Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng khắp cả nước như một ngôi làng Việt còn đầy đủ các yếu tố cổng làng, cây đa, bến nước, nhà cổ và đặc biệt khi đến đây còn có nhiều giếng nước với lịch sử lâu đời. Làng cổ Đường Lâm xưa gồm có 9 làng thuộc tổng Cam Gía Thịnh – Huyện Phúc Thọ – Trấn Sơn Tây. Trong đó có 5 làng liền kề nhau, mỗi làng có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất.
Lịch sử ghi lại rằng, đời Vua Lê Hy Tông (1684), đình làng Mông Phụ được xây dựng. Giếng được đào để tạo nguồn nước phục vụ việc xây cất. Nằm ở hướng Đông, ngay cạnh đình, giếng như điểm chiếu từ hai đầu đao uốn mái có gắn đầu rồng nhìn xuống. Những người cao niên ở đây kể rằng: nước giếng Đình quanh năm trong vắt, người làng chỉ ra giếng đình lấy nước về ăn, làm tương chứ tuyệt đối không được tắm giặt.
Trải qua 4.000 năm lịch sử, những chiếc giếng cổ ở làng Đường Lâm dường như còn nguyên vẹn, không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng.
Mỗi thôn ở Đường Lâm đều có một cái giếng như: giếng xóm Sải, xóm Giang, xóm Hè,…. Bên cạnh giá trị sử dụng, mỗi cái giếng đều nổi tiếng và được định vị bởi những giai thoại thú vị.
Đến nay, làng Mông Phụ vẫn giữ được cái giếng độc đáo đó là Giếng Sui. Nước giếng trong, có bảng đề chữ Nho “Nhất phiến băng tâm” (lấy chữ từ Đường thi) nhắc người đời giữ giếng sạch trong như giữ lòng trong sáng.
Tương truyền, hai giếng ở hai bên làng Mông Phụ là hai con mắt của rồng chột, một giếng nước trong, một giếng nước hơi đục. Chính vì thế đã tạo nên địa thế đắc địa cho ngôi đình Mông Phụ - nằm giữ ngã ba trung tâm của làng nhưng ở vị trí này người đi ngược về xuôi không ai quay lưng vào đình cả.
Nước giếng Hè, giếng Giang là ngọt hơn cả, nên nhà nào làm đám cưới đều đến lấy nước ở các giếng đó về dùng. Người ta đồn rằng như vậy đôi bạn trẻ kia sẽ hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Trên thành giếng xóm Hè ghi năm 1939, nhưng theo người dân, đây là năm giếng được sửa chữa. Phía sau tường là bờ ao, mực nước giếng luôn cao hơn mực nước ao.
Từ bao đời nay, không chỉ người dân thôn Cam Lâm mà dân làng khắp 8 thôn khác ở xã Đường Lâm đều biết đến ngôi miếu cổ và giếng nước có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh. Người dân trong vùng gọi đó là “giếng sữa ”. Giếng sữa và ngôi miếu nằm sát dưới chân đồi Cấm ở thôn Cam Lâm, cách vài trăm mét từ lăng Vua Ngô Quyền theo hướng Nam. Tương truyền đây là ngôi miếu rất cổ cùng có niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng Vua Ngô Quyền. Vào thời loạn lạc, khi nơi đây vẫn là vùng núi hoang sơ không bóng người ở, một em bé mới chào đời bị bỏ rơi khát sữa khóc ngằn ngặt dưới chân đồi. Một bà lão đi ngang qua chứng kiến nhưng không biết làm thế nào để cháu bé nín. Bà chỉ biết bế cháu bé trên tay đi dọc đường với hy vọng tìm được nhà dân để xin nước. Đi mãi cũng không thấy bóng người, tới một thung lũng dưới chân đồi Cấm, bà thấy một mạch nước róc rách chảy từ trong hang đá bèn mớm miếng nước cho cháu bé. Đứa bé bỗng nhiên ngừng khóc và thiếp ngủ trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều ở tại đây nuôi đứa trẻ. Khi mất, người dân trong vùng lập miếu thờ bà và gọi là “miếu mẹ” bên mạch nước thiêng gọi là “giếng sữa”. Mạch nước sau đó trở nên thiêng liêng và được nhiều người biết đến khi vào mùa khô, tất cả giếng làng đều bị cạn trơ đáy thì thấy mạch nước vẫn đầy ăm ắp, trong vắt. Họ cùng nhau ra gánh nước về ăn, càng lấy nước càng trong càng đầy. Từ đó, nhiều người dùng đá ong che chắn xung quanh để giữ nước. Cũng từ ngày dựng miếu, trong làng luôn có một người “có căn số” trông coi và bảo vệ miếu và “giếng sữa”.
Có tuổi đời 4 thế kỷ, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi. Những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m.
Nhìn một cách tổng quát, những chiếc giếng ở làng Đường Lâm tương đối bề thể, cổ kính và đẹp. Thế nhưng theo năm tháng, đời sống vật chất của con người được nâng cao, sự xuất hiện của những giếng khoan, nước máy dần thay thế giếng đào. Nhiều giếng cổ nay không còn được sử dụng và bị cỏ cây bao phủ. Thiết nghĩ, việc gìn giữ và bảo tồn hình ảnh những chiếc giếng cổ sẽ làm tăng thêm giá trị di sản của ngôi làng Việt cổ Đường Lâm. Điều này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực của người dân cùng chính quyền địa phương.
Vũ Toàn