Hai bài thơ Bác Hồ mừng Xuân Mậu Thân 1968

Cách đây đúng bốn giáp, mùa xuân năm 1968 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Mùa xuân năm đó Bác Hồ đã có hai bài thơ mừng xuân.

Bài thứ nhất: Đó là bài thơ như thường lệ, Bác viết cùng trong bức thư gửi chúc mừng đồng bào và chiến sỹ cả nước ngày 1-1-1968 (Tết Dương lịch). Biết rằng Tết Âm lịch năm đó Bác sẽ không ăn Tết ở nhà nên sáng ngày đầu tiên của Tết Dương lịch Bác đã đi thăm một số nơi vừa bị máy bay Mỹ đánh phá, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tổ chức tết cho nhân dân, chú ý quan tâm nhiều đến các gia đình bị nạn. Trong thư gửi đồng bào nhân dịp năm mới Bác đã điểm lại những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền trong năm 1967 và mong rằng năm 1968 quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Sau khi gửi lời cảm ơn và chúc mừng nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài, Người chúc năm mới đồng bào và chiến sỹ ta bằng bài thơ:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Và ngay buổi chiều ngày 1 Tết Dương lịch đó, do điều kiện sức khỏe nên Bác đã đi nước ngoài dưỡng bệnh. Đáp lời Bác và thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhân dân cả nước ta đã nhất tề đứng lên với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, để mùa xuân này “hơn hẳn mấy xuân qua.”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã diễn ra vào thời điểm rất bất ngờ đối với chính quyền Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Vào đúng thời điểm Giao thừa của Tết Âm lịch, và bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch. Đó là vào đêm ngày 30, rạng ngày 31-1-1968, tức là ngày Một Tết Mậu Thân, suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đã bất ngờ tấn công rộng khắp, đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và cơ quan đầu não của địch. Tại Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ,... đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm.

(Ảnh: TL)

Ngày Tết ở nước ngoài nhưng lòng Bác từng giờ từng phút hướng về đất nước chờ tin chiến thắng. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác sau này kể lại: Đêm Giao thừa năm đó Bác ít ngủ. 5 giờ sáng mồng Một Tết Bác đã ngồi bên bàn đón nhận tin chiến thắng từ trong nước báo sang. Cũng giờ phút đó, được phép của Bộ Chính trị, đồng chí Thư ký thay mặt nhân dân cả nước kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Bác rất cảm động, sung sướng, và để ghi lại giây phút hạnh phúc đó Bác nói đồng chí Vũ Kỳ lấy giấy bút viết mấy dòng gửi về nhà. Bác đọc:

Đã lâu không làm bài thơ nào, (Bác nhắc đồng chí Thư ký đánh dấu phảy xuống dòng. Đồng chí Thư ký hỏi: Thưa Bác là thơ ạ? Bác đọc tiếp:

Nay lại thử làm xem ra sao, (phảy xuống dòng, Bác nhắc. Đồng chí Thư ký nghĩ: đúng là thơ rồi)

Lục mãi giấy tờ, vần chửa thấy,

 Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao! (Bác nhắc đánh dấu (!) ở chữ “Thắng” mà Bác gọi đó là “dấu chấm vui”.

Bài thơ của Bác chốt ở chữ “Thắng” và là “Bài thơ vần thắng” của Bác Hồ. Đó cũng là bài thơ thứ hai của Bác mừng xuân Mậu Thân 1968.

Cùng với bài thơ gửi về nước, ngày 4-2-1968, tức là ngày 4 Tết Mậu Thân, Bác gửi điện chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhân chiến thắng vang dội của quân dân miền Nam đầu xuân Mậu Thân 1968. Người nhờ Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận chuyển đến nhân dân và toàn thể lực lượng vũ trang miền Nam lời khen ngợi nồng nhiệt nhất. Người viết: “…Đồng bào, chiến sỹ cả nước ta một lòng, anh dũng và mưu trí, quyết chiến, quyết thắng, lại được cả loài người tiến bộ đồng tình và ủng hộ, chúng ta nhất định toàn thắng.”

Chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc một bản anh hùng ca bất diệt. Chiến thắng đó đã làm rung chuyển nước Mỹ, làm cho  phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lên cao. Trong tình thế đó Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận nhượng bộ để có thể chấm dứt chiến tranh trong danh dự. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là bước nhượng bộ rất lớn của Mỹ. Và ngày 10-5-1968, cuộc đàm phán đã bắt đầu được thực hiện tại Pari, Thủ đô nước Pháp.

Với những ý nghĩa đó, mùa xuân Mậu Thân 1968 đã thực sự trở thành mùa xuân đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc ta nói chung và đặc biệt là lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước nói riêng - một mùa xuân “Hơn hẳn” những mùa xuân trước đó. Nói về ý nghĩa của chiến dịch Mậu Thân 1968, trong bức điện gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Bác Hồ viết: “Thắng lợi đầu xuân của quân và dân miền Nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến một tình thế mới rất có lợi! Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai.”

Đó cũng là ý nghĩa những vần thơ “Thắng” của Bác Hồ ca ngợi chiến công oanh liệt của chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, vào thời khắc Giao thừa năm mới Mậu Thân 48 năm trước.

Việt Hải

Top