Hồ sơ Bảo vật quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ công nhận

Năm 2017 này, những cổ vật, hiện vật, di vật, sẽ được xem xét lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 6. Như vậy danh mục Bảo vật quốc gia của đất nước sẽ dày thêm

Luật Di sản văn hóa thực sự đã trở thành kim chỉ nam cho công tác này, để chỉ sau thời gian ngắn được sửa đổi, bổ sung năm 2009, bắt đầu từ 2011, việc lựa chọn đề cử diễn ra thường xuyên, liên tục và đã đem đến những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù vậy, so với tiềm năng di sản động sản của đất nước, so với bề dày lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, so với các quốc gia lân bang trong khu vực, tốc độ xếp hạng của chúng ta chưa thật sự ấn tượng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà tôi đã nhiều lần đề cập qua các bài viết, qua phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề, đó chính là cơ chế chính sách chưa đầy đủ và đồng bộ để khuyến khích việc đăng ký làm hồ sơ, chế độ ứng xử đối với Bảo vật trong việc lưu giữ, bảo quản, phát huy chưa tốt, công tác quảng bá tôn vinh những bảo vật ấy trước cộng đồng và du khách chưa được lưu ý, việc quan tâm tới những sưu tập tư nhân – cánh tay nối dài của ngành di sản để lưu giữ, bảo tồn cổ vật, hiện vật, di vật cho đất nước chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho đến năm nay, 2017, chưa một hiện vật nào của tư nhân được công nhận bảo vật quốc gia, khi Hà Nội, địa phương đi đầu trong việc làm này, đề cử hai cổ vật, nhưng vẫn bị lỡ hẹn, do thủ tục hành chính của Thành phố còn chậm trễ.

Dường như, mở đầu bài viết, tôi đã đi quá xa với chủ điểm, mong độc giả cảm thông do quá bận tâm tới vấn đề này trong nhiều năm mà sự đổi thay chưa được bao nhiêu, theo đó, muốn mượn cơ hội bàn bạc để tạo thêm động lực cho những năm sau có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này của ngành di sản

Mộc bản chùa Bổ Đà (Bắc Giang).

Xin trở lại với Hồ sơ Bảo vật quốc gia được đề cử năm 2017. So với 5 đợt trước, năm nay, đơn vị hiện vật chỉ có 32, không trội vượt so với trước nhưng nhóm hiện vật trong các đơn vị ấy lên tới con số vô cùng lớn, 2077 hiện vật. Sở dĩ có hiện tượng này là do có những đơn vị hiện vật, ví như Mộc bản chùa Bồ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có tới 1.935 tấm in kinh bằng gỗ thị, hay Bộ đàn đá Lộc Hòa của Bảo tàng Bình Phước có tới 14 thanh, Bộ sưu tập khuôn đúc mẫu vật và các vật dụng chế tác đồ trang sức kim loại của văn hóa Óc Eo ở Di chỉ Nhơn Thành tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, có 11 mẫu khuôn khác nhau, rồi hệ thống bia Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có 24 tấm bia, niên đại từ thời Trần đến thời Lê sơ, Lê Trung hưng tới Triều Nguyễn. Như vậy, xét trên bình diện văn hóa, lịch sử và ngay cả trên góc độ bảo vật, mỗi hiện vật trong nhóm đều có giá trị độc lập, song, do chúng nằm trong một sưu tập, có mối liên hệ chức năng hay địa điểm… nên được xếp thành nhóm, theo tôi là hợp lý.

Danh sách đề cử lần này được bao quát suốt từ nền văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, cách đây khoảng 2000 năm, cho đến thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, Chăm Pa và những hiện vật thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ danh tiếng. Hiện vật văn hóa Đông Sơn có muôi đồng cán hình tượng voi, dao găm đồng có đốc là tượng rắn ngậm chân voi ở Di chỉ Làng Vạc, tỉnh Nghệ An. Hiện vật văn hóa Óc Eo là bộ sưu tập khuôn đúc chế tác đồ trang sức ở Di chỉ Nhơn Thành, tỉnh Cần Thơ. Hiện vật thời Lý là 10 tượng linh thú ở chùa Phật Tích. Hiện vật thời Trần có bia Đăng Thạch Môn lưu đề, niên đại 1368, Vân Thạch thủ thất, niên đại 1368. Hiện vật thời Lê Sơ có bia Đại Việt Lam Sơn dụ lăng của Vua Lê Hiển Tông, Lê Thánh Tông đề Dương Nam. Hiện vật thời Lê Trung hưng có kim ấn Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Hiện vật thời Mạc là bia hộp thời Mạc tại đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang. Hiện vật thời Nguyễn có bia Thế du động của Vua Tự Đức. Hiện vật Chăm Pa có tượng chim thần Tháp Mẫm, tỉnh Bình Định, niên đại thế kỷ 13. Hiện vật thời kháng chiến chống Mỹ có tàu vận tải quân sự số hiệu HQ671(C41,641). Hiện vật là những tác phẩm hội họa của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tự Nghiêm, Dương Bích Liên, đó là Bình phong sơn mài Thiếu nữ trong vườn, Gióng II, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Đàn đá được tìm thấy ở xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) - Ảnh tư liệu.

Những đơn cử trên đây thể hiện sự định hướng lựa chọn có chủ đích của các bảo tàng, di tích và sự hướng dẫn cụ thể của Cục Di sản văn hóa, theo đó, tương đối bao quát được các lĩnh vực, các chất liệu, các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Mặc dù vậy, những hiện vật lịch sử kháng chiến, cách mạng vẫn chưa có nhiều, rất cần sự quan tâm từ địa phương và quản lý ngành ở Trung ương.

Các địa phương và các bảo tàng Trung ương, tham gia làm hồ sơ đề cử năm nay, vẫn là những gương mặt thân quen, dù có những nhân tố mới, ví như Nghệ An, Cần Thơ, Tây Ninh,… Tuy nhiên, những tỉnh ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long, dường như còn quá ít. Đây là vấn đề cần được quan tâm hướng dẫn để bảo vật quốc gia được phủ rộng trên toàn quốc. Điều này, lẽ đương nhiên còn phụ thuộc vào kho tàng di sản của mỗi địa phương, nằm ngoài trình độ nhận diện đích thực giá trị hiện vật được đề xuất.

Chính điều này, hồ sơ năm nay được để cử, không ít những hiện vật chưa đủ tiêu chí là bảo vật quốc gia, ví như Cà Ràng (đầu rau bếp) ở Bảo tàng Cần Thơ, đỉnh đồng ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, bệ đá hoa sen Chăm Pa ở Tây Ninh v.v. Đây không chỉ là nhận định của riêng tôi mà của hầu hết các thành viên Hội đồng Giám định cổ vật đã xem xét vòng sơ khảo trước khi trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia bỏ phiếu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Không việc gì là hoàn hảo và cũng không kết quả nào có chất lượng tuyệt đối, theo đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của các bảo tàng, di tích từ Trung ương đến các địa phương về sự nỗ lực để hoàn thành hồ sơ đề cử bảo vật quốc gia năm 2017. Mong rằng, những năm sau, bảo vật quốc gia được đề cử sẽ nhiều hơn, chất lượng hơn để xứng tầm với đất nước Việt Nam luôn được mệnh danh là giàu bản sắc, dày truyền thống.

TS Phạm Quốc Quân

Top