Hệ thống văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế: Di sản Tư liệu độc đáo

Hệ thống văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế đã chính thức được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới.

Hệ thống văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế là những tác phẩm tinh tuyển từ những sáng tác của các vị hoàng để tài hoa của triều Nguyễn. Hình thức dùng văn thơ trang trí trên các công trình kiến trúc được thực hiện từ thời Vua Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925).

Thơ văn trên kiến trúc Cung đình thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vi trí thể hiện chủ yếu là tên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được. Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn, câu đối…và không cố định số chữ. Thư pháp và cách thể hiện vô cùng phong phú, đủ cả 4 loại hình chân, thảo, triện, lệ…và được xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau.

Toàn thể Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Trọng Bình

Tranh được trang trí kèm thơ cũng đa dạng không kém, chủ đề phổ biến là bát bảo (tám vật quý), tứ thời hay tứ quý (4 mùa). Ngoài ra còn có tranh phong cảnh, cổ đồ…Tùy vào chất liệu ( trên gỗ, đồng, đá, bê tông, vôi vữa…) những nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện (sơn, thếp, chạm, khảm, tráng men, đắp gắn…) để những áng thơ văn và các bức tranh đi kèm trở nên nổi bật, cái thì lung linh, chỗ lại mờ ảo hoặc trang nhã phù hợp với bối cảnh cụ thể và kiến trúc công trình.

Về mặt nội dung, thơ văn trên các công trình kiến trúc Cung đình Huế tuy là thơ ngự chế của các vị hoàng đế, nhưng nội dung, chủ đề khá phong phú. Ở khu vực từ Ngọ Môn, đến điện Thái Hòa, khu vực trung tâm và quan trọng nhất là khu vực Hoàng cung, nơi tổ chức các nghi lễ triệu hồi, thơ văn đều theo mạch chủ để ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi nôn sông gấm vóc, ca ngợi Triều Nguyễn với công lao to lớn thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi, ca ngợi triệu đại thịnh trị…Tiêu biểu nhất là bài thơ khắc ở gian chính giữa điện Thái Hòa: “Nước ngàn năm văn hiến; Thống nhất muôn dặm xa; Từ Hồng Bảng mở cõi; Trời nam một sơn hà”.

Biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sỹ Cung đình Huế. Ảnh: Trọng Bình

Thơ văn tại các miếu thờ trong Hoàng Cung như Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu thì chủ yếu ca ngợi công lao to lớn của các bậc hoàng đế đầu triều, ghi nhớ công ơn của tổ tiên đã đặt nền móng, gây dựng cơ nghiệp.

Còn tại các lăng tẩm Hoàng gia, tiêu biểu là Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Dục Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Khải Định thì chủ yếu là nỗi niềm tâm sự riêng của các vị hoàng đế về thế thái nhân tình, sự quan tâm đến cuộc sống của người dân, quan tâm đến nền nông nghiệp nước nhà, hoặc ca ngợi cảnh đẹp độc đáo vô sông của khu lăng..

Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, mưa gió thời gian nhưng đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế vẫn được bảo tồn tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy. Số còn lại được giữ gìn khá nguyên vẹn..

Các nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia đều thống nhất ý kiến: hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt. Đây là nơi ra đời và lưu trữ tư liệu độc đáo và riêng có tại Cố đô Huế. Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng…

Ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chúc mừng tỉnh Thừa Thiên Huế (đầu tiên bên trái) và ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (đầu tiên bên phải) tặng hoa chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Trọng Bình

Các chuyên gia của đến từ Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới cũng đánh giá cao di sản độc đáo này của Việt Nam: Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc Cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Hệ thống di sản thơ văn này thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Nó chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn. Hồ sơ về "Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế" là điển hình thành công và xuất sắc nhất trong tất cả các Hồ sơ được đề cử lần này.

Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang, Hệ thống văn thơ trên kiến trúc Huế được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới đã nâng tổng số những di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam được công nhận lên 06 di sản.

Cinet.vn

Top