Hà Nội mở đầu đề nghị xét công nhận tài liệu lưu trữ quý hiếm

Số báo tháng trước, tôi đã đề cập tới kế hoạch “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020” với khá nhiều đối tượng cần sưu tầm. Cuối tháng 4 năm 2017 vừa qua, một trong những đối tượng ấy đã bước đầu được nghiệm thu và đề nghị xét công nhận tài liệu lưu trữ quý hiếm, đó là Đạo sắc phong. Tôi cho đây là sự mở đầu đúng hướng và đáng ghi nhận, vì loại văn bản này của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có khá nhiều, trong đó chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và chúng có chất liệu vô cùng mong manh, dễ bị phá hủy do thời gian và thời tiết nóng ẩm và đang là một trong những đối tượng săn lùng của những người sưu tầm cổ vật thiếu ý thức.

Sắc phong tại các đình, đền, miếu… là một dạng văn bản hành chính của chính quyền phong kiến trung ương tập quyền ban cho Thành hoàng làng và các thần linh khác. Sắc phong khẳng định sự hiện diện của thần linh được tôn thờ là chính thống, được Triều đình công nhận. Việc phong sắc cho thần linh chính là sự gián tiếp cai trị của Triều đình đối với cộng đồng làng xã. Thành hoàng làng hay thần linh chính là ông vua của cộng đồng làng xã. Ông vua này thay mặt ông vua trên Triều đình để cai trị thần dân về mặt tinh thần. Bên cạnh những đạo sắc phong của Triều đình ban cho Thành hoàng làng, thần linh của cộng đồng làng xã thì còn có sắc chỉ của Triều đình ban cho các quan lại để ban chức tước, điều động công việc, luân chuyển quan chức hoặc ban khen cho cộng đồng nào đó có công lao.

Đạo sắc phong cơ bản gồm hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tước, thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được lưu giữ trong các gia đình hoặc nhà thờ họ. Loại thứ hai, dùng để phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (Thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã, do đó, thường được cất giữ tại đình, đền, miếu.

Về hình thức, trên mỗi đạo sắc phong, dấu ấn uy quyền của các vị vua cai trị được thể hiện khá rõ.

Buổi tọa đàm sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 dạng: Thượng đẳng thần xung quanh in hoa chanh, phía trước vẽ rồng, ở giữa in hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng). Trung đẳng thần, mặt trước giống như sắc phong Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ Lá và Bầu rượu, giữa vẽ chữ “Thọ” liền nhau, gọi là “Song thọ”. Hạ đẳng thần, mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.

Nghệ thuật trang trí sắc phong in đậm dấu ấn tạo hình của từng thời kỳ lịch sử tương ứng. Họa tiết nền, màu sắc, thư thể trên các sắc phong hết sức phong phú và đa dạng. Có những sắc phong trang trí hoa văn đường nền là các hình học, hoa chanh, tay leo, hồi văn chữ “vạn” (卍), quy bối (mai rùa), kỷ hà (hình học)… Đặc biệt là hình rồng chủ đạo trên nền sắc phong, chúng luôn mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của từng triều đại.

Quy cách sắc phong cho chúng ta biết về thời kỳ ban sắc thông qua cách khởi đầu một sắc phong, quy cách viết, chữ kiêng húy, cách kết thúc, cách chép dòng niên đại, quy cách đóng ấn triện. Ví như, ở cuối sắc phong thời Lê, thường có hai chữ “cố sắc” (vì thế ban sắc), còn thời Nguyễn là hai chữ “Khâm tai” (kính cẩn).

Thư thế trên sắc phong cũng là một nguồn tư liệu có ý nghĩa vì đây là loại chữ được viết trực tiếp bằng bút lông trên giấy hoặc vải.

Đôi ba dòng giới thiệu về sắc phong để thấy được giá trị lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ của loại văn bản này. Nghiên cứu chi tiết, chúng ta càng thấy mỗi đạo sắc đều có những giá trị riêng biệt, theo đó, Hà Nội đã lấy đây như là một nguồn tài liệu lưu trữ quý hiếm, là hoàn toàn có cơ sở. Và, mở đầu cho kế hoạch sưu tầm dài hơi ấy là Đạo sắc phong, thiết nghĩ cũng là bước đi thích hợp.

Sự mở đầu có cơ sở và thích hợp của Hà Nội đối với loại văn bản này chính là khối lượng đồ sộ của chúng. Mới chỉ có 5 quận, huyện của Thành phố, đó là quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Phú Xuyên, huyện Sóc Sơn và huyện Thanh Trì, đã có 211 đạo sắc. Theo báo cáo của Chi cục Văn thư - Lưu trữ Sở Nội vụ Hà Nội, đánh giá về nội dung tài liệu này, chúng có giá trị đặc biệt về lịch sử, phản ánh quá trình phát triển của các triều đại qua các thời kỳ lịch sử, đánh dấu những bước phát triển về tư tưởng, tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc, phản ánh lịch sử tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ. Về hình thức của tài liệu, chúng được thể hiện trên chất liệu mang tính độc đáo - giấy xuyến chỉ, được sản xuất tại làng Nghè, tên Nôm của Nghĩa Đô, Hà Nội ngày nay và chúng được viết bằng hai loại chữ Hán và Nôm. Tất cả các Đạo sắc đều viết bằng tay, có giá trị độc bản.

Ngoài những giá trị trên đây, nghiên cứu về các Đạo sắc, chúng còn cho chúng ta biết nhiều về lịch sử các vị thần, lịch sử tên gọi các làng xã qua các thời, sự chuyển biến văn tự qua các triều đại phong kiến, sự thay đổi phong cách nghệ thuật trang trí qua hoa văn trên Đạo sắc v.v. và v.v.

Như vậy, giá trị của các Đạo sắc qua phân tích ngắn gọn trên đây, độc giả đã phần nào thấy rõ. Tuy nhiên, phải chờ đợi khối tư liệu ấy được khai thác trên tất cả các quận, huyện mới có thể tổng kết được giá trị toàn diện của chúng. Tuy nhiên, có một điều cần phải cảnh báo ngay rằng, chỉ mới 211 Đạo sắc tại 5 quận, huyện, đã có tới 21 Đạo sắc bị rách nát, mất nhiều chữ. Điều này đặt ra cho Thành phố, cùng các địa phương cần có phương án bảo quản, phục chế song hành với kế hoạch quy mô nêu trên, để loại văn bản này tiếp tục được trường tồn với thời gian.

TS Phạm Quốc Quân

Top