HERITIST: 10 năm – một chặng đường bền bỉ

Năm 2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (gọi tắt là HERITIST) sẽ kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển. Cuộc họp Hội đồng Cố vấn được HERITIST tổ chức ngày 29-3-2018 nhằm nhìn lại một chặng đường đã qua, đồng thời định hướng cho bước chuyển tiếp nhiều thách thức và đầy hứa hẹn.

Khi nhiệt huyết tạo nên niềm tin

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập từ ý tưởng táo bạo của GS.TS Nguyễn Anh Trí vào năm 2008. HERITIST tự đặt cho mình sứ mệnh cấp cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học. Mô hình lưu trữ - bảo tàng trong nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, nhưng không ít người còn băn khoăn.

Sưu tầm tư liệu của GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Hà Nội, 9-3-2017. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Với sự định hướng chuyên môn của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, cùng những tham góp của Hội đồng Cố vấn và sự đầu tư toàn diện của MEDLATEC Group, HERITIST luôn kiên trì “bám” mục tiêu hoạt động, từng bước gây dựng niềm tin đối với các nhà khoa học bằng sự nhiệt huyết. GS.TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước khẳng định: Người thật, việc thật là điều tôi cảm nhận rõ ràng nhất ở HERITIST. GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học chia sẻ: Hiếm có nơi nào mang đến cho tôi cảm giác thân tình như HERITIST. Tôi đã tìm đúng địa chỉ để trao gửi tư liệu.

Tổ chức Lễ tiếp nhận tư liệu hiện vật của GS.TS Bùi Khánh Thế, TP Hồ Chí Minh, 15-4-2017. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Niềm tin ấy góp phần khẳng định uy tín của HERITIST. Từ con số không khi mới thành lập, đến nay HERITIST đã tiếp cận nghiên cứu hơn 1.300 nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau, sưu tầm hơn 70 vạn tài liệu hiện vật, thu thập hàng triệu phút ghi âm, ghi hình, xuất bản các ấn phẩm thường niên, tổ chức thành công triển lãm “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” và “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. HERITIST không chỉ hoạt động ở địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng tới Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Các nhà khoa học tham quan Triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật", Hòa Bình, 25-11-2017. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nhìn lại một chặng đường đã qua, các nhà khoa học đều ghi nhận những thành tựu bước đầu của HERITIST. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá: Thương hiệu HERITIST được khẳng định và lan tỏa tới công chúng. Nhờ có HERITIST, di sản của nhà khoa học đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. TS Vũ Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ nhà nước cũng nhận định: Hoạt động của HERITIST đã góp phần lấp khoảng trống về bảo tồn di sản văn hóa mà các cơ quan lưu trữ nhà nước chưa có điều kiện thực hiện.

Đối diện thách thức, hướng đến tương lai

HERITIST luôn nhận thức rằng, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Trên chặng đường tiếp theo, HERITIST sẽ đối diện với không ít thách thức, cũng là bài toán gồm 4 mâu thuẫn mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu ra: Số lượng – chất lượng, đơn điệu – sáng tạo, bảo tồn – phát huy, vừa học – vừa làm. Ông một lần nữa nhấn mạnh việc củng cố thương hiệu HERITIST thông qua các hoạt động phát huy giá trị di sản nhà khoa học được tổ chức trên Công viên Di sản (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), góp phần nâng cao tri thức và thắp sáng tình yêu khoa học đối với các tầng lớp nhân dân.

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Cố vấn tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

Hội đồng Cố vấn cũng đưa ra những ý kiến định hướng phát triển cho HERITIST, tựu chung ở các điểm cơ bản sau: 1 - Hoàn thiện cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng cán bộ nhân viên; 2 - Hài hòa giữa số lượng và chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; 3 - Quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; 4 -  Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động; 5 - Sáng tạo trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học; 6 - Tăng cường hợp tác với các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng trong và ngoài nước; 7 - Xây dựng Công viên Di sản thành mô hình đa năng: bảo tàng khoa học, tham quan du lịch và giao lưu văn hóa.

Chủ tọa cuộc họp của Hội đồng Cố vấn tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018

Trên tinh thần ghi nhận và lĩnh hội ý kiến của các thành viên Hội đồng Cố vấn, Người sáng lập HERITIST - GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: HERITIST xin hứa sẽ không bao giờ nản chí trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học. HERITIST vững tin khi tiếp tục nhận được sự đồng hành của Hội đồng Cố vấn, gồm: GS.TSKH Phạm Minh Hạc - Chủ tịch, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Phó Chủ tịch Thường trực, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc chuyên môn và 21 nhà khoa học có uy tín ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sự quyết tâm của toàn thể cán bộ nhân viên cùng sự định hướng đúng đắn của Ban Lãnh đạo và Hội đồng Cố vấn chắc chắn sẽ giúp HERITIST đạt được những bước tiến mới.

Các thành viên trong Hội đồng Cố vấn chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ HERITIST tại Tòa nhà MEDLATEC, số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 29-3-2018. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam 

Chặng đường 10 năm không dài, nhưng là cơ sở để HERITIST khẳng định vị thế vững chắc và chuẩn bị cho những bước nhảy mạnh mẽ trong thời gian tới. Trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà khoa học, HERITIST sẽ miệt mài và sáng tạo hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của các nhà khoa học và cộng đồng xã hội.

Nguyễn Thị Hợp

 

Top