Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) - 2013

Theo định nghĩa của Hội đồng Bảo tàng Thế giới ( ICOM ): Bảo tàng là một tổ chức không thu lợi nhuận, tồn tại lâu dài để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, mở rộng cửa đón công chúng. Bảo tàng thu nhận, bảo quản, nghiên cứu và trưng bày hiện vật, tuyên truyền hướng dẫn công chúng hiểu biết, thưởng thức và học tập”.

1. Trong những thập kỷ qua, các bảo tàng quốc gia châu Á đã có những nhận thức chung về sứ mệnh, tầm nhìn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Điều này đã được chứng minh đó là ngày càng nhiều các di sản văn hóa ở mỗi quốc gia được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, nhiều hiện vật được chính phủ các nước công nhận là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, ở mỗi bảo tàng lại có những ưu tiên, những thế mạnh khác nhau về các bộ sưu tập cũng như những cách thức hoạt động trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đến với công chúng. Ngày nay, giá trị những di sản văn hóa đó không chỉ trong phạm vi hẹp của một quốc gia mà còn liên quan đến tính đa dạng văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của các bảo tàng quốc gia trong việc giáo dục lịch sử và chia sẻ những tri thức văn hóa châu Á, các bảo tàng quốc gia châu Á đã đồng thuận thiết lập mạng lưới các bảo tàng châu Á nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và trao đổi văn hóa giữa các quốc gia châu Á để thống nhất hành động đưa giá trị các di sản văn hóa châu Á đến với công chúng ngày một phong phú và đa dạng hơn.

Họp báo giới thiệu Hội nghị thường niên Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA 4). Ảnh: TL

2. Hiệp hội Bảo tàng các quốc gia châu Á (ANMA) được thành lập ngày 25-10-2006 tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) với những mục tiêu cơ bản sau:

- Nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau bằng cách tiến hành các chương trình hợp tác liên quan đến hoạt động liên kết bảo tàng;

- Chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản văn hóa của các bảo tàng thành viên và nhằm khuyến khích việc học hỏi lẫn nhau;

- Để những đặc trưng văn hóa của khu vực châu Á được biết tới rộng rãi trên toàn thế giới;

- Thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên ba lĩnh vực: Thông tin, nguồn nhân lực và trưng bày.

* Về thành viên: Mỗi nước có một bảo tàng quốc gia làm đại diện. Các bảo tàng quốc gia khác cũng có thể trở thành thành viên khi đồng ý với Tuyên bố chung cũng như Biên bản ghi nhớ thoả thuận ANMA. Đồng thời thông qua sự đề cử, giới thiệu của các bảo tàng quốc gia đại diện và có đơn đệ trình xin gia nhập ANMA.

* Về cơ cấu tổ chức:

- Chủ tịch: Chủ tịch Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á sẽ là giám đốc của bảo tàng tổ chức hội nghị thường kỳ của ANMA.

- Nhiệm kỳ của Chủ tịch ANMA sẽ bắt đầu sau khi hội nghị thường kỳ của ANMA quyết định cho đến năm bảo tàng của nước đăng cai tổ chức hội nghị thường kỳ tiếp theo được lựa chọn.

- Thẩm quyền: Chủ tịch ANMA sẽ làm việc với vai trò như Chủ tịch Ban Chấp hành và có quyền triệu tập các cuộc họp của Ban Chấp hành.

- Trách nhiệm: Chủ tịch Hiệp hội sẽ có trách nhiệm thông báo cho mỗi quốc gia thành viên quyết định về những cuộc họp của Ban Chấp hành đưa ra.

- Văn phòng: Về cơ bản, Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á là tổ chức theo kiểu mạng lưới, do đó bộ phận hành chính hay Ban Thư ký sẽ được tổ chức gọn nhẹ. Ban Thư ký của ANMA sẽ đặt tại bảo tàng chủ trì hội nghị thường kỳ của ANMA và bảo tàng chủ trì sẽ bảo đảm nguồn nhân lực để quản lý toàn bộ các công việc có liên quan và xây dựng các quan hệ mạng lưới. Mỗi quốc gia thành viên sẽ lập trụ sở liên lạc để trao đổi thông tin với Ban Thư ký ANMA.

- Thành viên Ban Chấp hành của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á sẽ bao gồm tối đa là 12 bảo tàng quốc gia để quyết định những vấn đề quan trọng của ANMA. Bảo tàng nước đăng cai  hội nghị thường kỳ có thể quyết định số lượng uỷ viên Ban Chấp hành cho phù hợp nếu thấy cần thiết.

- Chức năng của Ban Chấp hành:

+ Sửa đổi, bổ sung các điều khoản của ANMA;

+ Lựa chọn địa điểm và chủ đề của hội nghị thường kỳ;

+ Những vấn đề quan trọng khác.

- Ban Chấp hành sẽ triệu tập những cuộc họp trù bị cho hội nghị thường kỳ của ANMA và thảo luận những vấn đề quan trọng. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ban Chấp hành có thể triệu tập cuộc họp bất thường. 50% ủy viên Ban Chấp hành tán thành có thể ra nghị quyết.

- Quan sát viên ANMA là các bảo tàng quốc gia được đề cử bởi đại diện bảo tàng quốc gia thành viên ANMA. Quan sát viên được tham gia họp và phát biểu nhưng không được biểu quyết.

- Hội nghị thường kỳ của ANMA có mục đích mở rộng sự hợp tác và phát triển của các bảo tàng trong khu vực châu Á và tăng cường giao lưu hợp tác trao đổi giữa các bảo tàng quốc gia châu Á.

- Nhiệm kỳ: Hội nghị thường kỳ ANMA họp 2 năm 1 lần. Địa điểm và thời gian do Ban Chấp hành sẽ quyết định tại Hội nghị thường kỳ của ANMA tiếp sau.

- Chi phí: Về nguyên tắc, những chi phí có liên quan đến việc tổ chức cuộc họp của Ban Chấp hành và Hội nghị thường kỳ của ANMA sẽ do nước chủ nhà chịu trách nhiệm. Những chi phí như vé máy bay, chi phí ăn, ở của các thành viên tham gia sẽ do các thành viên tự chi trả. ANMA sẽ cố gắng tạo sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cho các bảo tàng quốc gia thành viên và các hoạt động bảo tàng có liên quan.

3. Từ ngày thành lập đến nay (2013), Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) đã tổ chức 4 lần hội nghị thường kỳ.

Với cương vị là Chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2007-2008, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ I (ANMA1) vào trung tuần tháng 10-2007. Tham dự có 11 bảo tàng quốc gia châu Á: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore, Bảo tàng quốc gia Thái Lan, Bảo tàng quốc gia Campuchia,  Bảo tàng quốc gia Indonesia, Cục Bảo tàng quốc gia Malaysia, Bảo tàng quốc gia Ấn Độ, Bảo tàng quốc gia Mông Cổ. Chủ đề của Hội nghị là “Tương lai của các Bảo tàng quốc gia châu Á”. Các thành viên đã nhất trí với Tuyên bố chung cũng như Biên bản ghi nhớ của Hội nghị. Hội nghị đã chọn Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản là Chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2008-2009 và sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thường kỳ lần thứ II Hiệp hội Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA2) vào tháng 10-2009.

Hội nghị lần thứ II (ANMA2) được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản ngày 29-10-2009. Tham dự có 11 thành viên: Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore, Bảo tàng quốc gia Thái Lan, Bảo tàng quốc gia Campuchia, Bảo tàng quốc gia Indonesia, Cục Bảo tàng quốc gia Malaysia, Bảo tàng quốc gia Mông Cổ và 1 thành viên mới kết nạp là Bảo tàng quốc gia Nepal. Chủ đề của Hội nghị là “Tuyên truyền về truyền thông: Quảng bá di sản văn hóa châu Á trong phạm vi toàn cầu”. Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất ký Biên bản ghi nhớ với những nội dung như sau:

- Thiết lập một bản hướng dẫn về hoạt động bảo dưỡng, bảo tồn, trưng bày các sưu tập.

- Tiếp nhận thành viên mới gia nhập ANMA.

- Hội nghị thường kỳ lần thứ III Hiệp hội Bảo tàng các quốc gia châu Á (ANMA3) sẽ được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc với cương vị là Chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2010-2011 vào tháng 9-2011.

Hội nghị lần thứ III (ANMA3) được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh ngày 23-9-2011. Tham dự hội nghị có 11 bảo tàng quốc gia: Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Cục bảo tàng quốc gia Malaysia, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore, Cục Bảo tàng quốc gia Thái Lan, Bảo tàng quốc gia Nepal, Bảo tàng quốc gia Campuchia, Bảo tàng quốc gia Indonesia, Cục Bảo tàng quốc gia Srilanka. Chủ đề của Hội nghị là “Bảo tàng với công tác giáo dục xã hội và dịch vụ công cộng”. Hội nghị tập trung thảo luận 3 nội dung:

- Tiếp tục trao đổi và hợp tác về triển lãm, con người, bảo tồn và giáo dục xã hội giữa các bảo tàng và thúc đẩy trao đổi, hợp tác giữa hai hoặc nhiều bảo tàng trong khuôn khổ ANMA;

- Thảo luận các vấn đề như giáo dục bảo tàng và các dịch vụ công cộng và việc mời các đại diện từ các bảo tàng phát biểu tại Hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm;

- Hội nghị đã chọn Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là Chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2012-2013 và tổ chức Hội nghị thường kỳ lần thứ IV (ANMA4) vào tháng 10-2013. Theo đó Trụ sở chính của ANMA sẽ được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam từ 1-1-2012.

Hội nghị lần thứ IV (ANMA4 ) sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam vào ngày 8-10-2013. Hiện ANMA có 13 thành viên: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng quốc gia Nepal, Bảo tàng quốc gia Campuchia, Cục Bảo tàng quốc gia Malaysia,  Bảo tàng quốc gia Ấn Độ, Bảo tàng quốc gia Thái Lan, Bảo tàng quốc gia Indonesia, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore, Cục Bảo tàng quốc gia Srilanka, Bảo tàng quốc gia Mông Cổ. Cũng trong Hội nghị này, ANMA nhất trí sẽ kết nạp 2 thành viên là Bảo tàng quốc gia Philippines và Bảo tàng quốc gia Lào. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị ANMA 4 là cơ hội để Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các bảo tàng quốc gia trong khu vực và thế giới. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trên cơ sở chủ đề của Hội đồng Bảo tàng Thế giới (ICOM) năm 2013 là “Bảo tàng (Ký ức + Sự sáng tạo)= Thay đổi xã hội”, Hội nghị thường niên các Bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ IV (ANMA 4) với thông điệp“Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội” sẽ là một diễn đàn để các bảo tàng quốc gia thành viên cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm thông qua thực tiễn hoạt động của mỗi bảo tàng trên các vấn đề sau:

- Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản;

- Bảo tàng với du lịch di sản;

- Vai trò giáo dục của bảo tàng.

4. Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) mặc dù là một tổ chức non trẻ, song đây là một tổ chức mở được xây dựng theo các quan hệ mạng lưới để các bảo tàng quốc gia thành viên cùng nhau chia sẻ những thông tin về các sưu tập hiện vật, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo quản, tổ chức trưng bày, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… trong các hoạt động đa dạng của mỗi bảo tàng. Qua đó các bảo tàng có thể cập nhật thông tin, củng cố quan hệ, đồng thời mở ra các hướng liên kết, hợp tác song phương và đa phương mới trong tương lai.

ThS Phan Tuấn Dũng

 

Top