Hoạt động văn hóa, du lịch tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch phong phú về loại hình, độc đáo về tính chất, đầy màu sắc truyền thống, năng động và nhộn nhịp, có khả năng hòa nhập giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống với hiện đại… là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong cuộc sống đương đại.

Xưa kia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trung tâm thờ tự, giáo dục Nho học, đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước - Nơi diễn ra những buổi tế lễ, học tập, bình văn, đọc thơ… một thời làm nức lòng sĩ phu Đại Việt. Ngày nay, Di tíchnơi bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Đó là những tiềm năng to lớn cho phát triển văn hóa, du lịch, đồng thời cũng là điều kiện để Di tích trở thành một trong những địa chỉ “ngoại giao văn hóa” của Thủ đô và cả nước. Tọa lạc trên diện tích hơn 54.000 m2, với môi trường cây xanh râm mát, hồ nước trong lành, ẩn hiện bóng những mái đền linh thiêng cổ kính giữa lòng đô thị hiện đại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám  là địa chỉ lý tưởng để tổ chức nhiều loại hình văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật… và khai thác dịch vụ du lịch.

Ý thức rõ điều này, ngay sau khi thành lập (năm 1988), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo tồn Di tích và tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, phục vụ khách tham quan du lịch. Sau 30 năm hoạt động (1988-2018), Trung tâm đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ một công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, mái đổ, tường xiêu, sân vườn ngập ngụa… trở thành một Di tích cổ kính, khang trang, xanh, sạch, đẹp… Hàng năm đón tiếp gần 2 triệu lượt khách tham quan du lịch trong nước, quốc tế (trong đó có hàng trăm đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước), với nhiều hoạt động văn hóa phù hợp tinh thần “Tôn vinh Đạo học” của Di sản và bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Có thể nói, kể từ cuộc Hội thảo khoa học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám đầu tiên năm 1990 đặt nền móng cho công cuộc đại trùng tu Di tích (giai đoạn 1990-2000) cho đến nay (2018), Trung tâm đã trực tiếp tổ chức được trên 50 cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, lễ kỷ niệm danh nhân, cuộc thi, triển lãm chuyên đề; xuất bản hàng chục ấn phẩm văn hóa; sưu tầm hàng nghìn tư liệu, hiện vật về bia Tiến sĩ, Trường Quốc Tử Giám, khoa cử, di tích, danh nhân nho học và công tác bảo tồn - phát huy giá trị di tích Nho học trong cả nước.

Với mục đích phát huy truyền thống Hiếu học, Hiếu nghĩa, Tôn sư trọng đạo, Tôn trọng nhân tài…và quảng bá cho Di sản, hoạt động giáo dục, truyền thông được đặc biệt chú trọng đa dạng hóa loại hình để không chỉ thu hút nhân dân, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám  mà còn mang Di sản về với các địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến 2017, Trung tâm đã đón tiếp và tổ chức Lễ dâng hương - Khuyến học cho 2.500 trường học các cấp (tiểu học, THCS, PTTH, ĐH, CĐ) trong cả nước với tổng số 688.090 lượt học sinh, sinh viên; Tổ chức 15 cuộc triển lãm và 12 cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lịch sử khoa cử Việt Nam và truyền thống khoa bảng địa phương tại Hà Nội, Huế, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang.

Học sinh náo nức tham gia Hành trình tìm hiểu di sản tại Di tích

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu, văn hóa giáo dục, du lịch… khác trong nước và quốc tế tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa có ý nghĩa, được giới chuyên môn đánh giá cao như: Ngày hội đọc sách, Ngày thơ Việt Nam, Lễ phong hàm Giáo sư, Tuyên dương Thủ khoa, Khen thưởng học sinh giỏi, Trao bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, Cuộc thi Trạng nguyên nhỏ tuổi, Triển lãm về tài liệu lưu trữ, Ảnh nghệ thuật, Lớp học Hán - Nôm, Triển lãm thư pháp Việt Nam, Nhật Bản, Triển lãm cây cảnh - đá quí, Gốm Bát Tràng.v.v.

Thông qua những hoạt động này, CBNV của đơn vị có cơ hội được học tập, trải nghiệm, trưởng thành; Nhiều giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc được bảo tồn, quảng bá; Di tích “sống động”, hấp dẫn hơn khiến nhiều bà con phương Nam mỗi lần về Hà Nội đều đến thăm Văn Miếu, nhiều du khách quốc tế vì cảnh quan và sự ấm áp của con người nơi đây mà suốt 20 năm liền (1998-2018), năm nào cũng trở lại thăm Văn Miếu (ông bà Alan và Judy, du khách Úc), còn những ai chưa có cơ hội sẽ cảm thấy “Thật là thiếu sót nếu đến thăm Việt Nam mà không ghé qua thăm Di tích đã gần nghìn tuổi này” (cảm tưởng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Băng-la-đét).

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của các sinh hoạt văn hóa tại Di tích, trong 2 năm gần đây, Trung tâm đã tập trung đầu tư, kết hợp với huy động nguồn vốn xã hội hóa, từng bước tạo dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch trên toàn quần thể Di tích như: Cải tạo khu tiền án, đặt quầy vé mới, phân luồng khách tham quan, xây dựng Logo, hệ thống biển thông tin, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh tiêu chuẩn châu Âu, tôn tạo lối đi, tu sửa giếng Thiên Quang, đổi mới phong cách làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, chấn chỉnh lại các cửa hàng lưu niệm, qui hoạch lại không gian mặt tiền hồ Văn làm nơi tổ chức sự kiện… Kết quả của chuỗi sự kiện năm 2017: Thu vọng nguyệt tái hiện lại không gian Tết Trung thu cổ truyền của người Việt, Triển lãm “Lung linh sao Khuê”, Triển lãm “Khoa cử xưa qua tài liệu lưu trữ”, việc đưa vào phục vụ du khách hệ thống Thuyết minh tự động (autoguide) gồm 12 thứ tiếng tại Di tích và thành công của Hội chữ Xuân Mậu Tuất rực rỡ sắc màu truyền thống tại hồ Văn đầu năm 2018… đã được nhân dân, công luận đánh giá cao và góp phần quảng bá rộng rãi cho Di sản, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (số lượng khách đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong năm 2016, 2017 tăng lần lượt là 12% và 15%). Đặc biệt, thành công sau 2 năm thử nghiệm của Chương trình giáo dục di sản mới cho đối tượng học sinh tiểu học và THCS đã góp phần mang lại niềm đam mê môn Lịch sử, mong muốn được đến và lưu lại Di tích lâu hơn với những trải nghiệm hấp dẫn, thiết thực của nhiều học sinh và giáo viên Thủ đô. Như vậy để thấy ý nghĩa của các hoạt động văn hóa nêu trên đã không chỉ dừng lại trên góc độ tích cực về mặt tinh thần và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. 

Ba mươi năm, một chặng đường dài và cũng thật ngắn cho một hành trình thay đổi. Trong xu hướng phát triển của nền kinh thế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Đó là vấn đề giải quyết hài hòa các mâu thuẫn giữa vấn đề bảo tồn di sản với khai thác du lịch và bảo vệ môi trường thời hiện đại. Trong khi đó nhu cầu tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách quốc tế ngày cao, đòi hỏi các hoạt động văn hóa, du lịch tại Di tích cần phải có hình thức đa dạng hơn, được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản hơn và đặc biệt phải có nội dung hấp dẫn hơn, hay hơn và tinh tế hơn song vẫn phải đảm bảo tính dân tộc. Ý tưởng dùng giải pháp công nghệ hiện đại (phim Lade, sách 3D, 5D…) trong trưng bày, xây dựng các hoạt động tương tác, trải nghiệm… để “kể” cho du khách nghe về những câu chuyện lịch sử là điều khả thi và nên làm. Hiện nay, các hình thức sinh hoạt văn hóa tại Di tích còn chưa thật phong phú, chủ yếu mới tập trung khai thác giá trị của Di sản Nho học (vùng lõi), chưa “phủ sóng” toàn bộ Di tích với tư cách là với một di sản văn hóa Việt Nam cùng nhiều mẫu số văn hóa chung về nghệ thuật, văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống (vùng đệm); Cần khai thác thêm các yếu tố vùng đệm có tính chất gần gũi, dễ đan xen, phối cảnh với vùng lõi. Hoạt động dịch vụ du lịch còn mỏng, chất lượng chưa cao, cần bổ sung, nâng cấp và liên doanh thực hiện nhưng tuyệt đối phải có cam kết tuân thủ Luật Di sản văn hóa, không để yếu tố lợi nhuận làm “mới” Di tích hoặc biến thiên “tinh thần” của Di sản.

Từ năm 2017, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành đơn vị tự chủ. Chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tổ chức các hoạt động vừa có ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, vừa có hiệu quả kinh tế, sinh lợi để tái đầu tư quản lý và bảo tồn di tích là hết sức cần thiết và quan trọng. Muốn vậy, đơn vị cần sớm có qui chế tổ chức các hoạt động văn hóa, liên doanh, liên kết, nhận tài trợ theo đúng qui định của pháp luật và thúc đẩy tiến độ xây dựng Qui hoạch tổng thể Di tích để tạo hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cho công tác này. Vì việc, tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú về loại hình, độc đáo về tính chất, đầy màu sắc truyền thống, năng động và nhộn nhịp, có khả năng hòa nhập giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống với hiện đại… chính là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong cuộc sống đương đại và góp phần gìn giữ “Một Thăng Long văn hiến” trong lòng “Một Hà Nội văn minh, hiện đại” cho hôm nay và mai sau.

Đỗ Thị Tám

 

Có thể bạn quan tâm

Top