Hà Nội xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng đến năm 2030
Điều ghi nhận đầu tiên, đó là cách xây dựng khôn ngoan, tạo nên một ngân hàng mở, có thể bổ sung và tăng giảm tùy thuộc vào thực tế qua từng năm đặt tên đường, phố và công trình công cộng, kể từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, và nó cũng mở, chờ Quyết định cuối cùng của Hội đồng nhân dân Thành phố. Cùng với quỹ tên là quỹ đường, phố, công trình công cộng là những thông số kỹ thuật chi tiết về cơ sở hạ tầng, dân cư…, tạo thuận lợi cho việc gá lặp tương thích giữa tên với đường, phố và công trình công cộng, đặc biệt là đối với quỹ tên danh nhân. Đương nhiên, việc quỹ đường phố và công trình công cộng so với quỹ tên đường, phố và công trình công cộng chưa hẳn đã trùng khớp về số lượng, nhưng những gì đã có, đều được thống kê, và làm được điều này, tổ thư ký phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan.
Gắn biển tên phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Báo Anninhthudo.
Điều ghi nhận thứ hai, đó là sự phân loại tương đối khoa học cho ngân hàng, qua những mục cụ thể: Tên địa danh lịch sử của Hà Nội; tên những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và Thủ đô Hà Nội, các dạng tên khác có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và của cả nước; Tên các di tích lịch sử văn hóa là Di sản Thế giới, di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp thành phố; Tên danh nhân. Với tên danh nhân, ngân hàng đã phân loại thành 4 nhóm: Danh nhân an ninh – quốc phòng tiêu biểu; Danh nhân Chính trị - cách mạng; Danh nhân kinh tế - khoa học kỹ thuật tiêu biểu; Danh nhân văn hóa - xã hội tiêu biểu.
Với cách phân loại này, ngân hàng đã quét được hầu hết các lĩnh vực, tạo nên một sự tương đối đầy đủ qua mỗi mục, mỗi nhóm, tranh thủ được ý kiến chuyên gia sâu trên mỗi lĩnh vực, theo đó là sự kết tinh, hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa, những danh nhân tiêu biểu… của cả nước và người nước ngoài có công với đất nước về với Thủ đô - trái tim của cả nước. Đây là đặc thù của Hà Nội và phần nào đó của những thành phố trực thuộc Trung ương, đã được tổ thư ký quán triệt và theo tôi là bước đầu có thành quả.
Tuy nhiên, đi sâu vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhóm, còn có những vấn đề chi tiết, cần phải điều chỉnh, ví như phong trào Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, những tên mang các nền văn hóa khảo cổ hay di chỉ khảo cổ học, những tên mang danh xưng các triều đại vua chúa… Có hay không những tên phố Ba sẵn sàng, Ba đảm đang? Có nên chăng tên các Tổng cần phải được khai thác để làm phong phú thêm cho ngân hàng? Còn những tên mang các nền văn hóa khảo cổ, những di chỉ khảo cổ học của Hà Nội cần phải chọn lựa sao cho điển hình, được nhiều người biết đến. Triều đại các vua, chúa cũng rất cần được cân nhắc…
Điều ghi nhận thứ ba, đó là việc tổ thư ký đã có sự nghiên cứu so sánh việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng ở một số quốc gia trên thế giới và một số thành phố lớn ở Việt Nam để so sánh với tình hình đặt tên của Hà Nội qua nhiều giai đoạn, bao gồm Paris, Washington DC, Moskva, Bang Kok, Bắc Kinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Đây là cách trình bày dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để bàn về những quan điểm đang đặt ra rằng, Hà Nội có nên hay không cách đặt tên đường, phố theo số. Vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau và nó còn phụ thuộc vào truyền thống văn hóa, thói quen, tính kế thừa và tính hệ thống… để có được một sự lựa chọn, bảo lưu cách làm xưa nay hay đổi mới.
Sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ nhân rộng làm biển giải thích tên đường, phố. Ảnh: Tiền phong.
Bài viết này, không đủ dung lượng để bàn sâu, theo đó, tôi xin được khất độc giả để trình bày ý kiến cá nhân cho bài viết sau, đầy đủ và kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, đề xuất của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, được sự đồng tình hưởng ứng của Hội đồng tư vấn rằng: “Căn cứ vào quy định hiện hành và nhu cầu thực tiễn về công tác đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao đề xuất trước mắt chỉ nên thực hiện việc đặt tên đường, phố theo dạng tên địa danh kết hợp với số và sửa đổi để ban hành mới quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho phù hợp với thực tế giai đoạn này”.
Đề xuất này, tức là, dựa trên Nghị định của Chính phủ, sẽ có những đô thị, những khu dân cư mang tên địa danh, trong đó có các đường, phố mang số, ví như Sa La I, Sa La II, Vạn Phú I, II, v.v và v.v. Quỹ ngân hàng tên để đặt tên đường, phố và các công trình công cộng đến năm 2030 và những năm tiếp theo còn nhiều vấn đề chi tiết khác mà bài viết này không thể đề cập hết. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao về tính khoa học, tính thực tiễn và sự phù hợp của dự án này với Thủ đô Hà Nội, cho dù còn cần đến một sự điều chỉnh trên một vài chi tiết để Quỹ ngân hàng sớm phát huy tác dụng, khi nhu cầu của cộng đồng, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội ngày một gia tăng trong những thập kỷ tới.
TS PHẠM QUỐC QUÂN