Hội Đình Chèm

Hội Đình Chèm được tổ chức tại đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam, có lịch sử cách đây hơn 1200 năm.

Truyền thuyết về nhân vật được thờ

Đình Chèm hay còn gọi là đền Chèm nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 12km về hướng Tây Bắc. Hội Đình Chèm gắn liền với truyền thuyết sự tích Lý Ông Trọng, Người đã có công lớn với hai triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Những sử sách xưa nhất của Việt Nam như Lĩnh Nam chích quái, Việt Điện u linh, Đại Việt sử kí toàn thư, Thiên Nam ngũ lục, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… đều có ghi chép về nhân vật lịch sử quan trọng này. Dân làng nay vẫn truyền tụng và giữ niềm tin về truyền thuyết và Đức Thánh của làng mình.

Đoàn rước nước từ đình Chèm xuống bến sông Hồng.

Theo truyền thuyết trong Đại Việt Sử kí toàn thư1: Ngài Lý Ông Trọng - người Từ Liêm, quận Giao Chỉ là một người cao to lạ thường, giỏi giang. Ngài đã sang nước Tần làm quan trấn thủ đất Lâm Thao, chống lại quân Hung Nô. Khi tuổi đã cao, Ngài xin về nước để an hưởng tuổi già.

Một thời gian sau, quân Hung Nô biết Ngài đã trở về nước nhà, lại đem quân xâm lấn nước Tần. Vua Tần sai sứ sang nước ta triệu Ngài sang Tần để dẹp Hung Nô. Sứ nhà Tần sang đến nơi thì Ngài đã hóa bèn trở về tâu với Vua. Vua Tần thương tiếc bèn đúc tượng đồng giống như hình Ngài, trong bụng chứa được hàng chục người có thể cử động được xe đến chỗ Hung Nô. Quân Hung Nô tưởng Ngài còn sống hoảng sợ bỏ chạy.

Khi Ngài mất tại làng Chèm, người dân nơi đây thờ phụng, coi Ngài là Thần Thành hoàng, tin rằng Đức Thánh luôn phù hộ cho đất nước và dân làng.

Đình Chèm ngoài Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng còn thờ Đức Bà - vợ của Đức Thánh Chèm; Ông Sứ - tương truyền là người cùng Đức Thánh Chèm sang nước Tần; Lục vị vương (con của Đức Thánh Chèm); Ông quản voi và hai nàng hầu. Việc thờ cúng ở đình Chèm là thờ một người anh hùng có gốc gác sinh ra tại chính địa phương, không những thế ở đây còn thể hiện cả tập quán thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ chồng mà cả vợ, các con cùng những tùy tướng, gia nhân. Tất cả các nghi lễ, tập tục của hội đình Chèm đều xoay quanh các nhân vật được thờ này.

Hội đình Chèm

Hội đình Chèm như một sự tổng hòa của nhiều tập quán xã hội được tổ chức gắn liền với truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và trong sử sách về Lý Ông Trọng có từ xa xưa, ít ra là từ thế kỷ XI. Hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Năm (Âm lịch) hàng năm. Tương truyền, đây là ngày mà Đức Thánh Chèm “khao quân”. Một quy ước bất thành văn hội phải được tổ chức do nhân dân ở ba làng sống kề cận kết nghĩa anh em với nhau. Đó là làng Chèm (hiện nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng Xá và làng Hoàng Liên (thuộc phường Liên Mạc).

Thuyền đi rước nước được trang hoàng, thường được các gia đình làm nghề sông nước tự nguyện phục vụ Thánh.

Sự kết nghĩa này lấy Đức Thánh Chèm làm trung tâm, làng Chèm là nơi thờ chính  được gọi là anh cả, làng Hoàng Xá thờ vọng được gọi là anh hai và làng Hoàng Liên cũng thờ vọng được gọi là anh ba. Cách xưng hô giữa ba làng gọi nhau là anh cả, anh hai, anh ba là sự tôn trọng nhau nhưng cũng thể hiện vị trí quan trọng của người cầm trịch việc thờ Đức Thánh. Khi tổ chức lễ hội, thôn anh cả chịu trách nhiệm chính, đồng thời có quyền phân công các công việc phục vụ hội cho thôn anh hai và anh ba. Ông Nguyễn Văn Sơn, 70 tuổi, một già làng từng nhiều năm tham gia hội làng, cho biết “Các cụ hiện nay cũng không biết tục kết nghĩa này có từ bao giờ, chỉ biết đời trước truyền cho đời sau là như thế. Con cháu cứ theo thế mà làm”.

Tập tục cũng quy định việc lựa chọn và phân công người tham gia phục vụ lễ hội đòi hỏi phải tuân nghiêm ngặt. Chẳng hạn như:

- Thủ hiệu: tức là những người đánh trống lớn điều khiển việc rước hoặc tế lễ. Trong Hội thường có từ 4 – 5 ông Thủ hiệu. Thủ hiệu yêu cầu phải là nam, từ 55 tuổi trở lên, là người làng Chèm, gia đình song toàn. Trước đây yêu cầu Thủ hiệu gia đình phải có điều kiện kinh tế (để khao làng) nhưng nay chỉ cần là người được nhân dân tín nhiệm.

- Tiểu hiệu: là người đánh trống khẩu trực tiếp điều hành đội phù giá. Trong hội có nhiều Thủ hiệu nhưng chỉ có hai Tiểu hiệu. Hai ông Tiểu hiệu phải là những người từ 55 tuổi trở lên, gia đình không vướng tang, có sức khỏe tốt, vợ chồng song toàn và có cả  con trai, con gái.

- Đội phù giá: khoảng 70 người là những nam giới từ 18 đến 35 tuổi. Phù giá phải là những người có tư cách đạo đức tốt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của các cụ, những ngày hội không được ăn thịt chó hoặc uống rượu, bia. Đối với những người đã có gia đình thì phải ở xa vợ để tránh ô uế. Trước khi tổ chức lễ hội các cụ phải kiểm tra số lượng người tham gia đội phù giá xem có đủ không, có bao nhiêu người năm trước xin nghỉ thì năm sau phải bổ sung bấy nhiêu thành viên mới. Đội phù giá hàng năm đều có thành viên mới và những thành viên này sẽ học tập cách lễ, cách hô cũng như cách đi từ các thành viên cũ hoặc được ông tiểu hiệu hướng dẫn.

Đội phù giá nam ba làng làm lễ xin mộc dục.

Trước đây, trang phục của đội phù giá là đóng khố, cởi trần và đi chân đất. Hiện nay, trang phục của đội phù giá là mặc áo pull màu trắng, quần giống như một chiếc váy xòe màu đỏ, có thắt đai đỏ, chân đi giày ba ta và đội khăn xếp. Trước mỗi nghi lễ, đội phù giá đều phải làm lễ Thánh theo quy định. Khi làm lễ Tiểu hiệu sẽ hô hiệu lệnh để các Phù Giá làm theo. Ông Nguyễn Văn Sơn, Tiểu hiệu năm 2015 cho biết: Nghi lễ nào cũng phải hô khẩu lệnh cho Phù Giá thực hiện sao cho đồng đều, trang trọng. 

Khẩu lệnh như sau: “Thông, phù giá tam xã, liền anh chiếu trên, liền em chiếu dưới; nghe trống lễ, lễ cho đều, 1 tiếng thì lễ, hai tiếng thì lên; nghe tang khăn bế khẩu (tức là lấy khăn che miệng lại); nghe trống khoan thanh, khoan thanh 3 tuần; dưỡng dực hai hàng vào phụng nghinh văn tế (hoặc vào phục nghinh Đức Thánh)”.  Đội Phù giá ngoài việc tế theo đúng từng khẩu lệnh khi nghe đọc đến câu: khoan thanh 3 tuần, thì phải reo “ù chóe, ù chóe, ù chóe”. Tiếng reo thường sẽ mất đi âm “ch” ở đầu cho nên chỉ còn là “ù óe, ù óe, ù óe”. Càng reo rít miệng bao nhiêu thì âm thanh càng vang và càng hay bấy nhiêu. Tiếng reo này như một câu hèm mà “tối nghĩa” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng là tập tục nên cứ truyền nhau thực hành.

Tập quán cũng quy định trong đội phù giá có hai nữ. Hai phù giá nữ có nhiệm vụ theo hầu kiệu của Đức Bà và làm lễ Mộc dục cho Đức Bà trong dịp Hội. Họ phải được chọn từ những phụ nữ gốc ở làng Chèm, lấy chồng cùng làng, đã góa chồng, từ 60 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn. Những người nơi khác đến lấy chồng ở làng Chèm dù có đủ các tiêu chuẩn trên cũng không được tham gia làm phù giá.

Theo ông Nguyễn Văn Tạc, 82 tuổi: “Hai phù giá này được ví như con gái của Đức Bà. Khi làm lễ Mộc dục thì giống như con gái tắm cho mẹ”. Bà Nguyễn Thị Nhợi, 67 tuổi, phù giá năm 2015 kể: trước đây bà tham gia vào đội dâng hương của đình. Năm 2015, được các cụ ở đình mời làm phù giá. Lúc này, bà phải sắm lễ vật lên trình Đức Ông và Đức Bà để xin phép được theo hầu Đức Bà.  Với bà, “được chọn như thế là rất may mắn và tự hào”. Khi làm phù giá, bà được chọn cho mình một người hầu. Nhiệm vụ của người hầu là làm những việc mà các bà sai bảo trên đường rước đồng thời bê tráp trầu mà hai bà phù giá têm đi cùng đoàn rước để mời những người có tuổi trong làng.

Lễ vật dâng Thánh trong Hội đình Chèm cũng được thực hiện theo tập quán riêng của làng. Đó là tục thi nấu chè kho và dâng lễ vật bằng chè kho. Chè được nấu bằng đỗ xanh, đường trắng, dầu chuối, mỡ lợn trong nồi đồng với khoảng thời gian là 50 phút. Chè nấu xong được đóng thành các bánh vuông và tròn, sau đó dâng Thánh và chấm điểm. Tất cả 7 tổ dân phố thuộc phường Thụy Phương (làng Chèm) đều tham gia, Hoàng Xá được chọn 2 tổ dân phố  và Hoàng Liên được 1 (các tổ dân phố sẽ luân phiên nhau hàng năm). Mỗi tổ dân phố cử ra 6 người để thi nấu chè kho. Ban giám khảo do dân chọn, thường có 6 người (3 người trong ban tổ chức lễ hội, 1 người Ban khánh tiết, 2 tổ trưởng tổ dân phố). Chè được chấm chè theo tiêu chí: đỗ mềm, mịn, chè ngọt

Ngày 14 tháng Năm Âm lịch là ngày chính hội. Tập tục quy định có nhiều lễ rước. Các lễ rước được lần lượt cử hành. Mở đầu là lễ rước nước, thường được tiến hành vào buổi sáng, đây là cuộc rước nước lớn và uy nghi nhất, lấy nước làm lễ Mộc dục.

Cụ Từ đổ nước từ chóe vào chóe tại đình trong hậu cung để chuẩn bị mộc dục.

Những người tham gia rước, quần áo đủ sắc màu mang theo đồ tế lễ đi bộ ngược bờ đê cách đình 3 km rồi xuống ba chiếc thuyền rồng loại lớn xuôi theo dòng sông đến trước cửa đình Chèm. Tại đây diễn ra nghi thức lấy nước. Ba thuyền cùng chèo chống làm sao cho cùng quay ba vòng ở giữa dòng sông. Trong lúc thuyền quay, một người lấy gáo múc nước sông đổ vào chĩnh và đánh phèn cho nước trong. Tất cả mọi việc phải tiến hành xong khi thuyền quay hết vòng thứ ba. Khi thuyền quay, chiêng trống nổi lên cùng với tiếng hò “ù óe- ù óe” vang dội cả khúc sông vọng từ bờ Nam sang bờ Bắc.

Lấy nước xong, đoàn thuyền xuôi về bến Ngự, tức nhà mã cách đền khoảng 1 km thì dừng lại, lấy đồ tế lễ và cuộc rước nước, rước mã ở trên bộ bắt đầu. Đi đầu đám rước là xe, voi, ngựa choé nước, tất cả đều có lọng che và được nhiều người kéo. Sau đó đến kiệu mũ, áo, kiệu bát cống. Đám rước đi theo nhịp chiêng trống của ông Thủ hiệu, ông Tiểu hiệu, nhịp nhàng về tới sân đình để làm lễ Mộc dục (tắm Thánh). Lễ Mộc dục được diễn ra tại hai tòa tiểu vương đình vào chính Ngọ tức là vào đúng 12 giờ trưa. Sau khi làm lễ bài ban xong, quân phù giá sẽ đưa kiệu vào để phụng nghinh long ngai của hai Ngài từ hậu cung ra tiểu vương đình để làm lễ mộc dục. Trong quá trình rước long ngai của Đức Thánh ra thì tất cả mọi người tham gia trực tiếp vào việc rước đều phải bịt miệng bằng khăn đỏ.

Ông Nguyễn Văn Tạc2 kể lại quy trình lễ Mộc dục như sau: Có 5 người được tham gia Mộc dục cho Đức Thánh Ông và Đức Thánh Bà, đó là: Chủ tế, Trưởng Ban Khánh Tiết, Thủ từ và hai Phù giá nữ. Có hai loại gáo được sử dụng trong lúc Mộc dục: một gáo nhỏ được dùng để múc nước từ chĩnh ra chậu và một gáo nhỏ như chén uống nước được dùng để múc nước ở chậu lên tắm tượng. Các cụ dùng 7 gáo nước để làm Mộc dục theo trình tự như sau: đầu 3 gáo nước, bên phải một gáo, bên trái một gáo, phía trước một gáo, phía sau một gáo.

Theo các cụ thì con số 7 biểu hiện cho 7 vì sao tinh tú. Sau khi dội nước xong, các cụ dùng khăn mặt mới bao sái (lau tượng) cho sạch sẽ, lấy nước hoa để tẩy uế và lấy khăn sạch lau lại một lần nữa cho thật khô rồi mới mặc trang phục cho nhà Ngài. Sau khi làm lễ Mộc dục xong, long ngai của Đức Ông và Đức Bà được đưa vào kiệu và rước vào ban công đồng để thờ, đến khoảng 2 giờ chiều đội phù giá tiến hành rước hai Ngài từ ban công đồng vào hậu cung. Giải thích cho việc này các cụ ở đình cho biết: phải rước hai Ngài vào ban công đồng để các Ngài nghỉ ngơi và nghe kinh cúng quá độ.

Chiều tối tiến hành rước văn (văn tế). Cuộc rước được cử hành long trọng như rước nước. Văn tế đặt trên kiệu (gọi là long đình được rước từ nhà ông trưởng văn ra đền. Hai bên đường làng nhiều ống hương được cắm thành tiêu, tạo không khí tôn nghiêm.

Nghi thức mộc dục cho Cụ Sứ .

Ngày 15 là lễ rước nước và Mộc dục cho cụ Sứ. Ngày 16 là lễ rước nước để thờ cúng tại đình trong suốt một năm

Hội đình Chèm là một trong những lễ hội kết hợp rất chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp liên quan đến nước là cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an thông qua lễ rước nước. Về sau, nhân dân sáng tạo gắn Đức Thánh Lý Ông Trọng với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh: Ngài đã chém thủy quái trên dọc đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội đưa đến sự bình yên cho dân làng chài lưới.

Hội đình Chèm phản ánh niềm tin tín ngưỡng của người Việt, không chỉ trong truyền thuyết Lý Ông Trọng mà còn là niềm tin Lý Ông Trọng hiện hình về phù hộ cho Cao Biền, cho các quan vua đời nhà Trần. Đây là một niềm tin tâm linh bất diệt và được ghi trong sử sách, truyền thuyết lưu truyền mãi đến các thế hệ sau.

Trong hội đình Chèm cũng có thể thấy sự tích hợp của các tín ngưỡng trên với cả Đạo giáo và Phật giáo. Thể hiện ở việc trong hội treo cờ Phật và xuất hiện nghi thức cúng Phát tấu, cúng Phan, cúng Khai quang, cúng Quá độ; các vị sư tăng làm lễ cúng Phật, lễ Thả chim...

Giá trị xã hội của hội đình Chèm cũng như của các hội làng khác của cư dân đồng bằng Bắc Bộ chính là việc thực hành lễ hội, một dịp để củng cố tinh thần làng xã, củng cố các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ trong và giữa các làng xã với nhau, ở đây là mối quan hệ giữa ba làng xưa, nay là cộng đồng cư dân Chèm, Hoàng Liên và Hoàng Mạc.

Bài và ảnh: TS Lê Thị Minh Lý

Top