Giếng cổ xứ Đoài

Trong hệ thống tổ chức làng xã tại Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, giếng làng đã trở nên thiết yếu đối với một cộng đồng dân cư địa phương. Cùng với cây đa và sân đình, giếng rất thân thuộc với mọi người sinh ra và lớn lên tại đó. Cây đa có tác dụng cho bóng mát và bầu khí trong lành; giếng nước cung cấp nước sạch cho mọi người, mọi nhà; sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ nghi, thờ tự tín ngưỡng của người dân. Bộ ba “cây đa, giếng nước, sân đình” thường ở vị trí đầu làng, thuận tiện cho việc quy tụ mọi người dân để dễ gặp gỡ nhau hơn.

Nằm trong không gian đồng bằng Bắc Bộ, xứ Đoài (Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội) nổi tiếng với nhiều giếng làng cổ kính và rất đẹp, có những giếng cổ được xây bằng đá. Vùng Thạch Thất, Ba Vì, Ðan Phượng lại có nhiều giếng đá ong, có những giếng người dân xây cả miếu thờ.  Đặc biệt, vùng trung du, nay là các huyện Ba Vì, Thạch Thất, thành phố Sơn Tây… còn nhiều giếng xây bằng đá ong, đất, qua bao nhiêu biến cố thời gian, nước còn trong và mát.

Người xưa đào sâu xuống lòng đất, đúng mạch, nước dâng lên vừa trong vừa mát. Loại đá nơi đây đào đến đâu, cứng đến đó nên không phải kè thành. Giếng thường rộng 3 - 5m, sâu trên 10m, miệng đặt những tảng đá ong nguyên khối hoặc từng tảng ghép lại vừa bền chắc mà sạch sẽ. Giếng đá ong thường đặt ở đầu làng, giữa xóm, hai bên đình, chùa theo quan niệm là đôi mắt rồng thiêng, nước nguồn không bao giờ cạn.

Xưa, hệ thống giếng làng được “quy hoạch” hẳn hoi. Ðiển hình trong số này là những giếng làng trên đất Tổng Gối (xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng ngày nay). Tổng Gối có bốn thôn, mỗi thôn được người xưa khai ba giếng, ở đầu, giữa và cuối thôn. Riêng ở đường vào của cả tổng, có một giếng hình ô van tựa như chiếc gương, các cụ đặt tên là giếng Soi. Các cụ cao niên kể lại, giếng Soi nhắc nhở mình mỗi khi đi - về phải soi lại mình, đồng thời khi đi về làng, người dân quê thấy hình ảnh quê hương soi bóng, lại thêm một lý do để gắn bó với mảnh đất này. Ở đất Gối, có một cái giếng gắn bó với người dân đến mức, khi bất kỳ đám tang nào ngang qua, tục lệ bắt buộc là phải dừng lại trước giếng, như một “lời chào” của người dân quê Gối, trước khi đi sang thế giới bên kia. Bên giếng này, còn có cả miếu thờ thần giếng.

Cậu bé câu cá trong ngày nghỉ học ở giếng làng Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.

Cách Tổng Gối không xa là đất Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Ðan Phượng). Những giếng cổ được phân bố rải rác trong các xóm của Hạ Mỗ. Riêng khuôn viên chùa Hải Giác (đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991) có hai giếng.

Hiếm có ngôi làng nào ở xứ Đoài lại nhiều giếng như Đường Lâm.

Tại đây, những chiếc giếng công cộng thường được đặt ở giữa các xóm để người dân thuận tiện qua lại như giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Giang... Bên cạnh giá trị sử dụng, có giếng còn mang ý nghĩa tâm linh như hai giếng bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. Nhiều giếng đã có tuổi đời 4 thế kỷ. Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m. Theo năm tháng, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, giếng khoan và nước máy dần dần thay thế giếng cổ. Những chiếc giếng đá ong trăm tuổi trở nên hoang phế, cạn nước và bị cây cỏ dại bao phủ. Nhiều giếng bị biến dạng, bọc bê tông lên trên những khối đá ong cũ.

Khu vực Phủ Quốc (Quốc Oai), gần núi đá vôi, nhân dân khi đào giếng lấy đá hộc xếp quanh từ dưới đáy lên mặt. Phía trên gắn bằng vôi, xi măng tạo thành các hình tròn, vuông, bán nguyệt rất đẹp mắt. Xung quanh núi Thày (Sài Sơn) hiện còn những giếng cổ ở xóm Tân Hương, Chùa, Đình… nước trong, mát quanh năm. Nơi đây có loại lớn trên 10 m, đo qua miệng giếng. Loại nhỏ hơn từ 3 m đến 5 m, hiện vẫn sử dụng tốt. Nhiều chiếc ở phía dưới kè đá, trên xây gạch, lát sân giếng, tường bao quanh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho xóm làng.

Ao làng ở chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

Vùng đồng bằng như các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… phần nhiều là giếng đất, đào đắp trước cửa đình, chùa, đền, miếu… làm minh đường cho di tích, theo thuyết phong thuỷ của đạo nho. Giếng này thường to, rộng hơn các giếng khơi, trung bình khoảng 20 - 30m bề ngang. Xung quanh giếng xây tường bảo vệ, có lối đi xuống bằng gạch hoặc đá ong, trên bờ trồng cây đa cổ thụ, cây gạo hoặc cây muỗm xum xuê cành lá.

Làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội, có 3 giếng cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ba giếng cổ nằm lần lượt ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương tỏa chiếu, hòa khí âm dương làm con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục. Dân làng coi đây là tấm gương lớn, người dân trước khi ra khỏi làng hoặc lúc quay về thường soi mình vào đây. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc.

Huyện Hoài Đức có vùng quê xưa là Kẻ Giá, nay là xã Yên Sở, hiện còn trên 20 cái giếng cổ. Mỗi cái có một phiến gỗ lim dày, to lát đáy, xung quanh xếp đá quây tròn, không có hồ vữa mà vẫn chắc chắn. Giếng sâu độ 4 - 5m, phía trên xây gạch vòng quanh. Cạnh đó có miếu thờ thần linh. Vào ngày mồng Một, rằm hàng tháng, người dân mang lễ vật dâng cúng, cầu may.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì thuở xưa giếng làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt, là nơi gìn giữ sự sạch sẽ của cả cộng đồng. Ðến tuần tiết, dân làng lấy nước giếng để lễ Phật, tế thành hoàng. Ngày hội làng, cũng nước giếng ấy được dùng để tắm thánh (điển hình là lễ Mộc dục ở chùa Thầy).

Trẻ nô đùa và tắm mát ở giếng xóm Lươn, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Từ giếng đất, giếng khơi rồi thay thế bằng giếng khoan, nước máy… Từ thành thị đến nông thôn các nguồn nước sạch phong phú, tràn trề. Tuy nhiên các giếng cổ vẫn tồn tại ở các vùng từ bán sơn địa đến đồng bằng. Số lượng các giếng cổ có ít đi nhưng giá trị của nó vẫn rất quý. Nước giếng cổ trong, sạch, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Giá trị tâm linh của giếng gắn bó tình cảm con người với tạo hoá. Có giếng cổ, cảnh quan môi trường càng đẹp, kỷ niệm tuổi ấu thơ bên giếng làng dễ mấy ai quên. Các di tích lịch sử - văn hoá có hình ảnh giếng cổ thì giá trị càng tăng.

Cùng với hệ thống đình, chùa, miếu mạo được xếp hạng Di tích quốc gia, xứ Ðoài cổ kính với nền văn hóa đặc trưng còn rất nhiều giếng cổ hàng trăm năm tuổi. Đáng tiếc là nhiều giếng cổ đã biến mất hoặc bị biến dạng, trong khi chưa có phương án bảo tồn.  Hiện những chiếc giếng cổ nằm trong khuôn viên đình, chùa hay trong những di tích thì được bảo tồn rất tốt, còn những chiếc giếng làng, cùng với sự phát triển của làng theo năm tháng hoặc là biến mất hoặc là hoang phế rêu phong.

Thiết nghĩ, việc gìn giữ và bảo tồn hình ảnh những chiếc giếng cổ sẽ làm tăng thêm giá trị di sản của ngôi làng Việt. Điều này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực của người dân cùng chính quyền địa phương.


Vũ Toàn