Hành trình 700 năm lịch sử của một làng nghề
Từ làng đóng thuyền cho Vua
Làng Trung Kiên, xưa gọi là Hoàng Lao, vào cuối Triều Nguyễn, làng được gọi là xã Trung Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên; năm 1946 thuộc xã Đông Hải; từ năm 1954 cho đến nay, làng Trung Kiên thuộc địa phận xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tổ sư của làng nghề là ông Nguyễn Quốc Công, người gốc xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc), ông là người được triều đình phong kiến thời Lê Trung Hưng phong là Tiền triều Minh nghị tướng quân.
Chuyện kể rằng, Vua Lê trong một lần trên đường từ Hà Tĩnh theo kênh nhà Lê về Nghệ An đã gặp phải buổi nước kênh xuống thấp khiến thuyền rồng không thể xoay trở. Nguyễn Quốc Công lúc đó là một người lính thủy, tài trí hơn người, lại sẵn nghề đóng thuyền nên đã có sáng kiến cắt đôi thuyền rồng, tạo thành hai thuyền bé hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, thuyền rồng Nhà vua đã quay được trên dòng kênh nhỏ để trở về Kinh đô an toàn.
Nhớ công cứu giá và yêu mến tài của Nguyễn Quốc Công, khi về đến vùng biển Nghi Thiết, Vua Lê đã ban sắc phong ông là Tiền triều Minh nghị tướng quân, giao cai quản việc đóng tàu chiến tại làng Hoàng Lao, thuộc hữu ngạn sông Lò (một nhánh của sông Lam đổ ra biển).
Làng Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được biết đến là một làng nghề đóng thuyền có truyền thống lâu đời. Ảnh: internet
Bấy giờ, đóng quân tả ngạn sông Lò là đội thủy quân của Triều đình nhà Lê do Đô đốc hải quân Nguyễn Sư Hồi, con trai của Tam quốc công thần Nguyễn Xí chỉ huy. Sự xuất hiện của Tiền triều Minh nghị tướng quân với nhiều ý tưởng sáng tạo đã giúp đội thủy quân nhà Lê sở hữu nhiều chiến thuyền lớn, lợi hại trong chiến đấu và trở nên hùng mạnh hơn.
Khi Tiền triều Minh nghị tướng quân qua đời, người dân làng Hoàng Lao đã dựng đền thờ ông ngay đầu làng, tôn ông là Thành hoàng làng. Làng nghề Hoàng Lao cũng được đổi tên thành làng nghề Trung Kiên như một sự nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của lòng trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Tiền triều Minh nghị tướng quân.
Về sau, mỗi khi hạ thủy một con tàu, người dân làng nghề Trung Kiên lại đến thắp hương xin ông phù hộ.
Đến những con tàu không số
Vào những năm kháng chiến chống Pháp, làng nghề Trung Kiên là một trong những nơi được giao nhiệm vụ đóng những con tàu vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến tạo nên con đường Hồ Chí Minh trên biển. Thế nhưng, lúc bấy giờ, để đảm bảo an toàn cho chiến dịch nên việc này được giữ bí mật. Chỉ đến khi hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn giải phóng, những người thợ đóng tàu không số năm xưa mới biết mình có được vinh dự ấy.
Vào những năm kháng chiến chống Pháp, làng nghề Trung Kiên là một trong những nơi được giao nhiệm vụ đóng những con tàu vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến tạo nên con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: internet
Cụ Phan Anh Phúc (sinh năm 1933) là nhân chứng đóng những con tàu không số duy nhất còn sống tại làng nghề Trung Kiên kể lại: “Thế mà đã 50 năm rồi, cái ngày mà Đội thuỷ văn Uỷ ban thống nhất Trung ương giao nhiệm vụ đóng tàu, sửa tàu. Cái tên gọi là tàu không số thì sau này tôi mới được biết, chứ trước đó, khi đóng tàu chỉ biết mình đang làm một nhiệm vụ đặc biệt. Và ai nấy đều hăng say làm ra những con tàu dưới sự giám sát chỉ đạo của cán bộ rất nghiêm ngặt”.
Đó là khoảng thời gian từ năm 1959 đến những năm đầu tiên của thập niên 70. Những người thợ được tuyển chọn đều có tay nghề cao để làm ra những con tàu khác thường từ kiểu dáng đến kết cấu nhưng vẫn phải đảm bảo kĩ thuật. Những con tàu không số mỗi khi hạ thuỷ đều có 2 lớp vỏ với 4 khoang, phía trên là để dụng cụ đánh bắt cá và khoảng trống ngầm phía dưới là để chở lương thực và vũ khí. Chính những con tàu năm xưa đó đã tạo nên một huyền thoại trên biển Đông.
Theo nhiều tài liệu tổ hợp trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh năm xưa, những con tàu do Hợp tác xã Trung Kiên đóng đều được ngụy trang kỹ càng dưới hình thức tàu đánh cá của ngư dân và giao cho đoàn đánh cá sông Gianh do Tiểu đoàn 603 nguỵ trang.
Bám biển thời bình
Trong thời chiến, làng Trung Kiên là nơi làm ra những con tàu không số phục vụ cho cách mạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến thời bình, làng nghề Trung Kiên tiếp tục sứ mệnh của mình, liên tục sáng tạo, cải tiến chất lượng, áp dụng khoa học – kỹ thuật để sản xuất ra những con tàu phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ảnh: internet
Khi đóng tàu thuyền gỗ, trước hết phải căn cứ theo các bản vẽ chế tạo bộ xương của tàu. Dựng xong bộ xương thì tiến hành đóng tàu theo bản vẽ.
Theo các thợ đóng thuyền lâu năm ở làng nghề Trung Kiên, để tàu thuyền gỗ có độ bền chắc và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao phải trải qua nhiều công đoạn và cần đảm bảo các yếu tố:
Một là, sống chính ngoài phải là một cây gỗ hoàn chỉnh, càng dài càng tốt, được cây gỗ dài 13 - 14m là rất quý, nếu phải nối thì mối nối phải tránh chỗ bệ máy và hai đầu miệng khoang, kiêng nối nhiều đoạn (3 đoạn trở lên).
Hai là, sống chính trong phải chạy dài từ mũi đến lái, nối liền với các kết cấu xung quang sống mũi, sống đuôi.
Ba là, gỗ cong gian có góc tròn, phải dùng các gỗ cong thiên nhiên. Nếu thiếu gỗ cong phải dùng nhiều khúc nối lại với nhau, nhưng phải tránh gỗ ngang thớ. Hai cánh cong gian phải làm bằng cùng một loại gỗ để trọng lượng phân bố đồng đều, tàu thuyền khỏi bị nghiêng ngang.
Bốn là, ván bọc (vỏ thuyền) để ghép dọc theo khung tàu thuyền đòi hỏi phải cong hình vỏ đỗ và vặn ốp lên cả hai đầu mũi và đuôi thuyền, do đó phải dùng phương pháp đốt lửa hơ nóng gỗ và uốn ép gỗ khá đặc biệt.
Sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu thuyền, phải bào sửa để đảm bảo bộ cong đều và nhẵn. Tất cả các bộ phận lắp ghép, khe rãnh, ke hỡ, vỏ đều phải được xảm trét kỹ bằng sợi phoi tre trộn luyện với hố vôi hàu, dầu, nhựa thông pha chế theo đúng liều lượng qui định. Các đầu bu lông, đinh đều được quấn túp luyện với hồ hoặc bịt bằng nhựa đường nóng chảy rót vào.
Tàu thuyền sau khi xảm xong thì ít nhất cũng phải thui đốt phần vỏ tàu từ mớn nước trở xuống. Trước kia, tàu thuyền gỗ được thui đốt bằng bổi, lá thông… một tháng 1 lần. Nay người ta không thui đốt nữa, mà dùng sơn đặc biệt chống hà để sơn (một năm sơn 1 lần). Việc sơn vỏ thuyền chống hà được tiến hành cách 2 giờ trước khi hạ thuỷ tàu thuyền xuống nước, nếu sơn sớm hơn sẽ kém tác dụng.
Mỗi năm, làng nghề Trung Kiên hạ thủy 80-100 con tàu có công suất từ 46-1.200 CV, thu về trên 100 tỉ đồng. Ảnh: internet
Công đoạn cuối cùng là hạ thuỷ tàu thuyền. Thuyền được chuyển từ những căn gỗ xuống ngồi trên máng trượt và đà trượt để chuẩn bị hạ thuỷ. Khi hạ thuỷ, người ta đánh bật nêm ra, máng trượt được thả tự do sẽ trượt trên đà trượt có bôi trơn bằng mỡ công nghiệp, đem theo con thuyền xuống nước chỉ trong vài giây.
Mỗi năm, làng nghề Trung Kiên hạ thủy 80-100 con tàu có công suất từ 46-1.200 CV, thu về trên 100 tỉ đồng. Những đơn đặt hàng liên tiếp từ trong Nam, ngoài Bắc càng khẳng định sức sống bền bỉ của làng nghề này.
Năm 2006, xã Nghi Thiết vinh dự được đón nhận danh hiệu Đơn vị anh hùng, một thợ đóng tàu được phong tặng nghệ nhân. Nhiều cơ sở sản xuất được mở rộng quy mô, dần khẳng định được thương hiệu làng nghề trên thương trường.
Năm 2014, làng nghề đóng tàu Trung Kiên trở thành một trong số 6 làng nghề tiêu biểu Việt Nam và 1 trong số 7 làng nghề sản xuất kinh doanh giỏi của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt phát triển, làng nghề vẫn còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu khi nguồn nguyên liệu là những cây gỗ lớn ở Nghệ An đã không dồi dào như trước kia.
Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động cũng đang là trăn trở của làng nghề này. Uy tín, chất lượng của mỗi con tàu do làng nghề Trung Kiên làm ra giúp cho các cơ sở đóng tàu ở làng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi trong khi đó số lượng nhân công lành nghề ở làng không nhiều khiến các cơ sở lâm vào tình trạng thiếu thợ.
Với hơn 700 năm hình thành và phát triển, trải qua các thăng trầm lịch sử, cùng với nhiều khó khăn nhưng những người thợ của làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên vẫn kiên trì dẻo dai, cần mẫn duy trì nghề nghiệp cha ông.
Tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vẫn vang vọng cả một vùng cửa sông. Những thợ đóng tàu Trung Kiên vẫn đang ngày đêm hối hả hoàn thành nốt những đơn hàng để kịp bàn giao cho khách vào vụ lưới mới, để những con tàu tiếp tục ra khơi, bám biển, để góp phần xây dựng đất nước phát triển vững bền.
Lê Nữ Ngọc Quỳnh