Hoàng Hậu Bạch Ngọc - người có công khai hoang và cứu nước trên đất Hà Tĩnh
1. Công cuộc khai hoang lập làng
Hoàng hậu Bạch Ngọc tên là Trần Thị Ngọc Hào, con ông Trần Ngọc Thiện, quê làng Tri Bản, huyện Thổ Hoàng (nay xã Hoà Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Bà là Hoàng hậu của Vua Trần Duệ Tông (1372-1377) tên là Trần Kính (hay Cảnh: 1337-1377), con thứ 11 của Vua Trần Minh Tông (1314-1329) Trần Mạnh (hay Oanh: 1300-1357) và em Vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) Trần Phủ (1321-1395). Vua Trần Duệ Tông được Vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi trong bối cảnh vương triều và đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhà Trần sau thời thịnh đạt với “hào khí Đông A” vang dậy vũ công và văn trị đã bắt đầu suy yếu. Từ phương Bắc, nhà Minh (1368-1644) sau khi thành lập, bắt đầu xu hướng bành trướng xuống Đông Nam Á mà nước Đại Việt là đối tượng đầu tiên. Từ phương Nam, nước Champa dưới Vương triều Chế Bồng Nga (1360-1390) thi hành chủ trương thù địch với Đại Việt, thường xuyên quấy phá vùng biên cương và nhiều lần tấn công ra vùng Nghệ An (Nghệ An và Hà Tĩnh), Thanh Hóa rồi đánh ra tận Kinh thành Thăng Long. Năm 1371 trước khi Vua Trần Duệ Tông lên ngôi, quân Chế Bồng Nga tấn công thẳng vào phía Nam thành Thăng Long, Vua Trần Nghệ Tông phải lánh nạn sang Đông Ngàn (Đông Anh, Gia Lâm thuộc Hà Nội). Quân giặc tràn vào cướp phá Kinh thành “giặc đến không có quân nào ngăn được, chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không”. Trần Duệ Tông lên làm Vua khi 32 tuổi nên hăm hở muốn chấn chỉnh lại vương triều, nhất là củng cố quốc phòng và trừ khử mối họa từ phương Nam. Nhà vua mở khoa thi hội, thi đình năm 1374, tuyển chọn dân đinh bổ sung quân ngũ, đóng thêm chiến thuyền, tích trữ lương thực, mở mang đường sá từ Thanh Hóa đến Hà Hoa (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Phan Huy Chú nhận xét: Nhà vua “để tâm lo toan việc trị nước, kén tướng luyện quân, đặt khoa thi lấy người đỗ, xếp đặt cũng khả quan”. Cuối năm 1376, Nhà vua huy động 12 vạn quân thân chinh đánh Champa. Đại quân theo đường biển tiến đến cửa Thi Nại (Qui Nhơn, tỉnh Bình Định). Chế Bồng Nga rút quân khỏi thành Đồ Bàn (thành Vijaya, Bình Định) bố trí phục binh bên ngoài rồi trá hàng dử quân nhà Trần vào bẫy. Vua Trần Duệ Tông thúc toàn quân tiến công Kinh thành Champa và bị đại bại. Nhà vua và nhiều tướng soái cao cấp bị tử trận.
Theo chính sử thì Vua Trần Duệ Tông có một nguyên phi họ Lê, năm 1373 được lập làm Hoàng hậu tức Gia Từ Hoàng hậu. Bà này năm 1361 sinh con trưởng là Trần Hiện. Vua còn có một con trai tên là Vĩ được phong làm Chương Vũ Đại vương, năm 1373 lên 14 tuổi thì chết và hai công chúa là Trang Huy năm 1375 gả cho Nguyễn Dận, con trai của Cung Chính Vương, Tuyên Huy năm 1376 gả cho Húc Đại Vương, nhưng không chép là con của bà nào. Theo Phổ ký tại chùa Am (chùa Diên Quang tại Phụng Công) thì bà Trần Thị Ngọc Hào được tuyển vào cung, sinh ra Công chúa Huy Chân tên là Trần Thị Ngọc Hiên. Vậy phải chăng bà được vào cung khi Duệ Tông đã lên ngôi năm 1372 và sau đó được phong làm Hoàng hậu hay được suy tôn Hoàng hậu. Có tài liệu chép Bà là vợ thứ ba của Vua Trần Duệ Tông.
Chùa Am. Ảnh: internet
Sau đời vua Trần Duệ Tông và Phế đế Trần Hiện, Vương triều Trần ngày càng suy vi và năm 1400 bị thay thế bằng Vương triều Hồ (1400-1407). Năm 1406, nhà Minh tiến hành một cuộc xâm lược qui mô lớn và cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Đất nước rơi vào thảm họa Minh thuộc 20 năm (1407-1427). Trong bối cảnh đó, Hoàng hậu Bạch Ngọc phải rời Kinh thành, lánh nạn về quê hương. Tư liệu sưu tầm tại địa phương cho biết, Bà cùng con gái và hai cận thần trung thành là Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính cùng 170 cung nhân tôi tớ tìm về vùng huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ ngày nay.
Trên vùng đất quê hương này, bà cùng các cận thần đã tổ chức khẩn hoang lập nên nhiều làng xóm mới. Khu vực khẩn hoang khá rộng lớn, trên từ Lâm Thao, Hòa Duyệt (thuộc Hương Khê), Thượng Bồng, Hạ Bồng (thuộc Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Bồng, Đồng Quang (thuộc Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc Can Lộc). Diện tích khai phá lên đến 3.965 mẫu. Đấy là một thành tựu khai khẩn lớn trên một không gian rộng trải ra trên gần bốn huyện phía Tây Bắc Hà Tĩnh hiện nay. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, xóm làng còn thưa, đất hoang còn nhiều. Năm 1481, nhà Lê lập 43 sở đồn điền trên cả nước thì vùng Hà Tĩnh có 2 sở mang tên phủ Đức Quang và Hà Hoa. 30 sở đồn điền quanh Thăng Long và miền đồng bằng sông Hồng mang tên xã qui mô nhỏ, các đồn điền từ Thanh Hóa trở vào số lượng ít hơn nhưng mang tên phủ hay huyện, qui mô lớn. Đồn điền Đức Quang khai phá miền núi phủ Đức Quang (phủ Đức Quang gồm huyện: La Sơn (Đức Thọ), Thiên Lộc (Can Lộc), Hương Sơn (Hương Sơn và Hương Khê) và Nghi Xuân). Như vậy trước đó, đất hoang chưa khai phá trên vùng Tây Hà Tĩnh còn nhiều. Hiện nay, tư liệu không cho biết phương thức khai hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Trên phạm vi và diện tích khai khẩn đó, có lẽ có một bộ phận lập thành trang trại của Hoàng hậu Bạch Ngọc tập trung ở vùng thượng Đức Thọ, còn lại là xóm làng do dân nghèo khẩn hoang lập nên dưới sự tổ chức và hỗ trợ của Bà. Trong tổ chức khai phá này, có lẽ vai trò của hai cận thần Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính rất quan trọng. Hoàng hậu có hai cung nữ thân tín tên là Phạm và Kỵ. Bà gả Phạm cho Trần Quốc Trung và Kỵ cho Nguyễn Thời Kính. Trong trang trại có hai xóm do Bà đặt tên là Trung Phạm và Kính Kỵ để kỷ niệm cuộc tình duyên của những người thân cận và tin cậy này. Một tư liệu cho hay, Bà đã tập hợp được hơn 3.000 người trong sự nghiệp khai khẩn này. Đấy là một cống hiến to lớn của Hoàng hậu Bạch Ngọc trong công cuộc khai phá vùng Tây Hà Tĩnh mà trung tâm là vùng thượng Đức Thọ.
2. Cống hiến cho sự nghiệp cứu nước
Trong lúc Hoàng hậu Bạch Ngọc khai phá miền Tây Hà Tĩnh thì đất nước càng ngày càng chìm sâu trong tai họa đô hộ của nhà Minh và cũng từ đấy bùng lên cuộc đấu tranh chống Minh rất kiên cường, bền bỉ.
Ảnh: internet
Trong thời gian từ 1407 đến 1412, phủ Nghệ An bao gồm cả Hà Tĩnh gần như được giải phóng. Đấy là cơ hội thuận lợi để Hoàng hậu Bạch Ngọc tiếp tục công cuộc khẩn hoang miền Tây Hà Tĩnh.
Từ năm 1413 quân Minh củng cố chính quyền đô hộ trên đất phủ Nghệ An. Chúng chia lại các châu, huyện, xây thành Nghệ An (trên núi Lam Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm căn cứ quân sự lớn khống chế cả vùng. Chính sách tô thuế, lao dịch và các thứ cống nạp càng ngày càng đè nặng lên cuộc sống của nhân dân. Cũng từ đó trên đất Hà Tĩnh đã dấy lên nhiều cuộc đấu tranh và khởi nghĩa của nhân dân.
Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hóa theo “đường thượng đạo” tiến vào lập “đất đứng chân” tại phủ Nghệ An theo kế sách của tướng Nguyễn Chích. Sau khi hạ thành Trà Lân (hay Trà Long, huyện Con Cuông, Nghệ An), đánh bại quân Minh tại Khả Lưu, Bồ Ải (huyện Anh Sơn, Nghệ An), nghĩa quân mở đường tiến quân vào miền núi Hà Tĩnh. Trước đó, sau trận Trà Lân, tướng Đinh Liệt đã được lệnh chỉ huy hơn nghìn quân “đi đường tắt, giữ huyện Đỗ Gia, cướp lấy đất dành chỗ tiện lợi”. Huyện Đỗ Gia tức huyện Hương Sơn hiện nay và chỗ Đinh Liệt đóng quân “dành chỗ tiện lợi” là núi Linh Cảm (Đức Thọ) án ngự con đường “thượng đạo” và hai sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu đổ vào sông La qua ngã ba Tam Soa. Nguyễn Tuấn Thiện ở Phúc Đậu và đội quân Cốc Sơn nổi dậy cùng nghĩa quân Lam Sơn giải phóng quê hương. Một đội quân Lam Sơn do tướng Bùi Bị chỉ huy tấn công đồn Kỵ Đà tiêu diệt toàn bộ quân Minh. Khi tiến quân vào vùng này, Đinh Liệt đã phát hiện ra trang trại của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Sau khi huyện Đỗ Gia được giải phóng, Bình Định Vương Lê Lợi đặt chỉ huy sở tại động Tiên Hoa (xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn), quê hương của Nguyễn Tuấn Thiện. Bùi Bị đưa Hoàng hậu Bạch Ngọc và Công chúa đến yết Bình Định Vương. Bà vui mừng đem toàn bộ trang trại và vùng đất khai phá hiến dâng sự nghiệp bình Ngô, trở thành một cơ sở hậu cần quan trọng của nghĩa quân. Hai cận thần Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính cùng nhiều trai tráng hăng hái gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Bình Định Vương nhận Công chúa Huy Chân làm Cung phi.
Cùng lúc đó, Nguyễn Biên đem toàn bộ lực lượng nghĩa quân ở động Choác theo Lê Lợi và trở thành Bình Ngô thượng tướng quân của quân đội Lam Sơn. Trước uy thế và ảnh hưởng rộng lớn của Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, nhân dân khắp nơi nổi dậy giải phóng quê hương, đánh sụp chính quyền đô hộ các châu huyện. Quân Minh rút về cố thủ thành Nghệ An. Giữa năm 1425, quân Minh từ Đông Quan đem quân vào cứu viện thành Nghệ An. Chúng huy động gần như toàn bộ quân lực từ thành Nghệ An mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt chỉ huy ở động Tiên Hoa và căn cứ Đỗ Gia. Cuộc tấn công bị thất bại nặng nề. Từ đó quân Minh chỉ lo cố thủ trong thành Nghệ An, cả phủ Nghệ An (Nghệ An, Hà Tĩnh) trở thành “đất đứng chân” vững chắc của nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi chuyển đại bản doanh từ động Tiên Hoa về thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn. Từ Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa rồi tiến vào Nam giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, tạo lập một vùng giải phóng rộng lớn. Năm 1426 nghĩa quân tiến ra Bắc, phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc qui mô toàn quốc. Cuối năm 1427, sự nghiệp bình Ngô kết thúc thắng lợi với chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang và hội thề Đông Quan, buộc quân Minh phải rút khỏi nước Đại Việt.
Trong diễn biến của khởi nghĩa Lam Sơn, việc chuyển hướng tiến vào xây dựng “đất đứng chân” ở Nghệ An là một bước đột phá mang tính chiến lược, tạo thế và lực để cuộc khởi nghĩa vượt qua giới hạn địa phương, phát triển lên qui mô cả nước. Trong bước đột phá đó, việc giải phóng huyện Đỗ Gia, lập chỉ huy sở động Tiên Hoa là một thắng lợi quan trọng. Chính trong thời điểm đó, hành động của Hoàng hậu Bạch Ngọc không chỉ là nghĩa cử yêu nước mà thực sự là những cống hiến có giá trị và ý nghĩa đối với khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp cứu nước.
Ảnh: internet
3. Những di tích về Hoàng hậu Bạch Ngọc
Sau khi đất nước được giải phóng, Vương triều Lê Sơ (1428-1527) thành lập. Công chúa Huy Chân là thứ phi của Vua Lê Thái Tổ (1428-1433), trở về Kinh thành Thăng Long đổi tên là Đông Kinh. Bà sinh ra Công chúa Trang Từ Lê Thị Ngọc Châu. Công chúa kết hôn với Bùi Ban là con của Bùi Bị.
Hoàng hậu Bạch Ngọc vẫn ở lại trang trại quê hương. Bà qui y đạo Phật và lập hai chùa: chùa Am (hay chùa Diên Quang, ở Phụng Công, nay xã Đức Hòa, Đức Thọ) và chùa Tiên Lữ (ở Mỹ Xuyên, nay xã Đức Lập, Đức Thọ). Theo Gia phả họ Bùi thì Vua Lê Thái Tổ còn sai lập một số cung điện cho bà như điện Phượng Hoàng (ở thôn Kính Kỵ, nay xã Đức Long, Đức Thọ), điện Ngũ Long (xã Đức Lạc, Đức Thọ), điện Hương Trản(?).
Công chúa Huy Chân sau một thời gian sống trong cung đình Đông Kinh, cũng xin về quê tu cùng mẹ tại chùa Am.
Công chúa Trang Từ sau khi chồng là Bùi Ban bị tử thương một thời gian, tái giá lấy Khôi quận công Trần Hồng, quê làng Đồng Lạc, Đức Thọ. Năm năm sau, bà cũng xuất gia, tu tại chùa Am cùng mẹ và bà. Chính người chồng thứ hai này của bà đã cậy quyền thế, phá bỏ hai tấm bia do Hoàng hậu Bạch Ngọc dựng lên ở chùa Am và chùa Tiên Lữ, đốt hết sắc phong, giấy tờ để mưu chiếm đoạt ruộng đất do bà khai phá lúc này đã chia về các làng. Đến đời Vua Lê Hiến Tông (1497-1504), người con nuôi của Bùi Ban là Bùi Văn Khanh đem sự việc tâu lên Vua. Nhà vua trừng phạt tôi tớ của Trần Hồng và trả lại ruộng đất cho các làng. Nhờ đó 1.966 mẫu ruộng đất được trả lại cho một số làng như Phụng Công, Hòa Yên, Mỹ Xuyên…
Bà Bạch Ngọc mất ngày 22 tháng 6 niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Lăng mộ tại núi Phúc Sơn, thuộc làng Hòa Yên, tục gọi Núi Vua.
Bà Huy Chân mất ngày 22 tháng 3 niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Bà Trang Từ mất ngày 5 tháng chạp niên hiệu Cảnh Thống (1498-1504) đời Vua Lê Hiến Tông (1497-1504).
Do công lao khẩn hoang và cống hiến cho sự nghiệp cứu nước, Hoàng hậu Bạch Ngọc có ảnh hưởng khá sâu trên một vùng rộng lớn với nhiều chùa, đền, điện miếu…Trong số đó, theo tôi quan trọng nhất là chùa Am, chùa Tiên Lữ là hai ngôi chùa do Bà thiết lập và gắn bó với cuộc đời tu hành của ba bà cháu, và hai điện Phượng Hoàng, Ngũ Long là cung điện chính do Vua Lê tặng Bà. Rất tiếc là nhiều di tích đã bị hủy hoại, trong số di tích còn bảo tồn đến nay, có 3 di tích đã được xếp hạng: chùa Am được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995, đền Liên Minh được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2009 và chùa Tiên Lữ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004. Công việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích liên quan đến Hàng hậu Bạch Ngọc có ý nghĩa sâu sắc trong nâng cao sự hiểu biết và giáo dục truyền thống đối với quê hương, nhất là thế hệ trẻ.
GS - NGND Phan Huy Lê