Hình tượng con gà trong cuộc sống

Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần).

Trong huyền sử

Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên trống đồng Đông Sơn, gà và chim là những loài vật được thể hiện khá nhiều. Có truyền thuyết về Vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy, Rùa thần báo cho Nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành. Trước đó, trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Trong võ thuật

Vào thời Tây Sơn, tương truyền, Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ Hùng kê quyền (quyền gà chọi) hay Hồng kê quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc. Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.

Con gà là vật nuôi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày

Trong văn học nghệ thuật

Từ xa xưa, hình ảnh con gà đã trở nên thân thiết với đời sống của người dân. Và từ cuộc sống, gà bước vào kho tàng trí tuệ của dân gian qua lời ăn tiếng nói hàng ngày, qua việc đúc kết những kinh nghiệm sống thành những câu thành ngữ, tục ngữ.

Hoạt động của gà với tự nhiên để đoán định thời tiết khí hậu, mùa màng: Mỡ gà thời gió, mỡ chó thời mưa, Ráng mỡ gà có nhà thì chống, Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa…

Bên cạnh đó, hình ảnh con vật này được dân gian quan sát và khai thác rất chi tiết ở nghĩa đen để truyền tụng kinh nghiệm chăn nuôi:

Nuôi gà phải chọn giống gà

Gà di bé giống nhưng mà đẻ mau

Nhất to là giống gà nâu

Lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều

Hay:

Gà nâu chân thấp mình to

Đẻ nhiều trứng lớn con vừa khéo nuôi

Chả nên nuôi giống pha mùi

Đẻ không được mấy con nuôi vụng về

Cùng với các con vật quen thuộc khác như trâu bò, chó lợn, gà luôn được chăm chút và đúc kết nhiều kinh nghiệm quý để làm sao cho việc chăn nuôi chúng thật sự đem lại kết quả tốt, mong có thể cải thiện phần nào đời sống kinh tế vốn chật vật vất vả của người lao động thời xưa: Con chó huyền đề, con gà năm móng đem về mà nuôi - Chó quen nhà gà quen chuồng - Chó liền da, gà liền xương - Thưa con nhớn trứng - Chó giữ nhà, gà gáy trống canh - Lợn nhà gà chợ - Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm - Cau hoa gà giò - Vịt già gà tơ - Gà lấm lưng chó sưng đồ - Chó già gà non - Ếch tháng ba gà tháng bảy - Con gà tốt mã về lông, răng đen về thuốc rượu nồng về men - Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn -  Lợn thả, gà nhốt - Vịt rau gà cúp chớ nuôi - Cơm đâu no chó thóc đâu no gà - Một tiền gà ba tiền thóc - Thương con thì cho ăn quà, nuôi gà phải tốn thóc -  Chớ bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa….

Gà là hình tượng được nhiều thi nhân Việt Nam nhắc tới

Nhưng phong phú và đa dạng hơn cả vẫn là mảng tục ngữ mà ở đó hình ảnh con gà như một cái cớ để dân gian thể hiện cái nhìn sâu sắc, thâm thúy và rất tinh tế của mình về cuộc sống, về con người. Triết lý dân gian luôn đồng hành cùng với cái nhìn thể hiện tình cảm, thái độ, cảm xúc của tác giả dân gian:

Có cái nhìn mô tả khách quan như Cơm gà cá gỏi (Món ăn ngon như cơm thịt gà và gỏi cá) - Đông như đám gà chọi - Chó ăn đá gà ăn sỏi (nơi đất đai cằn cỗi, trơ trọc và nghèo khổ) - Đẻ như gà - Trứng gà trứng vịt (Suýt soát như nhau không thua kém là bao)...

Có cái nhìn tích cực như Con tông gà nòi (Con nhà truyền thống học giỏi, tài cao) - Con cha gà giống - Da trắng như trứng gà bóc (ngoại hình đẹp) – Đầu gà còn hơn đuôi trâu - Đầu gà má lợn…

Cái nhìn thương cảm thở than như Gà sống (trống) nuôi con - Mẹ gà con vịt - Vạ vịt chưa qua vạ gà đã đến (Liên tiếp gặp rủi ro rắc rối, thoát điều không may, tai họa này, lại gặp điều không may tai họa khác)…

Cái nhìn chê trách nhẹ nhàng như một nụ cười rộng lượng: Lúng túng như gà mắc tóc - Mặt tái như gà cắt tiết - Run như gà bị cắt tiết - Nháo nhác như gà phải cáo (như gà lạc mẹ) - Vắng chúa (chủ) nhà gà mọc đuôi tôm (hay: vọc niêu tôm, gà bươi bếp)…

Và thuyết phục hơn cả là những lời răn dạy đạo đức đối nhân xử thế: Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau - Gà khôn dấu đầu chim khôn dấu mỏ - Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà mót hạt tấm  (khuyên con người biết chắt chiu cần kiệm) - Gà cỏ trở mỏ về rừng (biết nguồn gốc, thân tộc, họ hàng) - Còn con gà trống gà mái thì còn gà giò - Gà đẻ thì gà cục tác -  Một tiền gà ba tiền thóc - Tiền trao gà bắt lấy …

Nằm trên biên giới giữa văn học viết và truyền khẩu là câu thơ “gà” này:

Phất phơ ngọn trúc, trăng tà 

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Nguyên là sáng tác của Dương Khuê (1839 - 1902), tả cảnh Hà Nội. Thọ Xương là tên huyện, khu thương mại, kết hợp với huyện Vĩnh Thuận, phía Hồ Tây lập thành phủ Phụng Thiên, sau đổi là Hoài Đức, là tên cũ của thành phố Hà Nội. Trấn Vũ là tên đền, còn gọi là Trấn Quốc hay Trấn Bắc, nằm trên một bán đảo nhỏ ven Hồ Tây.

Nền văn chương quốc ngữ, nhất là phong trào Thơ Mới 1932 - 1945, hình thành song song với sự phát triển các đô thị. Thời ấy, những thành phố lớn vẫn còn vọng âm thôn dã. Mà tiếng gà gáy là âm vang biên giới giữa nông thôn và thành thị - quá khứ và hiện tại. Do đó mà văn thơ eo óc tiếng gà, từ Lưu Trọng Lư đến lời nhạc Trịnh Công Sơn sau này.

Hình ảnh đàn gà vốn rất quen thuộc với nông thôn Việt Nam

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Tế Hanh cũng đã tạo được tiếng gà não nùng như thế:

Sang bờ tư tưởng ta lìa ta 

Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà

Nhưng nhà thơ thân thiết nhất với loài gà có lẽ là Huy Cận, tác giả Ngơ ngác tựa gà trống. Phải yêu tiếng gà sâu sắc mới làm được bài thơ này:

Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn, 

Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.

Đêm qua tắt gió cây không ngủ, 

Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon…

Năm 1962, Huy Cận có bài Sớm mai gà gáy tả cảnh nông thôn, thơ súc tích, rạo rực, sâu lắng, riêng tư :

Tiếng gà gáy ơi ! gà gáy ơi ! 

Nghe sao ấm áp tựa nghe đời. 

Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp, 

Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi…

Tranh gà, ngày nay là trang trí, xưa kia có tác dụng trừ tà, có lẽ vì con gà gáy sáng, có khả năng xua đuổi bóng tối và tà ma, mang lại ánh sáng, bình an, tin tưởng, sức khỏe, dương khí cho con người. Do đó, tranh gà được phổ biến trong nhiều loại tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng.

Hình ảnh gà trống cánh lông sặc sỡ, dáng dấp oai dũng còn tượng trưng năm đức tính: mào đỏ giống mũ cánh chuồn là văn (chữ Hán mào gà gọi là quan, đồng âm với quan (mũ) và quan (chức); cựa sắc nhọn như gươm là vũ ; đấu đá không sợ địch là dũng ; chia mồi cho gà con là nhân, gáy đúng giờ là tín.

Một đức tính không nghe sách vở ca ngợi, là khả năng tính dục, nôm na là “đạp mái”. Do đó tranh Gà thường kèm theo phụ đề như Thần Kê (Gà Thần) với chữ Kê thần chú viết thảo, có tác dụng trừ tà ; hay Đại Cát (vui lớn); Nghênh Xuân; tranh “Bé trai ôm gà trống” còn có tên là Vinh Hoa, có phần trọng nam khinh nữ lỗi thời. Bên cạnh hình ảnh gà trống, còn có tranh Trống Mái: Gà Thư Hùng , Gà Đàn, Trống Mái và Đàn con với hảo ý chúc tụng gia đình đông đảo và đông đủ, hòa thuận, ấm no trong truyền thống tư tưởng dân gian.

Gà con tượng trưng cho tình cảm anh em, đồng bào, đùm bọc, thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau vì “cùng một mẹ”. Tranh Đông Hồ gợi lên được những tình ý ấy.

Thúy Hằng

Top