Gợi nghĩ về tiềm năng di sản gắn với phát triển du lịch ở Lý Sơn, Quảng Ngãi

Tôi đã đến Lý Sơn nhiều lần, nhưng hờ hững và thoáng qua, như bao khách vãng lai, khi những lần ấy, Lý Sơn chưa cho tôi nhiều ấn tượng và nhiệm vụ của những chuyến đi buộc phải vội vã trở về. Thế nhưng, lần này, đi với các chuyên gia nghiên cứu địa chất và văn hóa trong và ngoài nước, để chuẩn bị hồ sơ cho công viên địa chất toàn cầu, theo đó, thời gian rộng dài hơn, mục đích rõ ràng hơn, với những cuộc thăm hỏi hồi cố, ghi chép trực tiếp từ những người dân đảo chất phác, vô cùng mến khách, nên đã thu được kha khá tư liệu mà bài viết này xin trích ra đôi điều trong số ấy, dưới góc độ tiếp cận di sản văn hóa gắn với du lịch.

Huyện đảo Lý Sơn có tên gọi Cù Lao Ré, nằm chếch phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, mất khoảng gần hai giờ tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ sẽ tới nơi, nếu là những ngày sóng êm, biển lặng. Huyện có diện tích 10km2, gồm hai đảo hợp thành: Đảo Lớn (Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao bờ bãi). Huyện có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình, với tổng số dân khoảng 23.000 người, tập trung chủ yếu ở Đảo Lớn.

Đến với Lý Sơn vào những lần trước, tôi tưởng đâu, tỏi là cây trồng lâu đời của huyện đảo này với 300 ha canh tác. Thế nhưng, đó không phải là cây trồng truyền thống. Hồi cố của những người già cho hay, tỏi được du nhập vào Lý Sơn khoảng nửa đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Người Lý Sơn mạnh về trồng lạc, vừng, đay… để phục vụ cho nhu cầu buôn bán đối với những thương thuyền, cũng của chính những người dân đảo, vượt biển đến những thị trường xa, trao đổi buôn bán. Lúa nước có diện tích khiêm nhường, chủ yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày. Giờ đây, vết sót của nghề buôn còn đọng lại qua 28 ngôi nhà rường cổ mà rất nhiều người lầm tưởng đó là di sản định cư của dân biển đảo. Lưu ảnh của ngôi làng nông nghiệp còn đọng hằn qua cấu trúc nhà ở. Tất cả đều quay lưng ra biển, có cổng và vườn bao quanh, giống như bao làng quê nông nghiệp khác của Việt Nam. Kinh tế biển, với thế mạnh là đánh bắt hải sản xa bờ, dường như cũng đã bị teo tóp do nguồn lợi bị cạn kiệt, bởi lối săn tìm tận diệt của người nông dân làm ngư nghiệp bất đắc dĩ, khiến sự phát triển bền vững của cả hai đều không còn lợi thế ở địa phương này. Mặc dầu vậy, hiện tại, kinh tế biển vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế của huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn.

Đến với Lý Sơn lần này, tôi lại thấy kinh tế du lịch khởi sắc hơn, qua những câu chuyện của lãnh đạo địa phương, qua quan sát từ những người dân đảo đang chuyển đổi cách làm ăn và qua lượng khách đến ngày một đông. Du lịch Lý Sơn đang chuyển mình, đầy tiềm năng và hứa hẹn, nhưng cũng không ít thách thức phải đương đầu. Nếu vượt qua, chắc chắn du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà những bài học từ Cô Tô, Cát Bà, Phú Quốc, Thổ Chu…, hẳn sẽ là kinh nghiệm đối với huyện đảo.

1. Tiềm năng di sản văn hóa

Huyện đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi lửa đã tắt, gồm núi Thới Lới, núi Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai, được hình thành do sự phun trào nham thạch của núi lửa cách đây khoảng 25 - 30 triệu năm. Địa hình núi lửa chiếm tới 70% diện tích huyện đảo. Cũng do cấu tạo địa hình núi lửa, nên ở đây có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp: vách đá, hang động, cổng đá và bãi đá…chứa đựng nhiều huyền tích hấp dẫn. Tiêu biểu nhất là các di tích miệng núi lửa có dạng hình phễu, dốc  thoai thoải với những bậc đá tựa như hàng ghế ngồi trong sân vận động Olimpic của nền văn minh Hy - La cổ xưa. Bên cạnh đó là “cổng tò vò” - một kiến tạo tự nhiên từ núi lửa hay những ruộng bậc thang nhân tạo của những cánh đồng tỏi, được xếp bằng những viên đá phun trào, tạo nên phong cảnh quyến rũ của một Đồng Văn, Mù Căng Chải, Mã Pĩ Liềng thu nhỏ, giữa đảo xa.

Còn rất nhiều, rất nhiều thắng cảnh kỳ vĩ của tự nhiên ở huyện đảo này đang được làm hồ sơ cho một công viên địa chất toàn cầu, sẽ được kết nối với nhau và với các di sản văn hóa trên đảo cùng với xã Bình Châu - duyên hải, nơi “chôn nhau cắt rốn” của lớp cư dân muộn Lý Sơn, cùng vô số những di sản tự nhiên và văn hóa đang còn ngủ yên, chưa được đánh thức.

Cổng Tò Vò. Ảnh: Internet

Bên cạnh di sản thiên nhiên, huyện đảo Lý Sơn còn đậm đặc di tích lịch sử văn hóa, đã tạo nên cho nơi đây một quần thể vừa độc đáo, vừa đa dạng. Với diện tích 10km2, huyện đảo Lý Sơn có 56 di tích. Như vậy, 1km2 có 5 di tích. Đó là một mật độ hiếm nơi nào có được trên đất liền, nói chi tới những hòn đảo xa bờ.

Những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã tạm chia di sản văn hóa Lý Sơn thành những loại hình sau đây:

- Di tích khảo cổ học, ngoài báo dẫn về di tích Hậu kỳ đá cũ, cách đây 30 vạn năm, thì Lý Sơn còn hai di tích, được khai quật và nghiên cứu cho tới nay, thuộc văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng. Đó là Xóm Ốc và Suối Chình, có niên đại cách đây khoảng 3000 - 2500 năm, với nhiều di tồn văn hóa của cư dân biển đảo nằm trong tầng văn hóa mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện. Đây có thể coi là lớp cư dân đầu tiên ra khai thác và sinh sống ở Lý Sơn.

- Lớp cư dân tiếp theo là Chăm Pa, với khá nhiều dấu tích, có niên đại sớm, cách ngày nay khoảng 2000 năm và kéo dài tới tận thế kỷ 16 - 17. Dấu ấn để lại rõ nét nhất là các đền thờ Nữ thần Thiên Y Ana, đền thờ Thần bò Na Đin. Dưới nền chùa Hang - nay là chùa thờ Phật của người Việt, còn nhiều di vật Chăm Pa và rất nhiều trong số đó đã được sử dụng lại, làm ban thờ cho Phật điện. Đó là các bệ thờ của cư dân Chăm bằng đá cát, có hoa văn trang trí đặc trưng của nghệ thuật Chăm Pa thế kỷ 13, 14.

- Lớp văn hóa kế tiếp là của người Việt. Đó là lớp cư dân ra khai khẩn, lập làng trên đảo vào thế kỷ 16, 17. Họ là những cư dân ở xã Bình Châu vừa nhắc tới ở trên, cùng với người ở An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn, di cư ra đảo này, để rồi, đến ngày hôm nay, nhiều kiến trúc đình làng, nhiều ngôi nhà thờ họ, nhiều ngôi chùa, nhiều lăng miếu, nhiều ngôi nhà gỗ cổ… mang đậm truyền thống văn hóa người Việt vùng duyên hải Quảng Ngãi. Những di tích trên đây hoặc đã được xếp hạng quốc gia, hoặc đã được xếp hạng cấp tỉnh, hoặc còn đang làm hồ sơ xếp hạng, nhưng tất cả vẫn đang được gìn giữ trong cộng đồng, dẫu rằng sự phát huy từ chúng chưa thật sự đúng tầm, trong nhiều thập niên về trước.

- Nhiều lớp cư dân cư trú trong nhiều nghìn năm, theo đó, đã tạo nên nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trên huyện đảo này. Tiêu biểu nhất là “Lễ Khao Lề thế lính” - gắn với hải đội Hoàng Sa có từ thời Vua Nguyễn, lễ hội đua thuyền Tứ linh truyền thống, lễ hội cầu ngư, lễ tế Thần Thiên Y Ana, lễ xuống nghề và lên nghề Cửa Vạn, lễ ra quân đánh bắt hải sản, lễ hội các đình làng An Hải, An Vĩnh với những sinh hoạt tín ngưỡng như lễ động thổ, cầu an, lễ tế tiền hiền, lễ tế xuân thu nhị kỳ.

Lễ hội đua thuyền Tứ linh đầu xuân trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Internet

Ngoài những di tích văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, ở Lý Sơn còn có di tích cách mạng, đó là nhà tù, nay là ngọn hải đăng mà trước đây người Pháp đã giam giữ những người dân đảo nổi dậy chống thực dân. Rồi còn khá nhiều tàn tích của những con tàu cổ bị đắm chìm, khi hòn đảo này từng là điểm dừng chân của những tàu buôn trên hải trình Đông - Tây mà các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế gọi bằng cái tên “con đường tơ lụa trên biển”, “con đường gốm sứ”, qua hàng chục thế kỷ thông thương. Những tàn tích ấy đã, đang và sẽ được phát hiện ngày một nhiều hơn, là những điểm tham quan dưới đáy biển kỳ thú cho khách du lịch, cũng đã và đang được triển khai với sự hướng dẫn chuyên môn của ngành văn hóa, du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Bảo tàng Trường Sa - Hoàng Sa là một công trình mới xây dựng, nhưng đã là một điểm đến của du khách, nếu muốn tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Những tóm lược trên đây, hẳn chưa nói được nhiều điều về tính hấp dẫn của di sản thiên nhiên và lịch sử văn hóa, được coi là tiềm năng của huyện đảo này. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào từng di tích, từng chi tiết, từng vấn đề, rồi đặt chúng trên nền cảnh địa chính trị, địa quân sự, địa văn hóa, địa kinh tế… của vùng đất ấy trên bình diện Quảng Ngãi nói riêng, biển đảo Việt Nam nói chung, chắc chắn di sản nêu trên là những kho báu của cha ông cư dân Lý Sơn hiện nay trao truyền cho con cháu bảo tồn và phát huy như một giá trị truyền thống, cho sự phát triển bền vững với những sản phẩm đặc thù, tạo bước đột phá cho Lý Sơn hôm nay.

2. Tín hiệu khả quan - khó khăn và thách thức.

Lý Sơn, hai năm trở lại đây, du khách thăm viếng tăng lên với tốc độ vô cùng nhanh chóng, do những tiềm năng di sản tự nhiên và lịch sử văn hóa bắt đầu được đánh thức và khai thác, đặc biệt là công viên địa chất toàn cầu với những tiên cảnh mê hồn, quyến rũ của tự nhiên được đăng tải trên thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là điện lưới quốc gia đã phủ kín nơi đảo lớn, nhìn về đêm như một hạm đội, canh giữ và hỗ trợ cho Trường Sa - Hoàng Sa - nơi địa đầu thiêng liêng của tổ quốc. Lý Sơn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, theo đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình “Biển Đông hải đảo”, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng cho các đảo trong cả nước, trong đó có Lý Sơn. Cùng với đó là nghị quyết của tỉnh Đảng Bộ Quảng Ngãi, định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch. Đó là động lực để du lịch Lý Sơn phát triển, đổi thay từng ngày mà bất cứ ai đều nhận thấy. Tuy nhiên, cơ hội đến với Lý Sơn quá nhanh và bất ngờ, khiến cho thách thức và khó khăn đang đặt ra với ngành Du lịch nơi đây cũng không hề nhỏ.

Theo tôi, để phát huy tiềm năng di sản với phát triển du lịch, Lý Sơn cần có quy hoạch phát triển bền vững một cách tổng thể. Những khu dân cư, những cánh đồng tỏi, khu dịch vụ du lịch và cả những khu mộ địa… cần được bố trí một cách thật hợp lý. Việc bảo tồn những ngôi nhà truyền thống, đảm bảo bản sắc cư trú và kiến trúc riêng biệt của Lý Sơn cũng là bài toán cần có lời giải. Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng cần có các phương án phục hồi rừng tự nhiên, xử lý rác thải, hàng quán cạnh di tích cũng như bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để có thể truyền tải tới du khách trong nước và quốc tế về những giá trị lịch sử văn hóa đích thực và hấp dẫn. Muốn như thế cần phải có những giải pháp, mà dưới đây, xin mạo muội góp bàn, mong nhận được sự sẻ chia của các cấp, các ngành và bạn đọc.

3. Gợi nghĩ về giải pháp

- Nói về quy hoạch Lý Sơn, theo tôi phải lưu ý tới việc quy hoạch khu dân cư, việc quy tập các khu mộ địa; cân nhắc việc thay đổi cơ cấu cây trồng, theo đó phải tính tới tỷ lệ diện tích trồng tỏi. Tỏi được coi là một trong những sản phẩm của du lịch với lợi ích giá trị gia tăng nhưng nó cũng là loại cây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Lý Sơn cũng cần quan tâm tới hệ thống bể dự trữ nước mưa để bổ sung cho nguồn nước ngầm ngày một cạn kiệt. Hồ nước trên núi Thới Lới ít phát huy tác dụng và đã làm ảnh hưởng đến một miệng núi lửa rất quan trọng của công viên địa chất toàn cầu.

Rừng trên đảo cũng cần được phục hồi, các khu bảo tồn biển cũng phải được hoàn lại do san hô đã bị khai thác nhiều. Đây là một quy hoạch có thể lồng ghép được trong quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, khi Lý Sơn là một trong mười sáu khu bảo tồn biển Việt Nam, theo đó, chắc chắn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước cho công tác này.

Một mong muốn nữa là hệ thống cầu cảng, sân bay, khách sạn, nhà nghỉ… cũng nên quy hoạch sao cho có ngôn ngữ đặc trưng, riêng biệt, tránh sự đơn điệu, làm mất đi cảnh quan tự nhiên trên đảo.

Năm ngoái, tôi có dịp khảo sát di sản văn hóa tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có huyện đảo Lý Sơn, cùng với những chuyên gia của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, mới thấy được tốc độ xây dựng ở địa phương này đang rất nóng. Một phần biển, nơi tiếp giáp với cảng Lý Sơn đã đóng cọc quây kè, lấp đất để mở rộng diện tích xây dựng. Một vài khách sạn cao tầng đang được thi công, một số đoạn đường bê tông đang được hoàn thiện v.v. Trong khi đó định hướng của Tỉnh, của Huyện muốn phát triển kinh tế mũi nhọn của vùng đất này là du lịch. Mà muốn như thế thì bài học kinh nghiệm của nhiều nơi cho thấy phải hết sức lưu ý tới cảnh quan, môi trường và những giá trị truyền thống của địa phương. Theo tôi, Lý Sơn nên định hướng phát triển hệ thống Homestay, thay vì những khách sạn hạng sang, cao tầng. Tuy nhiên, đó là công việc cần phải bài bản, chuyên nghiệp và đúng nghĩa.

Rồi câu chuyện về chiếu sáng ban đêm, về hệ thống đê chắn sóng… cũng cần được tính toán kỹ lưỡng sao cho ra cái đặc trưng riêng có của một thị trấn thuộc một huyện đảo rất tiêu biểu, không chỉ của Quảng Ngãi, của miền Trung mà còn là của Việt Nam.

Khách du lịch đến Lý Sơn. Ảnh: Internet

Tầm nhìn quy hoạch tổng thể Lý Sơn, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề liên quan tới chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, môi trường, cảnh quan v.v. mà bài viết này không thể nói hết. Những gợi nghĩ nêu trên, chủ yếu quan tâm tới cảnh quan, môi trường - những yếu tố vô cùng cần thiết đối với phát triển du lịch cho Lý Sơn trong tương lai.

- Để du lịch Lý Sơn phát triển, tiềm năng tự nhiên và lịch sử văn hóa ở đây cần được đánh thức với sự kết nối hài hòa, thông qua một cơ quan quản lý chuyên nghiệp. Tôi biết rằng một ban quản lý công viên địa chất toàn cầu cấp tỉnh đã được thành lập. Cơ quan ấy đang xúc tiến phối hợp với các nhà khoa học xây dựng hồ sơ, để sớm trình Unesco công nhận Núi Lửa là đặc trưng nổi bật toàn cầu của công viên này. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, cần phải có phương án kết nối giữa di sản tự nhiên với các di sản lịch sử - văn hóa, để tạo nên những geosite làm phong phú cho tuyến hành trình tham quan công viên. Và, cũng ngay từ bây giờ, một đội ngũ cán bộ chuyên sâu cũng cần được đào tạo để quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản nêu trên một cách có hiệu quả, đáp ứng cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Việc phát huy ý thức cộng đồng để bảo vệ và quảng bá di sản, như là một trong những yếu tố tiên quyết để công viên sớm được công nhận, cũng là trách nhiệm của Ban quản lý với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp địa phương, trong đó Lý Sơn là nhân tố vô cùng quan trọng.

Một mô hình công tư kết hợp cũng đang được tỉnh Quảng Ngãi triển khai dựa trên kinh nghiệm của Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), với sự sớm vào cuộc từ những ngày đầu của một công ty tư nhân, nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, từ quan điểm đến cơ chế, chính sách.

- Để Lý Sơn phát triển du lịch bền vững và có nề nếp ngay từ lúc này, Tỉnh và Huyện cần có những văn bản pháp quy quản lý chặt chẽ hơn. Chắc sẽ có nhiều loại văn bản, nhưng với di sản văn hóa, tôi cho rằng, trước mắt quy chế về hoạt động buôn bán quanh di tích rất cần được quan tâm. Việc xây dựng những công trình mới ngay trong khu vực I, II, III cũng cần cụ thể hóa qua các văn bản luật. Rất mừng là mới đây thôi, có một dự án xây dựng khu tưởng niệm của nghĩa sĩ Hoàng Sa tại lưng chừng núi Thới Lới, ngay trên nóc chùa Hang đã được dừng lại do không phù hợp với những điều kiện về tự nhiên, môi trường, cảnh quan và di sản. Đài tưởng niệm những nghĩa sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc là việc làm cần được ngợi ca và khuyến khích, vì thế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm tháo gỡ và đã có cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học, với gợi ý nên đặt ở công viên Hoàng Sa, rộng khoảng 8 ha ở Lý Sơn, đã được ngành văn hóa địa phương quy hoạch. Lẽ đương nhiên, nếu được chấp thuận, thì nội dung, hình thức, quy mô khu tưởng niệm sẽ phải bàn kỹ, để làm sao hài hòa với cảnh quan và phù hợp với một quảng trường nhỏ - nơi sẽ diễn ra Lễ hội “Khao lễ thế lính Hoàng Sa” sẽ được tổ chức quy mô hơn hiện nay.

Mượn những câu chuyện nhỏ để nói về giải pháp cho Lý Sơn phát triển du lịch bền vững, hẳn chưa đủ cho một vấn đề quá lớn, khi tầm nhìn của người viết còn hạn hẹp. Độc giả nên coi đây như là những gợi nghĩ của người nghiên cứu điền dã, với những nhận xét trực quan, nên sẽ không tránh được sự phiến diện, thiếu sót.

Top