Hầu đồng: Nỗi niềm của người trong cuộc

Hàng ngày ta vẫn thường nghe dân gian nói: “Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng”.

Trong cuộc sống hiện nay, những người mang số mệnh làm con Tứ phủ có nhiều bất ổn, khi chập chững bước chân tới cửa nhà Ngài. Điều đó, không phải do cha mẹ sắp đặt, cũng không phải do bản thân trước sau bất nhất, mà bởi đồng bóng có dăm bảy loại và thầy bà cũng vậy...

Do không có một nguyên tắc, quy trình nào cụ thể, nên việc ra hầu Thánh trở nên một nghi lễ bất thành văn và để lý giải cho việc làm mà tạm nói là chưa biết đúng sai này, thì các thầy thường giải thích rằng mỗi thầy có một một phép... 

Cũng từ việc không có quy trình, văn bản nào cụ thể mà phát sinh ra nhiều hệ lụy biến tướng và các thanh đồng trở thành các “nhà khoa học”,“sáng tạo” ra rất nhiều hình thức hầu đồng lạ, mà nhìn vào đó, các cụ cựu đồng luôn lắc đầu chua chát.

Lại có những cô đồng, cậu đồng “vắt mũi chưa sạch”, ở nhà thì chửi cha, mắng mẹ, mà khi ra ngoài thì tự mình vỗ ngực xưng thầy, dạy đời, dạy người và coi khinh những người đi trước, coi đồng cựu là lỗi thời, sai mốt là già cả, là lẩm cẩm…

Nghi lễ hầu đồng. Ảnh: minh họa

Cuộc chạy đua vào làm con Tứ phủ gần như chưa bao giờ nóng hổi như bây giờ, vì nhà nhà ra hầu, người người ra hầu... Một số thầy “chấm lính” bắt đồng chỉ bằng những hành động uy hiếp tinh thần người khác. Một xu hướng hầu đồng bây giờ rất hợp với câu “giàu con nhang - sang đệ tử”.
Chính vì những lệch lạc từ những đồng điên, bóng loạn đó mà “trứng rồng lại nở ra rồng”. Một thế hệ đồng tân lính mới được các mẹ đẻ ra chẳng hiểu gì về lề lối, chẳng biết phép tắc là gì và đặc biệt khả năng ăn bậy, nói bậy và làm bậy thì vô đối... Các cụ khó mà tiêu hóa nổi thành phần này.
Xét cho cùng Đạo Mẫu đang bị một số thành phần “đồng điên, bóng loạn” buôn thần, bán thánh làm ô uế cửa nhà Ngài, làm mất đi sự uy nghiêm của đình thần Tam Tứ phủ và làm mai một, xấu xí hình ảnh nghi lễ hầu đồng vốn được coi là hồn cốt của dân tộc.

Thiết nghĩ, đã là thanh đồng thì cốt cách phải thanh tao, giản dị; đã là thanh đồng thì lời nói phải chuẩn chỉ, lề lối phép tắc phải nghiêm minh; đã là đồng thầy thì phải đức cao, vọng trọng, uy cao như núi, đức rộng như biển mà tâm sáng như ngọc... 

Phạm Tiến Bắc

Top