Hà Nội: “Đánh thức di sản bằng công nghệ”
Du khách quét QR code tiếp nhận thông tin hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khi công nghệ “chạm” tới di sản
Cách đây 5 năm, khi chàng trai 9x Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Reality 3D-VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) đã khiến giới chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước phải giật mình. Bằng công nghệ VR3D, Nguyễn Trí Quang đã tái hiện lại một cách chân thực, sắc nét và sống động hình ảnh Di tích quốc gia đình Tiền Lệ, giúp người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích hoặc đi sâu vào tham quan, tìm hiểu ngôi đình trong không gian 3 chiều. Cái hay là ở chỗ, công nghệ này đã giúp các nhà quản lý, tu bổ có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Nhờ đó, những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh. Có thể coi đây là một “hàng rào” kỹ thuật ngăn tình trạng trùng tu di tích ẩu đã diễn ra khá nhức nhối thời gian qua.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, du khách dường như bị “giam chân” giữa 4 bức tường, phải hạn chế đến những nơi công cộng. Tuy thế, việc tham quan, tìm hiểu các di tích, điểm du lịch vẫn có thể được tiến hành ngay tại nhà. Chỉ với 1 chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, du khách có thể truy cập vào website https://dongda360.vn để tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Gò Đống Đa, đình Kim Liên, Bích Câu đạo quán, Pháo đài Láng… hay được đắm mình trong không gian của Lễ hội chùa Láng, Lễ hội gò Đống Đa, Lễ hội đình Trung Phụng... Tất cả đều được thể hiện sinh động trên nền tảng công nghệ thực tế ảo 360o, giúp người xem có thể tìm hiểu một cách trực quan về các di tích theo nhu cầu và sở thích của mình.
Du khách trải nghiệm tham quan hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn huyện Đan Phượng bằng nền tảng công nghệ thực tế ảo
Hiện nay, nhiều địa phương và các điểm đến du lịch, di tích lịch sử tại Hà Nội đã bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn di sản dựa trên nền tảng công nghệ số như: Huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm, Làng cổ Bát Tràng, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long… trong đó nổi bật hơn cả phải kể đến Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 khiến di tích quốc gia này phải đóng cửa, tạm dừng đón khách cả năm trời, nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có một bước tiến dài trong việc áp dụng công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đầu năm 2020, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật. Chưa bằng lòng với những kết quả đó, các cán bộ của Trung tâm còn nỗ lực nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm công nghệ 3D mapping nhằm mang lại “bữa tiệc” về âm thanh và ánh sáng, qua đó kể lại cho du khách câu chuyện về ngôi trường đại học đầu tiên của đất nước, về truyền thống khoa cử và những danh nhân văn hóa như thầy giáo Chu Văn An hay hệ thống bia tiến sĩ - nơi lưu danh những người đã đỗ đạt trong các kỳ thi, làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Nhiều du khách được xem buổi trình chiếu thử nghiệm hồi tháng 11-2021 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phải trầm trồ tán thưởng trước sự đột phá này. Ngoài ra, du khách cũng lần đầu tiên được trải nghiệm hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế…
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trên là một phần nằm trong Đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 mà trung tâm đề xuất với thành phố Hà Nội. Theo đó, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề án để khi dịch Covid-19 được kiểm soát và hoạt động du lịch được khôi phục trở lại, đây sẽ là những “công cụ” hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng sản phẩm tour đêm nhằm thu hút du khách đến với di tích, song song với đó là lan tỏa giá trị di sản, góp phần bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt này.
Thổi sức sống cho di sản bằng công nghệ
Đánh giá cao hiệu quả mà công nghệ số mang lại cho công tác bảo tồn di sản, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội DSVH Việt Nam) cho rằng: Việc số hóa di sản giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả của phương pháp truyền thống. Ngoài ra, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...
Trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, lượng thông tin, các số liệu vật chất của di sản đóng vai trò quan trọng và cần được lưu giữ đầy đủ, chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, giám sát công tác bảo vệ cũng như trùng tu, tôn tạo di tích. Nguồn tư liệu này càng cụ thể bao nhiêu càng tránh được tối đa nguy cơ trùng tu ẩu, làm sai lệch các giá trị của di sản bấy nhiêu. Vì thế, việc số hóa di tích sẽ là “hàng rào” kỹ thuật quan trọng để bảo vệ di tích. Bày tỏ quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa là hướng tới việc áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại nhất để kéo dài tuổi thọ của cái vỏ vật chất có chứa thông tin di tích… Tuy nhiên, phần vỏ vật chất chứa đựng thông tin sớm hay muộn cũng sẽ tự hủy hoại theo quy luật tự nhiên. Trong khi đó, các dạng thông tin về giá trị di tích được lưu trữ dưới dạng các tập hồ sơ khoa học cũng có khả năng gặp rủi ro, thất lạc, mất mát hoặc hỏa hoạn. Do đó, vấn đề lưu trữ thông tin về di sản văn hóa dưới dạng số hóa là cách an toàn và hiệu quả hơn cả cho việc khai thác và phát huy giá trị di sản”.
Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di sản được các nhà chuyên môn đánh giá là xu hướng của tương lai. Nói như TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm: “Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ. Việc số hóa di sản bằng công nghệ chính là cách thổi sức sống vào di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng...”. Từ quan điểm này, rõ ràng là bên cạnh những nỗ lực bảo tồn di sản, chúng ta cũng luôn tìm cách để phát huy giá trị trong đời sống đương đại, để di sản được bảo vệ và có khả năng mang lại nguồn lực kinh tế, góp phần tái đầu tư cho di sản. Để làm được điều đó, chỉ có cách gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch để thu hút khách đến. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào các di tích sẽ giúp du khách có thể tham quan, trải nghiệm dễ dàng theo nhiều hình thức, trong đó việc hạn chế tiếp xúc là ưu điểm nổi bật của hình thức du lịch “không chạm” có được nhờ công nghệ. Đấy cũng là cách để du lịch và di sản đồng hành, cùng nhau phát triển trong bối cảnh mới. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương: “Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó”.
Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ - mặc dù là thành tố quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện. Việc bảo tồn di sản trong giai đoạn hiện nay vẫn cần được quan tâm đến nội dung bởi đây mới là yếu tố cốt lõi của di sản. ThS Trương Quốc Toàn, Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho rằng: “Nếu tập trung quá vào công nghệ mà xem nhẹ nội dung thì không khác gì mua một máy chiếu phim thế hệ mới nhất về chỉ để xem những bộ phim đen trắng. Vì vậy, yếu tố then chốt quyết định sức hấp dẫn của các dịch vụ và trải nghiệm khi ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 chính là nội dung thông tin và cách thức thể hiện. Muốn vậy, cần phải đặt khách tham quan vào vị trí trung tâm để tìm ra cách thức thể hiện thông tin, kiến thức vốn mang tính hàn lâm có thể trở nên dễ hiểu hơn, để họ có được những trải nghiệm trọn vẹn và muốn quay lại”.
Trong xu thế hiện nay, khi du khách có nhu cầu trải nghiệm theo hướng ngày càng “thông minh”, việc áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Đấy cũng sẽ là cách để di sản “sống” trong đời sống đương đại và tương lai.
Bài và ảnh: LINH TÂM