Nhưng rất nhiều người dân ở xóm 11, 12, thôn Đống đều bức xúc nói rằng: Hiện tại các di sản và di tích chẳng còn được bao nhiêu, bởi lẽ việc quan tâm của các cấp, các ngành và sự hiểu biết hạn chế của người dân về bảo tồn di sản, do đó nhiều ao hồ bị lấp, nhiều cây cổ thụ bị chặt phá. Trong đó, cây đa cổ ở cuối thôn Đống và giữa xóm 12 sau chùa Trùng Quang đã và đang bị bức tử.
Nguyên nhân do sự thờ ơ của các cấp có thẩm quyền, bởi lẽ sự việc bức tử cây đa (có từ Thời Lý Công Uẩn ban Chiếu dời Đô) đã diễn ra mấy năm nay và hiện đang tiếp diễn nghiêm trọng, bởi gia đình ông Chung có ngôi nhà kề bên gốc đa, đã nhiều năm lấn chiếm, chặt phá gốc và cành, xây tường chắn để độc chiếm cây đa có chiều cao vài chục mét và gốc to 10 người ôm không xuể. Để lấn diện tích, phá cả am thờ ở gốc đa hiện nay làm nơi chăn nuôi vịt, gà, rất hôi thối, mất vệ sinh. Một diện tích bên phải gốc đa do anh Duy chiếm để làm quán bán nước, đến nay không bán thì rào lại bằng lưới B40. Như thế là, phần đất chỗ cây đa bị ông Chung và anh Duy chiếm hết.
Theo ông Trần Thanh L. và bà Nguyễn Thị T., dân xóm 12 và cả làng Cổ Nhuế đều phản đối việc âm mưu bức tử cây đa cổ. Bởi cây đa, giếng nước, sân đình là một nét văn hóa đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đặc trưng của văn hóa lúa nước ở vùng Đông Nam Á, hơn nữa còn là chốn tâm linh, hội tụ linh khí của làng. Mà cây đa to như vậy đang tọa lạc trên đất công thổ, không thể là của một người nào mà là của cả làng, của đất nước. Nay gia đình ông Chung bức tử cây đa với mục đích chiếm đất là vi phạm Luật Đất đai, vi phạm Luật Tài nguyên môi trường, vi phạm Luật Di sản văn hóa, ảnh hưởng xấu tới việc xin công nhận Cổ Nhuế là làng cổ.
Chút không gian làng cổ ở Cổ Nhuế
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, bà Nguyễn Thị Tuyến, bà Nguyễn Thị Tỵ và nhiều người dân xóm 12, thôn Đống thì, các thôn, xóm đã có nhiều cuộc họp, nhiều đề nghị, kiến nghị các cơ quan vào cuộc và yêu cầu gia đình ông Chung trả lại cảnh quan xung quanh gốc đa và ngừng việc chặt phá cây đa, phá dỡ hàng rào quanh gốc đa, xây trả lại am cho làng. Nhưng không hiểu sao, mọi việc cứ rơi vào quên lãng. Có người bức xúc quá thì nói: Không biết có ai đứng đằng sau vụ này, hay gia đình ông Chung được ưu ái, bật đèn xanh mới dám làm vậy?
Khi người viết bài này chụp ảnh đem đến UBND xã Cổ Nhuế để thông báo tình hình thì đồng chí Hùng - Phó Chủ tịch tỏ ra ngạc nhiên không biết sự việc và không biết cây đa ở đâu? Hai ngày sau, tác giả lại đến UBND xã thì ông Hùng cho biết là xã đã giao cho Địa chính đến giải quyết. Nhưng khi người viết bài này đến xóm 12 thì thấy việc vẫn đâu vào đấy. Thế là tác giả bài báo lại gõ cửa UBND huyện Từ Liêm, gặp được anh Phạm Minh Việt - cán bộ tiếp dân, thì cũng được trả lời là huyện sẽ quan tâm và sẽ chỉ đạo xã Cổ Nhuế giải quyết. Còn Viện Bảo tồn Di tích ở Nguyễn Trãi thì đồng chí Lê Thành Vinh - Viện trưởng cũng tỏ ý bức xúc và có ý kiến là cần phải bảo vệ cây đa vì cây đa không chỉ là di sản, còn là cảnh quan môi trường của con người và anh Vinh hứa sẽ đóng góp ý kiến với các cấp chính quyền, góp phần bảo vệ cây đa.
Cũng mới đây thôi, ở Quốc lộ 4G, nơi các huyện sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La) với Quốc lộ 6 đoạn qua thị tứ Chiềng Khương (sông Mã) có một cây đa không to bằng cây ở Cổ Nhuế, án ngữ giữa đường mà không ai dám chặt, bởi lẽ cả người và máy móc đều đến để đốn hạ cây, chưa động thủ đã bị nạn. Sự việc kéo dài nhiều ngày, không giải quyết được khiến cơ quan đầu tư và nhà thầu đành phải làm con đường vòng qua cây đa.
Nói thêm dẫn chứng trên để thấy rằng, chặt phá cây đa, không bảo vệ, tôn tạo cây đa, rất có thể ảnh hưởng lớn đến phong thủy của làng, ảnh hưởng trật tự an ninh, kinh tế đời sống nhân dân và trước hết là gia đình ông Chung và gia đình anh Duy, người đã và đang bức tử cây đa thiêng, vì dẫu sao thì các cụ đã nói từ ngàn xưa là: “Cây gạo có ma, cây đa có thần”. Hơn nữa, cây đa này cũng là nơi xử tử hình ba địa chủ thời cải cách ruộng đất (là Tổng Tuy, Hộ Thông và ông Thắng).
Vì vậy, khi còn có khả năng, dân làng Cổ Nhuế tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền hãy vào cuộc để bảo vệ cây đa nghìn năm tuổi, bảo vệ đời sống nhân dân trước khi còn chưa muộn, góp phần bảo tồn di tích và bảo vệ cảnh quan môi trường.
Hoàng An Giang