Hà Nội đi đầu trong chuẩn hóa thuyết minh viên trên lĩnh vực di sản văn hóa

Du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng khởi sắc với mức độ tăng trưởng khá cao. Đó là một tín hiệu đáng mừng, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, mong muốn du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành với thách thức. Thách thức với du lịch Việt Nam vô cùng nhiều và phức tạp, đặc biệt với đội ngũ thuyết minh viên còn vô cùng hạn chế về kiến thức lịch sử, di sản văn hóa.

Đó là chưa kể, những lực lượng thù địch muốn lợi dụng số ít đội ngũ này của nước ngoài để xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam, đem đến một sự hiểu biết sai lệch của du khách đối với đất nước chúng ta. Việc chuẩn hóa đội ngũ thuyết minh viên, bồi bổ kiến thức cho họ trên lĩnh vực di sản văn hóa, theo tôi là rất cần thiết vào thời điểm này – thời điểm tăng trưởng của du lịch nước nhà – thời điểm du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn như là một mệnh lệnh của Đảng, nhà nước và toàn dân đối với những người làm văn hóa - du lịch.

Trước yêu cầu ấy, ngành Văn hóa và Du lịch Thủ đô đã đi đầu trong việc chuẩn hóa thuyết minh viên bằng Kế hoạch số 61/KH-SDL ngày 16 tháng 8 năm 2016, được thể hiện cụ thể bằng việc nghiệm thu dự án vào đầu tháng 6 năm 2017 với nội dung đầy đủ và chính xác những di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, làng nghề, phố nghề…điển hình của Hà Nội. Đó là những điểm đến – nơi thu hút khách tham quan, được coi là đông nhất của địa phương này trong nhiều năm qua.

Thuyết minh viên di sản văn hóa.

Với địa bàn 22 quận, huyện, bao gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Xuân, Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Đình, Đống Đa, Đông Anh, Thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, các nhà nghiên cứu đã rút tỉa một số điểm, ví như quận Hoàn Kiếm có đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, nội dung thuyết minh tập trung giới thiệu tổng quan về Hồ Gươm, những truyền thuyết về hồ, đền Bà Kiệu, tượng đài, đền thờ Vua Lê, Tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Ngoài ra, nội dung thuyết minh còn chú ý tới phố cổ, phố cũ của Hà Nội, đền Bạch Mã - trấn Đông. Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng được đưa vào như một điểm đến hấp dẫn đối với du khách, cần có một nội dung thuyết minh chính xác. Ở quận Tây Hồ, các tác giả tập trung giới thiệu Hồ Tây và một số di tích nổi bật quanh hồ, đó là chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Tào Sách, chùa Tĩnh Lâu, phủ Tây Hồ, khu ẩm thực (trà sen, bánh tôm) và khu trồng hoa, đào, quất Nhật Tân. Huyện Phú Xuyên, giới thiệu làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, làng nghề đan Cỏ Tế, làng nghề da giầy. Những làng nghề này cần làm nổi bật về lịch sử làng, nghề cùng các di tích, như đền thờ tổ nghề khảm trai, chùa Bối Khê, các cơ sở sản xuất, nghệ nhân và doanh nghiệp tiêu biểu của làng khảm trai Chuôn Ngọ. Thế nhưng, ở làng nghề Cỏ Tế, bản thuyết minh lại quan tâm hơn tới lễ hội vinh danh làng nghề - tiêu biểu cho lĩnh vực văn hóa phi vật thể, sau đó mới giới thiệu đình làng, cơ sở sản xuất, nghệ nhân và doanh nghiệp tiêu biểu.

Đưa ra đôi ba ví dụ trên đây ở các quận, huyện để thấy rằng, những người thực hiện mong muốn có sự đa dạng hóa nội dung thuyết minh với những “đặc sản” của từng địa phương để tránh sự đơn điệu, nhàm chán. Mỗi nội dung được cô đúc, ngắn gọn, xúc tích và tương đối chính xác, dẫu rằng, đây đó còn có những sai sót, do khối lượng tư liệu giới thiệu về các di tích ở Hà Nội có quá nhiều sự vênh lệch, khiến người viết không biết dựa vào ai. Đây là một yêu cầu đòi hỏi sự thẩm định, nhuận sắc kỹ càng hơn từ dự án. Cũng có ý kiến cho rằng, nội dung mỗi bài thuyết minh còn quá sa đà vào việc miêu thuật kiến trúc di tích mà chưa lẩy ra được những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của mỗi di tích, khiến bản thuyết minh còn nặng nề, chưa đáp ứng được yêu cầu của quảng đại quần chúng -  những người khách tham quan phổ thông. Cũng có ý kiến đề nghị, cần phải bổ sung thêm những kiến trúc nhà hình ống, văn hóa phi vật thể, lối sống, nếp sống của cư dân…trong khi giới thiệu về phố cổ Hà Nội v.v. Đó là một số trong nhiều góp ý cho dự án này, mong muốn có được sự hoàn thiện và trọn vẹn hơn.

Tuy nhiên, còn một vấn đề thuộc về kỹ thuật của nội dung thuyết minh, đó là, một cấu trúc bài bản của một bản thuyết minh dành cho thuyết minh viên chưa đáp ứng được yêu cầu từ dự án. Tôi lại hoàn toàn nghĩ khác. Một cấu trúc có mở bài, có nội dung, có kết luận mà tôi thường được nghe từ những người giới thiệu bảo tàng, giới thiệu di tích, đa phần là thuộc lòng, đem đến sự lười biếng, kém sáng tạo của thuyết minh viên và đem đến sự phản cảm đối với người nghe, không đáp ứng được mọi đối tượng, mọi yêu cầu của khách tham quan. Theo tôi, thuyết minh chỉ cần cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, theo đó, thuyết minh viên tiếp thu để sáng tạo trong mọi tình huống, mọi điều kiện, mọi yêu cầu, miễn sao hấp dẫn, đáp ứng được sự kì vọng của khách tham quan. Xét trên yêu cầu kỹ thuật ấy, dự án nêu trên là đạt được mục đích, theo cách hiểu của tôi.

“Vạn sự khởi đầu nan”, theo đó, việc Hà Nội đi đầu và lần đầu tiên thí điểm nội dung chuẩn hóa thuyết minh viên trên lĩnh vực di sản văn hóa, hẳn không thể mỹ mãn và hoàn hảo ngay được. Và, sự mỹ mãn, hoàn hảo, ngoài tính chuẩn xác, khoa học về nội dung, còn do cách hiểu của mỗi người và còn do mục đích và yêu cầu của cơ quan đặt hàng, theo đó, tôi đánh giá cao về sự tiên phong của Hà Nội trên lĩnh vực này và tôi cũng đánh giá cao sự dấn thân của các nhà nghiên cứu văn hóa tham gia trong dự án còn hết sức mới mẻ này. Đừng quá cầu toàn để chẳng làm được điều gì, khi Hà Nội còn rất nhiều điểm cần làm để đáp ứng được yêu cầu du lịch phát triển ngày một tăng của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

TS Phạm Quốc Quân

Top