Giếng Ngọc làng Diềm

Làng Diềm (thuộc xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) vốn là một làng Việt cổ nằm dưới chân hai dãy núi Kim Lĩnh (còn gọi là núi Thiếp) và Kim Sơn.

Đây là nơi có đền thờ bà thủy tổ khai sinh ra môn nghệ thuật Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Làng Diềm xưa nay không chỉ nổi tiếng xứ Kinh Bắc về hát quan họ cổ mà còn là nơi chứa đựng rất nhiều di tích, thắng cảnh hùng vĩ, lạ kỳ, có lịch sử lâu đời. Trong chuyến du lịch Bắc Ninh, du khách có dịp về làng Diềm hẳn sẽ được khám phá những di tích cổ xưa gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ, ngắm nhìn phong cảnh hữu tình của non nước mây trời và thưởng thức những làn điệu quan họ trữ tình sâu lắng, những món đặc sản thơm ngon của riêng vùng đất này và nghe sự tích về Giếng Ngọc.

Nằm trong quần thể đền Cùng, giếng Ngọc được xem như một vật báu trời ban dành riêng cho người dân vùng làng Diềm. Không ai biết giếng Ngọc có tự bao giờ hay đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng bao lớp thế hệ làng Diềm sinh ra đều được nước giếng Ngọc dưỡng nuôi khôn lớn.

Theo một số ngọc phả hiếm hoi còn sót lại trong làng trước đây  khi dân làng lập đền thờ ở đây, trước đền đã có giếng Ngọc. Giếng lúc đó chưa rộng lớn và sâu như bây giờ nhưng nước ở đó đã rất trong, ngọt và mát nên dân làng Diềm vẫn thường hay dùng nước ở đây ăn uống. Trong dân gian còn truyền tụng rất nhiều huyền thoại về lai lịch, nguồn gốc của giếng Ngọc - chiếc giếng được dân làng Diềm tôn là “bầu sữa mẹ vĩ đại” của cả làng bao đời nay. Nhiều người cho rằng, giếng Ngọc chính là hiện thân của hai nàng công chúa Ngọc Dong và Thủy Tiên.

Tuy nhiên, đại đa số các cụ cao niên trong làng Diềm cho rằng đây không phải là một chứng cứ thuyết phục, bởi theo các cụ kỵ trong làng kể lại rằng, trước kia, dưới chân hai dãy núi Kim Lĩnh và Kim Sơn có một rừng lim cổ rất rậm rạp. Rừng lim cổ này chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loại cầm thú, chim muông, trong đó có loài quạ rừng. Loài quạ rừng này vốn là loài chim ăn thịt nên rất háo nước. Sau những lần chén mồi no say chúng thường đi khắp nơi trong rừng lim để tìm nước uống. Một ngày chúng phát hiện ra một vũng nước sâu, có mạch nước ngầm chảy ra từ lòng núi Kim Lĩnh.

Càng ngày các loại chim càng kéo nhau về đây uống nước, rỉa cánh nên hố nước mỗi lúc một rộng ra. Khi rừng lim bị đốn hạ gần hết thì dân làng mới phát hiện ra vũng nước này. Thấy nước trong, mát người dân trong làng lấy về dùng thì quả là nước ngọt và lành hơn so với những giếng họ tự đào. Lâu ngày, người làng Diềm từ già chí trẻ đều dùng nước này để uống và xem đó như là một nguồn nước thiên tạo. Sau này, họ mở rộng vũng nước này thành giếng và đặt tên là giếng Ngọc.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt rộng chừng 20m2. Giếng có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Miệng giếng hình bán nguyệt nhưng lòng giếng hình vuông. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m. Nước giếng màu xanh trong, vị rất ngọt và mát. 

Các cao niên kể rằng, giếng Ngọc ngày trước được những người sành trà trưng dụng làm “bạn hữu”. Người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Đối với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát mà còn được tin rằng giúp khỏe mạnh, minh mẫn. Do đó, nhiều người mang theo cả bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Vì trong trà đạo, nước là bạn, lửa là thầy. Đã có cao nhân từng đem theo ấm song, ấm quý đến giếng và thề với thủ từ rằng, chừng nào nước giếng Ngọc cạn thì chừng ấy sẽ bỏ cái thú tao nhã thưởng trà. Vậy nhưng giếng Ngọc không bao giờ cạn nước. Mỗi năm đều có lễ “tát giếng”, nhưng kể cả máy bơm, máy hút suốt đêm ngày thì mức nước vẫn y nguyên. Bên cạnh đó là chiếc cối xay gạo bằng đá cổ kính. Chiếc cối đá gần giếng này còn có một nhiệm vụ khá đặc biệt. Lệ rằng, trai gái lập gia đình đều phải đem gạo nếp ra cho vào cối, dùng nước giếng Ngọc mà xay mà vo thì hạnh phúc tròn vẹn.

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì chiếc giếng hình bán nguyệt trước cửa đền không có gì quá nổi bật. Bởi trải qua bao năm tháng, hiện giếng đã được sửa sang với thành xây kiên cố và bậc gạch lên xuống. Tuy nhiên, điều thu hút lại nằm ở làn nước trong vắt nhìn được xuống tận lớp đá ong tự nhiên sâu thẳm dưới lòng giếng.

Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi, sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên không đâu sánh được. Theo người dân làng Diềm, do nguồn nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên vị ngọt, mát hiếm có.

Trước, vào những ngày mực nước xuống thấp, du khách đến thăm viếng sẽ dễ dàng nhìn thấy ba “ông cá thần” bơi lội trong lòng giếng. Và huyền tích về giếng cổ tuyệt vời này còn gắn liền với 3 “cụ cá thần” nghìn năm tuổi. Chuyện này ngỡ như thêu dệt bịa đặt nhưng kỳ thực lại rất thật. Rằng đó là 3 con cá do thần hóa thân mà thành. Từ rất lâu đời rồi, 3 con cá ấy đã sống dưới đáy giếng, chứng kiến những thăng trầm làng Diềm.

Ông Giai bảo, các cụ trong làng đã gọi đó là “cá thần” từ lâu. Những trận lụt năm 1957, 1971 khiến giếng ngập nước nhưng 3 “cụ cá” vẫn không đi. Nhiều lần dân làng thả vào đó những con rùa tai đỏ thì rùa cũng phải bò đi nơi khác, không thể ở lại trong giếng. Rồi chuyện thả các loại cá khác vào cũng không chịu, cá mới thả cứ nổi lên như sắp chết.

Người làng cho rằng, 3 “cụ cá thần” là hóa thân của hai nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng một nàng hầu. Đền Cùng là nơi thờ tự hai nàng công chúa Triều Lý vốn có công lập làng làng và truyền nghề cho dân. Đến thời Vua Bảo Thái đã cho dựng quy mô ngôi đền trên những cột đá, mà ngày nay vẫn còn lại chứng tích. Các triều đại về sau đều có sắc phong tặng Mẫu được thờ ở đây.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đền Cùng, vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 3 “cụ cá thần” đã quy tiên. Người làng Diềm coi việc đó hết sức trọng đại, vì vào dịp đó, 3 “cụ cá thần” cũng đã tròn 1.000 tuổi. Một nghi thức long trọng để tiễn biệt 3 “cụ cá thần” được tiến hành với sự góp mặt đông đủ của người dân trong làng.

Những câu chuyện thực hư khó có thể giải thích này khiến Giếng Ngọc làng Diềm vốn linh thiêng càng thêm phần huyền bí. Dù tin hay không nhưng nếu có dịp đến đây, du khách đừng quên tự tay xuống xin nước trong lòng giếng, nhấp một ngụm để cảm nhận hương vị tinh túy của một làng quê quan họ.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Top