tưởng nhớ và tri ân hai vị Thành hoàng của làng. Ảnh: internet
Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Quyêch hiện là người nắm bí quyết làm bánh của dòng họ và là người trực tiếp thực hành cho biết: Bánh được làm bằng gạo nếp giã trộn với 100 vị thuốc bắc. Công thức làm được truyền miệng từ người cha cho ông. Nơi làm bánh được quây kín bằng vải đỏ, không ai được vào, kể cả vợ con ông. Việc làm bánh chỉ do một mình ông thực hiện, từ việc chọn gạo, chọn vị thuốc, giã và hấp bánh. Bánh làm xong được “bí mật” đặt vào đài (hộp gỗ có trang trí), phủ vải điều đợi rước kiệu ra đền làm lễ. Bánh được làm vào ngày mồng 5 tháng 3 Âm lịch, rước ra đền làm lễ thỉnh bánh vào đêm đó, sáng ngày mồng 6, chính Hội sẽ làm lễ thả bánh Vía ở giếng Ngọc. Đây chính là nét đặc trưng nhất của Hội Bình Đà: lễ vật dâng Thánh được thả xuống nước.
Giếng Ngọc còn gọi là giếng chùa Cả. Theo lời ông Bùi Quang Thinh, sinh năm 1943, hiện là Thủ từ đình Nội, đây là giếng duy nhất của làng có mạch ngầm thông ra sông Đáy. Trước đây, giếng nằm trong khuôn viên ngôi chùa Cả nên có tên như vậy. Ngôi chùa đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Trong lễ hội cổ truyền hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng 3 Âm lịch có lệ rước bánh Vía thả xuống giếng này.
Giải thích về tục thả bánh Vía xuống giếng Ngọc, cụ Nguyễn Hữu Tiếp cho biết: Giếng Ngọc có mạch ngầm thông xuống Thủy cung. Đức Quốc tổ Lạc Long Quân là giống Rồng, vốn sống ở Thủy cung nên bánh dâng cho Ngài phải đưa được xuống Thủy cung Ngài mới nhận được. Vì vậy, bánh dâng Ngài khi thả xuống Giếng Ngọc sẽ theo mạch ngầm đến Thủy cung. Cũng có một giải thích khác là: Giếng Ngọc, tương truyền là nơi huyệt thiêng, nối dòng nước với dòng sông Đáy và mạch nước ngược đến tận Ba Vì, nơi thờ Đức Thánh Tản. Thả bánh Vía là một hình thức thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng về Thánh Tổ và những bậc tổ tiên có công với dân với nước.
Theo các bậc cao niên trong làng, cho đến nay, đây vẫn là tục hèm đặc biệt của người dân Bình Đà, với ý thiên cơ bất khả lộ, tuyệt đối giữ bí mật cung cách thả bánh trong mọi trường hợp. Khi rước bánh từ đền ra, đặt ngay lên kiệu, bao giờ cũng có cờ, quạt, lọng che. Khi thả bánh xuống giếng Ngọc, phải có vải điều phủ kín. Riêng việc làm bánh, trong làng chỉ có một gia đình cha truyền con nối mới được phép làm bánh Thánh này. Và người thả bánh trong năm phải là người tế chủ năm đó.
Vào ngày chính hội, xung quanh giếng Ngọc, cả ngàn người khấp khởi chen nhau chờ đợi. Tại đây đã quây sẵn một đài nhiễu điều. Đọc thần chú xong, quan tế mở đài lấy từng chiếc bánh bóp nát thả xuống nước. Theo tục hèm, khi thả bánh xong, bánh chìm hết xuống giếng mới tốt và người hành lễ mới tròn trách nhiệm.
Lễ hội Bình Đà là môi trường sinh hoạt văn hóa đã có từ nhiều thế kỷ. Đây là không gian văn hóa góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh cố kết cộng đồng, tạo môi trường giáo dục về lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Từ các biểu tượng được dựng lại thông qua thực hành trong diễn trình lễ hội đã thể hiện hàng loạt các lớp lang văn hóa, từ nền văn hóa lúa nước đến những dấu vết của tín ngưỡng văn hóa cổ xưa với những nghi lễ, tục hèm, tập quán, góp phần giữ được bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp qua nhiều nghìn năm.
TS Lê Thị Minh Lý