Hang chùa Bụt Cao Quảng
Hang chùa Bụt nằm trong hòn lèn Bụt, so với mực nước biển, lèn Bụt cao trên 1000m, quanh năm cây cối phủ kín xanh tốt. Nếu đứng từ xa theo hướng Đông nhìn tới, lèn Bụt có thế tựa ông bụt đang ngồi thiền, có lẽ vì vậy mà nhân dân gọi là lèn Bụt, lâu dần thành quen, cái tên ấy tồn tại mãi cho đến bây giờ.
Theo nhiều nguồn tư liệu, hang chùa Bụt có từ khoảng giữa thế kỷ 19. Ngày đó, vùng đất Cao Quảng bây giờ chỉ là thung lũng hoang vắng, không có người sinh sống. Cho đến khoảng đầu thế kỷ 19, chế độ hà khắc của thực dân phong kiến đã đẩy cuộc sống của người dân các vùng Tuyên Hóa, Quảng Trạch ngày càng khốn đốn, bần cùng không lối thoát, buộc họ phải rời bỏ xứ sở, đi tìm những vùng đất mới để lánh nạn và sinh sống. Họ đi dần về phía Tây và nhận thấy vùng đất thung lũng này vừa kín đáo mà đất đai lại màu mỡ nên quyết định dừng chân, khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp và cái tên Cao Mại cũng ra đời từ đó. Tuy nhiên, giữa chốn rừng thiêng nước độc, cuộc sống của họ cũng gặp không ít khó khăn: thú dữ ngày đêm rình rập, bệnh tật hoành hành… đã khiến cho người dân lo lắng không yên. Để đối phó với thực tế đó, người dân nghĩ cách tìm đến thần linh, đức phật cầu mong được sự che chở. Họ cùng nhau cất chùa, dựng miếu làm nơi thờ cúng, gửi gắm ước nguyện tâm linh. Với thành ý và quyết tâm đó, chỉ sau thời gian ngắn, một ngôi chùa đã được dựng lên trên vùng đất cao ráo và có địa thế đẹp nhất thôn Tiến Mại (vùng đất đó ngày nay vẫn được gọi là Cồn Chùa), trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con Cao Quảng cũng như các vùng xung quanh.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng với việc ra sức đàn áp các phong trào khởi nghĩa, cũn đốt phá đình chùa vì cho rằng đây chính là nơi hoạt động bí mật của các cơ sở cách mạng, ngôi chùa tại thôn Tiến Mại cũng bị thiêu rụi.
Ít lâu sau, chính quyền làng xã và bà con nhân dân Cao Mại lại một lần nữa họp bàn cất dựng lại chùa. Nhận thấy hòn lèn Bụt giữa làng có hang động khá lớn, bên trong lại có dấu vết thờ cúng từ trước nên đã quyết định lấy hang động này làm chùa. Nhân dân tự nguyện góp của, góp công xây chùa. Chùa được xây cổng, bình phong và điện thờ. Những người thợ giỏi từ Hòa Ninh (Quảng Trạch) cũng đã được mời về tạc tượng. 6 pho tượng bằng gỗ được tạc khá công phu. Sau đó, làng đã mở hội 3 ngày 3 đêm để rước phật vào chùa. Chùa được đặt tên là “Cao Phong cổ tự”, nhân dân vẫn gọi bằng cái tên dễ nhớ là chùa Bụt. Hằng năm, vào các ngày rằm, nhất là rằm tháng 7 làng lập đàn chay để cúng tế, cầu siêu.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hang chùa Bụt được sử dụng làm nơi hội họp của các cơ sở cách mạng như Chi bộ Lê Trực, nhiều đồng chí cán bộ tiền khởi của Quảng Bình cũng đã có thời gian dài gắn bó với chùa Bụt như đồng chí Lê An - Bí thư Chi bộ Thanh Thủy- Ngọa Cương, đồng chí Trương Đạt...
Những năm sau này, với lợi thế vừa rộng rãi lại vừa kín đáo nên hang chùa Bụt đã được nhiều cơ quan của huyện Bố Trạch sử dụng làm trụ sở như Huyện ủy, UBND, Bưu điện… Công an Bố Trạch cũng từng sử dụng hang chùa Bụt làm nơi sản xuất vũ khí. Trong các năm từ 1944-1948, Trung đoàn 18 đã sử dụng chùa Bụt làm Trạm Y tế tiền phương…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất Quảng Bình trở thành “túi bom” của giặc Mỹ, không nơi nào không bị bom đạn cày xới. Lúc này, hang chùa Bụt không chỉ là nơi trú tránh bom đạn cho bà con nhân dân quanh vùng mà tại hang chùa còn diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ như chiếu phim phục vụ, biểu diễn văn nghệ tiễn chân con em lên đường ra tiền tuyến. Cuối năm 1963, tại hòn lèn Bụt đã ghi chiến công oanh liệt của nhân dân Cao Quảng. Đó là vào ngày 5-12-1963, 7 tên biệt kích của Mỹ nhảy dù xuống vùng Cao Quảng do thám các hoạt động của ta, tuy nhiên, với ý thức cảnh giác cao và tinh thần dũng cảm, mưu trí, quân và dân Cao Quảng được sự hỗ trợ của các đơn vị bạn đã tóm gọn 7 tên biệt kích, bước đầu đập tan âm mưu của chúng.
Ngày nay, trải qua gần 2 thế kỷ với biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, hang chùa Bụt vẫn tồn tại tuy không còn được vẹn nguyên như ban đầu, các hiện vật như tượng phật gỗ đã bị đánh cắp, các câu đối bằng chữ Hán viết trên bức tường trước cổng chùa cũng không còn rõ nét. Tuy nhiên, những sự kiện lịch sử đã diễn ra và ghi dấu tại hang chùa Bụt thì mãi trường tồn theo năm tháng. Với những giá trị có ý nghĩa lịch sử đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành các thủ tục cần thiết để xếp hạng di tích nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di tích đồng thời góp phần làm phong phú thêm nguồn vốn di sản quý giá của quê hương.
NGUYỄN THANH KHANG