Hang Pựn Pang và Lễ hội Mường Ham

Pựn Pang là tên gọi của một cái hang không lớn lắm, nằm trong tổng thể của khu vực diễn ra Lễ hội Mường Ham (trước đây còn gọi là Lễ hội hang Pựn Pang- Nang Ni) tại bản Mường Ham của xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Hang Pựn Pang và hang Nang Ni có vị trí cao thấp khác nhau nhưng đều cùng nằm chung trên một ngọn núi đá. Ngọn núi này là một trong số hàng chục ngọn núi đá quần tụ trong một không gian liên quan đến câu chuyện huyền thoại về Khủn Tinh, mọi người dân địa phương đều biết về câu chuyện huyền thoại này.

Là người dân Quỳ Hợp, lại không ở cách xa xã Châu Cường là mấy, nhưng lần đầu tiên tôi được biết về tên của hang Pựn Pang là thông qua đoạn giới thiệu trong cuốn “Địa chí huyện Quỳ Hợp” (PGS Ninh Viết Giao chủ biên, Nxb Nghệ An 2003): “Ngày xưa ở hang Pựn Pang, hàng năm sau Tết Nguyên Đán có lễ hội tương tự như Lễ hội hang Bua. Vào một năm, đang trong ngày lễ hội, tự nhiên đá lèn sập xuống, nhiều người bị chết. Từ đó lễ hội ở hang Pựn Pang không còn nữa, hang Pựn Pang trở thành một hang thiêng” (Trang 497). Đây có thể coi là tư liệu đầu tiên đưa thông tin về hang Pựn Pang một cách chính thức bằng văn bản chữ Quốc ngữ.

Cuối năm 2005, có một bài báo của tác giả T.T. đăng trên chuyên trang Miền núi - Dân tộc của Báo Nghệ An cuối tuần. Nội dung bài viết cơ bản cũng giống như phần thông tin đã được nêu trên đây, tất nhiên là chi tiết hơn và có đăng cả bức ảnh chụp phần phong cảnh ở cửa hang. Điều đáng chú ý là tác giả đã giải nghĩa tên gọi “Pựn Pang” theo cách hiểu trong tiếng Thái: “pang” nghĩa là “cái vung” và “pựn” là “cái nền”- “Pựn Pang” nghĩa là “cái vung úp bên ngoài cửa hang, tựa xuống nền đất”.

Hang Pựn Pang - Nang Ni trong Lễ hội Mường Ham gắn với huyền thoại Khủn Tinh (Ảnh: TL)

Đầu xuân Bính Tuất 2006, được phép của Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Quỳ Hợp, UBND xã Châu Cường lần đầu tiên khôi phục lại Lễ hội hang Pựn Pang- Nang Ni. Ngoài việc giới thiệu các cứ liệu liên quan đến Lễ hội này như sự tích tên gọi Mường Ham, các chuyện lịch sử gắn với nhân vật Tạo Nọi, Tạo Mường; truyền thuyết về Khủn Tinh và động Nang Ni...; cũng không thể thiếu một đoạn văn bản của Ban sưu tầm soạn thảo. Đó là văn bản đề ngày 26-01-2006 về lịch sử lễ hội có chữ ký ghi nhận của các già làng, trưởng bản và cán bộ chủ chốt của xã, thì phần giới thiệu về hang Pựn Pang được viết như sau: “Tạo Mường hay còn gọi là Tạo Khủn Pang. Tạo Mường là người khai phá và cai quản cả mường lớn Quỳ Châu xưa gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong hiện nay. Theo chuyện kể rằng: vào một buổi sáng Tết Nguyên Đán, Tạo Mường cùng đoàn tuỳ tùng cưỡi voi, cưỡi ngựa đi xem dân Mường đón tết vui xuân qua nơi đây và thấy có hang động đẹp, ông cùng quân lính vào thăm hang động và nghỉ chân qua đêm ở đây, sau này đặt tên cho hang động này thành hang Pựn Pang (nghĩa là lấy tên Tạo đặt cho hang là “Pựn Pang”).

Trong các câu chuyện vui dân gian khuyết danh và không có văn bản chính thức, cả bằng chữ Thái lẫn chữ Quốc ngữ, lại có thêm những kiểu lý giải khác: i, Chữ “Pựn Pang” khi được nói lái sẽ nghe ra thành “Pạn Pưng”. Trong tiếng Thái, chữ này mang nghĩa là “bạn bè”. Cách giải nghĩa này rõ ràng là nhằm nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của tục vui chơi hội hang, gắn việc đi trảy hội chơi hang nhân dịp đầu xuân với sự gặp gỡ, hội tụ quây quần của bạn bè, thanh niên nam nữ. Thực tế cho thấy, trong các buổi hát “xuối nhuôn” giao duyên của trai gái ở các bản các mường đến vui hội hang, mỗi khi nhắc đến tên hang “Pựn Pang” họ thường hát thành “Pạn Pưng” và cố ý phát triển nghĩa của tên hang theo hướng này, mời gọi bạn bè cùng tham gia vào cuộc hát giao duyên để ai nấy cùng vui vẻ; ii, Chữ “pựn” vẫn được mang nghĩa là ‘cái nền”, và “pang” vẫn mang nghĩa là “cái vung”, nhưng “pựn pang” lại được hiểu thành “cái vung treo (lơ lửng) trên nền”- hình ảnh này mang một tín hiệu cảnh báo hoặc thậm chí là hài hước. Rất có thể cách hiểu này xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt của luật tục chơi hang. Bởi theo luật tục truyền lại từ xa xưa, người dân đến chơi hội hang có thể thể hiện tình cảm yêu đương trong phạm vi “tín ngưỡng phồn thực” (tạm hiểu là như thế) thể hiện rõ nét thông qua lễ “mở cửa hang” với lễ vật là hai con cá nướng được đặt quay lưng vào nhau, và sau khi hết hội ra về ai cũng phải gạt bỏ tất cả mọi tình cảm vấn vương lưu luyến.

Nhà thờ Tạo Nọi trước cửa hang Pựn Pang (Ảnh: dantri.com.vn)

Như vậy là đã tồn tại nhiều cách lý giải khác nhau đối với ý nghĩa của tên gọi “hang Pựn Pang”, trước tiên chưa thể khẳng định được ý nào là đúng, ý nào là sai. Còn nếu như muốn lựa chọn một trong những ý đó thì phải có sự thận trọng cần thiết cũng như không thể thiếu việc tham khảo ý kiến của người dân địa phương, nhất là các vị già làng. Phải thú thực rằng, khi tìm hiểu về các giá trị của Huyền thoại Khủn Tinh, chúng tôi đã cố công để xem thử may ra có một cách giải thích hoặc cứ liệu nào khác liên quan đến tên gọi này không, nhưng mãi vẫn chưa có kết quả.

Nếu để tâm đến tất cả các cách lý giải vừa nêu, và gạt bỏ đi cái nghĩa đen đơn thuần trong câu từ tiếng Thái (“pang” là ‘cái vung”) thì sẽ thấy được sự liên quan của tạo Khủn Pang trong tên gọi của hang là rõ nhất. Vậy, tạo Khủn Pang là ai, và có liên quan gì đến huyền thoại “Khủn Tưởng- Khủn Tinh” không?

Trong 3 văn bản viết về huyền thoại “Khủn Tưởng- Khủn Tinh”, không có văn bản nào nhắc đến tên của tạo Khủn Pang! Thế rồi việc tìm hiểu cứ liệu về tên của tạo Khủn Pang đã nhanh chóng sáng tỏ một cách tình cờ. Đó là dịp chúng tôi gặp được già Hiền, 71 tuổi, ở bản Tồng Huống, Châu Quang. Già Hiền vốn rất thích đàm đạo về “nhuôn, xuối” và ‘lai- tay” nên nhất quyết mời bằng được chúng tôi vào nhà, “nói vài câu cũng được!”- già bảo thế. Lúc vui chuyện, chúng tôi giới thiệu với già Hiền bản phiên âm tiếng Thái “Khủn Tưởng- Khủn Tinh” được dịch từ chữ Thái hệ lai- tay. Già Hiền mắt còn nhìn rất tỏ, không cần đeo kính, giở ngay đoạn “lai” mà già thích nhất, đó là đoạn miêu tả vẻ đẹp của con hươu vàng đã khiến tạo Khủn Tinh mê mẩn, phải lần theo... Theo sự giải thích của già Hiền, tạo Khủn Pang chính là cha của tạo Khủn Tưởng, là ông của tạo Khủn Tinh. Xét trong không gian chung của khu vực Lễ hội Mường Ham, đã có những di tích nhắc nhở về Khủn Tinh, về Nang Ni..., thì có thêm một sự nhắc nhở về cụ Khủn Pang (thông qua lịch sử tên gọi hang Pựn Pang) xem ra có vẻ hợp lẽ hơn cả. 

Bà cháu cùng chụp ảnh lưu niệm trong lễ hội Mường Ham (Ảnh: dantri.com.vn)

Cuộc gặp gỡ tình cờ với già Hiền, một người quan tâm nhiều đến “nhuôn, xuối”, “lai- tay”... đã tạo một sự tự tin nhất định để chúng tôi có đủ kiên nhẫn chờ đợi thêm những cứ liệu làm phong phú hơn cho ý nghĩa trong tên gọi của hang Pựn Pang, một cái hang sẽ còn mãi mãi gắn bó với Lễ hội truyền thống văn hoá Mường Ham...!

Ngọc Tuân

Top