Hồ Chí Minh qua hồi ức của những người bạn Pháp

Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước với tên gọi Văn Ba đã đưa Người đến những miền đất khác nhau, trong đó Pháp và những người bạn Pháp đã giúp đỡ Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc.

Dù lần đầu đến Pháp trong thân phận người làm thuê, thân phận của một người dân mất nước hay sau này trở lại Pháp năm 1946 với vị thế là thượng khách của Chính phủ Pháp, cái duyên tương ngộ đã khiến Người gặp gỡ kết giao và trở nên thân thiết với rất nhiều người bạn Pháp. Và dù họ là ai - những người dân bình thường, học giả, chính khách hay đối thủ thì trong những lần gặp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại trong họ tình cảm đặc biệt và dấu ấn không thể phai mờ.

“Anh ăn ở ngăn nắp, trật tự, không làm ầm ĩ bao giờ và mẹ chồng tôi suốt mấy năm trời anh ở trọ không hề than phiền một câu nào về anh. Gia đình tôi đều nhận xét anh là người lịch sự, biết điều, đứng đắn và là một thanh niên nước ngoài rất nghèo”. Đó là lời kể của con dâu cụ bà Giamô (Jammot), chủ nhà trọ số 9 ngõ nhỏ Côngpoanh (Compoint), một khu lao động nghèo ở Pari (Paris), nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cư trú một thời gian khá dài. 

Giắc Đuyclô (Jacques Duclos), người hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và cùng dự Đại hội Tua (Tuar) không thể quên kỉ niệm lần đầu gặp Nguyễn Ái Quốc: “Trong một cuộc họp của “Hội phổ biến kiến thức” ở Khu La tinh, gần đường Xanh Giéc-manh, tôi lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Ái Quốc. Tôi nhớ rõ hồi đó thân hình anh Nguyễn mảnh khảnh, tóc đen, dáng người trẻ hơn tuổi…Con người giản dị, lịch sự, dễ mến của anh Nguyễn đã thu hút tôi ngay từ buổi đầu… Tôi hỏi anh về tình hình nước anh… Tôi muốn biết chuyện những người Việt Nam đó và tôi hỏi anh Nguyễn Ái Quốc vì sao họ phải sang Pháp làm. Anh Nguyễn bắt đầu kể cho tôi nghe tình hình nước anh và những hành động xấu xa của chủ nghĩa thực dân Pháp đang thống trị nhân dân anh.

Đối với tôi đây là điều mới lạ. Vì lúc đó ở Pháp, người ta giới thiệu chính sách thuộc địa như là một công việc xuất cảng văn minh sang các nước lạc hậu. Nhờ quen biết anh Nguyễn mà tôi hiểu sự thật về chủ nghĩa thực dân Pháp. Tôi thấy anh là một người rất tốt, tôi kết bạn với anh”.

Raun Lácsê - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người đã tham dự Đại hội Tua (Tuar) cũng cùng chung cảm xúc đó “Riêng tôi, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của đồng chí Nguyễn ở Đại hội Tua và tôi kính trọng đồng chí ở tinh thần cách mạng vĩ đại và đức tính giản dị vô song”.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với vị thế là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thượng khách của Chính phủ Pháp. Người đã có cuộc gặp với một người Pháp. Họ nhanh chóng trở thành bạn của nhau và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối ở tòa dinh thự trong khu Khải hoàn môn để đến ở nhà của ông - một ngôi nhà ở ngoại ô Pari với mảnh vườn mà Người rất thích. Đó chính là Raymông Ôbrắc (Raymond Aubrac), một nhân vật lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống sự chiếm đóng của phát xít Đức từ năm 1940 và đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết nước Pháp sau chiến tranh. Trong kí ức của Raymông Ôbrắc (Raymond Aubrac), Hồ Chí Minh là một người rất đặc biệt: “Tính lịch thiệp, sự quan tâm và cả tình cảm mà con người đó biểu lộ đã khiến chúng tôi lập tức đề nghị ông đến ở cùng gia đình… Cuộc sống chung của chúng tôi và Bác Hồ được tổ chức không mấy khó khăn. Con người có tính cách đặc biệt đó, ngoài những đức tính thiên phú khác, còn có khả năng thiết lập ngay những mối quan hệ đơn giản nhất với tất cả những người đối thoại, dù họ là bộ trưởng hay nông dân. Chỉ trong chốc lát, ai cũng thấy thoải mái và không bao giờ ông giữ khoảng cách, mà thường những người tự biết hay làm ra vẻ là nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng thường ẩn mình sau đó”.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với gia đình ông bà Raymond Aubrac (7-1946)

Léo Phighe (Léo Figuères) - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, người đã có nhiều dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các thời điểm khác nhau, khi ở Pháp, khi ở Việt Nam, khi ở các hội nghị quốc tế. Ông đặc biệt ấn tượng với lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc vào đầu năm 1950 với tư cách là Tổng Bí thư Đoàn Thanh niên Pháp, Chủ bút báo Tiền phong và cũng là người Pháp đầu tiên thực hiện những cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam sau khi cuộc chiến tranh nổ ra từ năm 1946: “Ở đồng chí, tất cả đều giản dị. Nhà lãnh đạo kiệt xuất ấy mặc quần áo cổ truyền của người nông dân Việt Nam, đi đôi dép giản dị. Đồng chí cũng như tất cả những người Việt Nam khác, làm mọi việc mà trong thời kỳ gian khổ đó đang cần đến, không khước từ một việc nào”. Ông cũng không thể quên cảm xúc lần đầu gặp mặt: “Đặc điểm nổi bật của đồng chí Hồ Chí Minh là đức tính nhân hậu toát ra từ con người của đồng chí, và thái độ ân cần niềm nở của đồng chí đối với bất kỳ ai, trai, gái, trẻ, già, do đó đồng chí đã gây được thiện cảm đối với họ ngay từ lúc ban đầu gặp gỡ. Người ta thấy ở đồng chí một vốn sống dồi dào, một sự hiểu biết rộng lớn, với trình độ văn hóa của một người mà không ai quên rằng người đó đã là một nhà báo, một nhà văn, và là một nhà thơ trong số những nhà báo, nhà văn, nhà thơ ưu tú nhất ở Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí là vào năm 1946… Hình dáng mảnh dẻ của đồng chí với vầng trán cao, cái nhìn sắc sảo và nồng nhiệt, bộ râu nổi tiếng làm nổi bật nét mặt của vị Cha già, đã gây cho tôi một cảm xúc rất sâu sắc. Một điểm khác cũng làm cho tôi hết sức chú ý là sự hiểu biết của đồng chí về nước Pháp và mối thiện cảm chân thành của Người đối với nhân dân Pháp mà Người đã tìm hiểu trong những cuộc đi biển trên các tàu Pháp, qua những chuyến tiếp xúc với thủy thủ, những công nhân bốc vác ở các bến cảng và nhất là trong thời kỳ đồng chí sinh sống ở Pari năm 1914.

Đồng chí Hồ Chí Minh không muốn ai sùng kính mình, nhưng hiếm có một lãnh tụ lại được người ta tôn kính như Người. Đó là lòng yêu mến tuyệt đối của cả một dân tộc đối với một người, khi mà cả dân tộc đó đều thấy có mình trong con người đó và con người đó đã hy sinh tất cả cho dân tộc”. 

Sáclơ Phuốcniô (Charles Fourniau) - nguyên phóng viên thường trú báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày Người đi xa không lâu. Ông xúc động kể về lần gặp cuối cùng đó “Ngày 15-7 năm nay, hồi 7 giờ sáng, tại một trong những ngôi nhà xinh xắn xây dựng chung quanh Phủ Chủ tịch, tôi ngồi đợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã nhận lời cho tôi phỏng vấn Người. Người đến, mặc bộ quần áo nâu - bao giờ người ta cũng thấy Người mặc thứ quần áo này, như tất cả mọi nông dân Việt Nam - và đầu đội mũ vải, tay chống gậy nhỏ. Giọng nói của Người yếu hơn so với những lần trước tôi được gặp hồi năm 1964 - 1965, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh như xưa, vừa hóm hỉnh, sâu sắc, vừa hiền từ. Thấy tôi, Người nói đùa ngay một câu về mái tóc ngày càng bạc trắng của tôi. Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không một chút nghi thức. 

Cũng vẫn là con người tôi đã được biết cách đây mấy năm, mà sự có mặt phi thường của Người như choán hết cả gian phòng, có thể nói làm xóa nhòa sự có mặt của người khác, nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta trong những phút đầu thấy đôi chút lúng túng, nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái ngay.

Giờ phút tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ nhất trong kinh nghiệm sống của một người. Người không để lộ với tôi những bí mật nhà nước - trong khi chúng tôi đang nói về Lênin, Người không tìm cách dạy tôi một bài học nào về đạo đức hay chính trị. Người chỉ kể lại những chuyện cũ năm xưa - thế nhưng càng nghe tôi càng thấy rằng Người vừa nói về một vấn đề lớn của nhà nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý và chính trị cao siêu nhất”.

Ngày 2 - 9 - 1969, ngày đau thương không chỉ với nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa.     

Trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pari, Giócgiơ Mácsê (George Marchais), Chủ tọa buổi Lễ khẳng định:“Người chiến sĩ Việt Nam yêu nước vĩ đại ấy không phải chỉ là người của nhân dân Việt Nam, mà còn là người của phong trào cách mạng thế giới, người của phong trào cộng sản quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại của thời kỳ quang vinh trong những năm đầu tiên của Quốc tế III… Chúng ta tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn vì Chủ tịch là một trong những chiến sĩ tiên phong của chủ nghĩa cộng sản, một trong những người đã tổ chức và phát triển phong trào cách mạng trong khắp năm châu bốn biển. Và đặc biệt hơn nữa là đối với chúng ta, những người cộng sản Pháp, người chiến sĩ quốc tế vĩ đại ấy rất được tôn kính vì năm 1920, lúc đồng chí Hồ Chí Minh còn ở Pháp, Người đã tham gia Đại hội Tua và do đó Người được coi như một trong những vị sáng lập ra Đảng ta”.

Máctin Mônốt, người có mặt tại buổi Lễ xúc động kể lại: “Chúng tôi họp nhau lại không phải để khóc đồng chí Hồ Chí Minh của chúng ta mà là để làm cho đồng chí sống lại trong trí nhớ của chúng ta, trong lòng chúng ta và sống trong niềm tin của chúng ta”.

Nữ nhà báo Pháp Mađơlen Ripphô (Madolen Ripho), người bạn của nhân dân Việt Nam, người đã đến Việt Nam nhiều lần và cũng nhiều lần diện kiến Hồ Chí Minh đã  thốt lên: “Nhân dân Pháp đã mất một người bạn vĩ đại. Mọi người trên thế gian này đều mất một người bạn”. Bà nhận thấy:

“… Tất cả những ai được biết Người đều kính mến Người. Người đã làm cho những kẻ thù giai cấp tệ hại nhất cũng phải kính trọng Người”.

Tình cảm đó, lòng kính yêu và ngưỡng mộ của mọi người đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà báo Pháp Giăng La Cutuya (Jean Lacouture) lí giải: “Bác Hồ”, định ngữ này được dùng ở khắp nơi. Thời gian cùng những thử thách làm Cụ thêm uy nghiêm.

Từ nửa thế kỷ nay, Cụ đã đào luyện và hướng dẫn cách mạng Việt Nam giành độc lập và thống nhất. Trên góc độ Việt Nam, đó là một Lênin đã sống khá lâu để chiến thắng chủ nghĩa quốc xã, một Găngđi đã rời bỏ guồng kéo sợi để xây dựng nhà máy và lãnh đạo phong trào phản kháng.

 Danh tiếng quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, uy tín của Cụ, sự kính trọng của mọi người đối với Cụ trong các giới cộng sản ngoài nước và trong phần lớn các nước “Không liên kết”, đọc thấy rõ ràng. Một người như Nêru đã coi Cụ là bạn. Khi Cụ tham gia Hội nghị các Đảng Cộng sản ở Praha năm 1959, Cụ đã được bao quanh bởi một sự cảm phục khiến các chiến sĩ nước ngoài xúc động”.

Năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp để tìm con đường đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Gần 10 năm sống, học tập, làm việc, hòa mình trong phong trào công nhân Pháp, Người đã trở thành người bạn thân thiết của những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, những người luôn đứng bên cạnh cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Bởi cùng với những người bạn đến từ các thuộc địa khác, Người đã “làm cho nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các nước thuộc địa. Làm cho nước Pháp biết rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được”.  

Năm 1923, Người rời Pháp để rồi 23 năm sau đó Người trở lại trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong điều kiện cuộc đàm phán Việt-Pháp chưa đi đến hồi kết, cuộc viếng thăm của Người đã làm cho “Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp chú ý và hiểu rõ vấn đề Việt Nam hơn trước… Làm cho số đông người Pháp trở nên bạn hữu của dân Việt Nam, hết sức tán thành Việt Nam độc lập và Việt - Pháp cộng tác một cách thật thà, bình đẳng”. Người cũng đưa ra thông điệp “Người Pháp ở Pháp với ta rất thân thiện, thì người Việt ở Việt đối với người Pháp cũng nên thân thiện.

Đối với quân đội Pháp ta phải lịch sự.

Đối với kiều dân Pháp ta phải ôn hòa.

Đối với những người Pháp muốn thật thà cộng tác với ta, thì ta thực thà cộng tác với họ, ích lợi cho cả đôi bên”.

Con người và cách thức đấu tranh rất riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp đã khiến nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp gần nhau hơn. Hơn một thế kỷ qua nhưng dấu ấn những năm tháng hoạt động của Người tại Pháp vẫn được những người bạn Pháp lưu giữ và trân trọng. Hình ảnh Người vẫn sống trong lòng những người bạn Pháp như chính một người Pháp đã khẳng định: “…Ở Việt Nam, người ta gọi Người là “Bác Hồ” với lòng tôn kính, khâm phục và trìu mến. Và ngoài ra, ở khắp nơi trên thế giới, nam cũng như nữ, những người chưa bao giờ được thấy Người và không bao giờ còn có dịp thấy Người nữa đều nhắc lại hai chữ “Bác Hồ”, như là họ cảm thấy sự gắn liền với Người bởi một sự gắn bó đặc biệt, bởi một mối quan hệ trực tiếp và cá nhân”.

ThS Nguyễn Thị Hằng