Hạnh phúc là sẻ chia
Sinh ra và lớn lên ở bang Georgia, khi đến tuổi quân ngũ, Chuck Searcy đăng ký tham gia Lục quân Hoa Kỳ với thời hạn 3 năm. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn Tình báo quân sự 519 ở Sài Gòn từ tháng 6-1967 đến tháng 6-1968. Khi đó, trong suy nghĩ của mình, ông không có bất cứ hình dung nào về chiến tranh. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông đã cảm thấy lý do “ngăn chặn cộng sản” ở Việt Nam do Chính phủ Mỹ tuyên truyền chỉ mang tính xúi bẩy. Chiến tranh với những sự thật tàn khốc, chỉ đem lại chết chóc và hủy diệt đồng thời mang đến sự giàu có cho các tập đoàn kinh tế của Mỹ.
Ông Chuch Searcy thắp hương viếng mộ các liệt sỹ ở Nghĩa trang Trường Sơn
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tạo ra bước ngoặt, làm đảo lộn kế hoạch tác chiến của Mỹ cùng mục tiêu theo đuổi chiến tranh xâm lược. Biết bao người lính Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường, chưa kể con số thương vong do không quân Mỹ tiến hành các cuộc không kích tại miền Bắc. Điều đó chưa bao giờ là chiến thắng của nước Mỹ. Khi rời Sài Gòn vào tháng 6-1968, những ám ảnh đó vẫn day dứt khôn nguôi, ông đã tham gia Hội Cựu chiến binh phản đối chiến tranh.
Năm 1992, lần đầu tiên Church Searcy trở lại Việt Nam với tư cách là khách du lịch. Ông đã đi khắp đất nước hình chữ S, đến những khu vực giao tranh ác liệt năm nào, vẫn còn đó những hố bom chưa kịp san lấp. Chiến tranh qua đi nhưng nạn nhân chết vì bom mìn còn sót lại vẫn không ngừng gia tăng. Đối với chất độc da cam lại là thách thức lớn hơn vì nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Quyết tâm sang giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh đã hình thành trong suy nghĩ của ông từ thời điểm này.
Năm 1995, ông chính thức sang Việt Nam làm việc cho các dự án của cựu chiến binh Mỹ trong đó có Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Veterans For Peace). Không chỉ giữ vai trò Phó Chủ tịch VFP Chi nhánh 160, ông tham gia thành lập Dự án RENEW (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị) năm 2001. Sứ mệnh của Dự án còn bao gồm việc hỗ trợ gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Ông Chuch Searcy, tư vấn viên quốc tế và một số thành viên tham gia Dự án RENEW ở Quảng Trị
Đối với Chuck Searcy và nhiều cựu binh Mỹ, Di tích Nhà tù Hỏa Lò không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn để tìm hiểu cuộc sống của phi công Mỹ từng bị tạm giam tại đây mà còn là cầu nối đặc biệt, nơi truyền cảm hứng cho những ai quan tâm đến việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Vết thương đó có thể hiện hữu ở thể xác nhưng cũng có thể nằm sâu trong tâm hồn.
Trong những đoàn khách mà Chuck Searcy dẫn đi tham quan và giao lưu ấy có cả cựu binh từng tham chiến ở miền Nam, các phi công từng “tá túc” ở “Khách sạn Hilton Hà Nội” (Trại giam Hỏa Lò). Kiến thức sâu rộng về đất nước, con người Việt Nam đã được ông vận dụng khi giới thiệu cho du khách về cuộc đấu tranh bền bỉ, chưa bao giờ khuất phục của những tù nhân “tay không tấc sắt” trong Nhà tù Hỏa Lò. Qua sự hướng dẫn của ông, từng hình ảnh, hiện vật cũng trở nên sinh động, cuốn hút người nghe.
Buổi giao lưu giữa ông Chuch Searcy và đoàn du khách Mỹ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 8-11-2017
Hai phòng trưng bày về phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò (1964 - 1973) thu hút được sự quan tâm của các đoàn du khách bởi sự phong phú về tài liệu, hiện vật. Sự thật đằng sau bức ảnh nổi tiếng: “Quân và dân Hà Nội cứu Thiếu tá Hải quân John Sidney McCain khi nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch (Hà Nội), ngày 26-10-1967” do chính Chuch Searcy tìm ra.
Ngày 26-10-1967, khi ném bom Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội), máy bay của John S. McCain bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi. Trong lúc nhảy dù, viên phi công bị mắc kẹt và rơi xuống hồ Trúc Bạch. Đang lúc chới với và chìm dần, ông Mai Văn Ổn đã nhanh chóng lao xuống hồ cùng chiếc bè tre để cứu John S. McCain. Với sự trợ giúp của nhiều người khác, ông Ổn kéo viên phi công lên bờ. Sau khi được chữa trị khỏi những vết thương ở Viện Quân y 108, John S. McCain được đưa về “Khách sạn Hilton Hà Nội”.
Thời gian sau, rất nhiều người tự nhận đã cứu John S. McCain. Không quản ngại khó khăn, Chuck Searcy đi hỏi những người dân sống xung quanh hồ Trúc Bạch, quyết tâm tìm ra sự thật, một minh chứng cho truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Năm 1995, khi gặp Thượng Nghị sỹ John S. McCain tại buổi họp mặt các cựu quân nhân ở Washington, ông đã kể câu chuyện của ông Mai Văn Ổn và khẳng định điều đó là sự thực. John S. McCain cũng hứa gặp ông Ổn vào một thời điểm thích hợp.
Năm 1996, khi có chuyến thăm Hà Nội, giữ đúng lời hứa, Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ đã sắp xếp cuộc gặp với Chuck Searcy và ông Mai Văn Ổn. Lắng nghe ông Ổn kể lại chuyện cũ, John S. McCain gật đầu và nói rằng: “Cảm ơn ông rất nhiều”, đồng thời tặng ông Ổn chiếc móc chìa khóa - vật lưu niệm của Thượng viện.
Cùng với hướng dẫn tham quan, Chuck Searcy còn chia sẻ với du khách Mỹ những ký ức trong thời gian quân ngũ cùng sự khốc liệt ở chiến trường miền Nam năm 1967 - 1968.
Đã trở thành thân quen và cảm mến những cán bộ, nhân viên của di tích, ông còn đóng góp cho chúng tôi nhiều ý kiến đổi mới trưng bày và phát huy giá trị di tích.
Ông Chuch Searcy và một số đại biểu tham dự Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề "Tìm lại ký ức" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 29-11-2017
Qua nhiều lần trò chuyện với Chuch Searcy, chúng tôi cảm nhận tình yêu lớn lao ông dành cho đất nước, con người Việt Nam. Ông cũng luôn mong muốn tình yêu đó được lan tỏa, người dân Mỹ sẽ hiểu hơn về đất nước, con người nơi đây để chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và những khu vực còn chưa an toàn trên đất nước này, mặc dù chiến sự đã kết thúc hơn 40 năm.
Nguyễn Thị Sâm