Giếng Chuông Sa - Sự bí ẩn của Đường Lâm

Đến với Đường Lâm, ngoài du khách chiêm ngưỡng chiếc giếng cổ của làng, còn có những người mẹ mới sinh con. Địa chỉ họ tìm đến là “giếng sữa” ở thôn Cam Lâm. “Giếng sữa” - đó là cách gọi dân gian, còn người dân ở vùng đất hai Vua gọi tên giếng là Chuông Sa. Đây là chiếc giếng thiêng, đã mang lại điều kì diệu cho những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ bị tắc sữa hoặc mất sữa.

1. Vài nét về giếng Chuông Sa

“Giếng sữa” là cách gọi dân gian, còn người dân ở đất hai Vua gọi đó là giếng Chuông Sa. Lệch về hướng Đông của Giếng là ngôi miếu nhỏ thờ “Mẹ sữa”. Những bậc cao tuổi trong làng cũng không thể biết rõ được, họ chỉ nhớ khi lớn lên đã thấy chiếc giếng và ngôi miếu nằm ở đó. Tương truyền đây là ngôi miếu rất cổ cùng có niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng vua Ngô Quyền. Trong câu chuyện kể của người Đường Lâm, chiếc giếng và ngôi miếu nhỏ này rất linh thiêng.

Giếng Chuông Sa nằm dưới chân núi Cấm ở Đường Lâm.

Giếng Chuông Sa nằm dưới chân núi Cấm. Tương truyền, đây là vùng đất của vua Ngô Quyền, nên không ai dám làm nhà trên đất của Vua, vì vậy nơi này vẫn còn nguyên vẹn sự cổ kính, rậm rạp. Giếng sữa nằm cạnh con đường mòn dưới chân đồi Nghẽn và núi Cấm thuộc thôn Cam Lâm. Để đến được “giếng sữa” thôn Cam Lâm phải đi qua đền thờ Phùng Hưng và đền thờ Vua Ngô Quyền. Cách vài trăm mét từ Lăng Vua Ngô Quyền theo hướng Nam, vào sâu con đường đất đỏ sình lầy này sẽ gặp “giếng sữa” Chuông Sa.

Trên thực tế, chiếc “giếng thiêng” này cũng không khác gì những chiếc giếng cổ ở những vùng quê khác. Đó là một giếng nhỏ và nông, khẩu giếng khá hẹp với đường kính rộng ước chừng 70 - 80cm, sâu hơn 1m. Lòng giếng có những sợi rễ cây đâm ngang rũ xuống trắng phau như những sợi vải. Người làng cho biết, ngày xưa giếng chỉ là một ang nước nhỏ, nằm sát các thửa ruộng. Cách đây 10 năm, người dân trong thôn cùng xây gạch đá ong tôn lên cao bao quanh bảo vệ giếng.

Giếng sữa được kè bằng gạch đá ong. Đây được coi là một trong những nét văn hóa cổ của Đường Lâm. Vì thành giếng thấp nên người làng đã đặt lên trên miệng giếng tấm gỗ ghép để tránh trẻ con sa chân xuống và che không cho lá cây rụng xuống làm bẩn “giếng sữa”.

Bên cạnh giếng là một ngôi miếu nhỏ rất thiêng thờ “mẹ sữa”. Miếu mẹ nhỏ bé nằm trọn dưới tán cây bạc lộc cổ thụ hướng ra cánh đồng làng. Đã từ lâu, thôn Cam Lâm luôn cắt cử một người “có căn số” trông coi, bảo vệ miếu và “giếng sữa”. Ngôi miếu cũng được làm bằng đá ong, lợp ngói phủ rêu phong nhưng chỉ rộng chừng vài ba mét vuông. Đường từ miếu ra giếng được người dân xếp gạch chỉ cẩn thận. Năm 2014, mái miếu được tu sửa lại chống dột.

2. Sự bí ẩn của nước giếng Chuông Sa

Dù khẩu giếng nhỏ nhưng giếng Chuông Sa không bao giờ cạn nước. Có điều lạ là quanh năm, dù cho lũ lụt hay hạn hán, mực nước của giếng đều không suy chuyển đi chút nào. Cụ Sót – người trông coi giếng nhớ lại, vài chục năm trước đây vào mùa hạn hán, mọi chiếc giếng trong làng đã cạn khô nhưng mực nước ở giếng Chuông Sa không hề suy giảm mà vẫn trong vắt và mát lịm. Mọi người liền đến lễ tạ ở Miếu mẹ và gồng gánh đến xin nước nhưng giếng cứ vơi lại đầy và dân làng đã thoát mùa hạn hán. Theo một số nhà phong thủy và ngoại cảm, có thể giếng Chuông Sa ở Đường Lâm nằm đúng long mạch của vùng. Đặc biệt, nước trong “giếng sữa” có vị ngọt mát lành hết sức đặc biệt. Nước trong vắt suốt bốn mùa và có thể nhìn thấu đáy có một tảng đá ong cổ đã bạc màu. Hiện nay, người dân Đường Lâm vẫn sử dụng nước ở các giếng đá ong phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Người phụ nữ thường qua lại giếng Chuông Sa hướng dẫn cách lấy nước.

Chuyện “miếu mẹ” bên giếng cổ giúp xin được sữa đã truyền miệng từ bao đời nay ở thôn Cam Lâm. Việc xin nước ở giếng phải được phép của Mẫu xuất phát từ sự tích hình thành giếng sữa. Truyền thuyết của làng Đường Lâm cho biết, trong buổi ban đầu thành lập nhà Ngô (thế kỷ X), một bà lão đi ngang qua Đường Lâm đã nhặt được một em bé sơ sinh bị bỏ rơi bên đường. Hai bà cháu lần đến địa phận đất Chuông Sa (tên gọi khác của vùng đất này) - một thung lũng dưới chân đồi Cấm. Khát sữa mẹ, đứa bé đói lả đi. Nơi vùng đất hoang vu vắng vẻ, bà cụ không xin được chút gì cho em bé ăn. Thương cháu nhỏ, mà bất lực không làm được gì, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu một tay chống gậy, một tay bế bé mà nước mắt trào dâng. Trời Phật như thấu hiểu nỗi lòng người phụ nữ và tình cảnh hai bà cháu, từ nơi chiếc gậy của bà cắm xuống, một dòng nước mát lành đã trào lên. Bà vội vàng lấy nước cho bé uống. Kì lạ thay, khi đứa bé được mớm những giọt nước Cam Lâm trong mát đã nín khóc và ngủ ngon. Nhận thấy đất lành, không khí dễ chịu, bà cụ đã dừng chân tại đây và khai khẩn, nuôi nấng đứa trẻ khôn lớn. Chiếc giếng kì lạ đã được người dân làng gọi là “giếng sữa”. Khi bà qua đời đã được người dân lập miếu thờ bên mạch nước thiêng và gọi đó là “miếu mẹ”.

Với những người phụ nữ mất sữa, hoặc đang thiếu sữa cho con bú, ai mách gì đều làm theo, miễn sao có được dòng sữa tốt lành nuôi con. Những người cha, người mẹ thương con ra đời không được hưởng giọt sữa ngọt ngào của mẹ đã tìm đủ các phương thức để “thông sữa”. Nghe lời mách bảo của bạn bè và chòm xóm về phép mầu nhiệm của nước giếng Chuông Sa, họ đã quyết định tìm đến để thử vận may.

Sau lần đến giếng Chuông Sa xin sữa, những bé con của các gia đình đã hưởng những dòng sữa mẹ ngọt ngào. Tiếng lành đồn xa, nhiều sản phụ tự mình lặn lội tìm lên giếng sữa dù trời mưa bão và đã được toại nguyện. Có người ở xa không đến được đã nhờ bà cụ trông coi giếng ra miếu cầu xin cho họ theo thông tin cá nhân được cung cấp qua điện thoại và lời cầu nguyện của họ cũng được linh ứng.

Chuyện giếng Chuông Sa giúp sản phụ có sữa khiến nhiều người về thăm Đường Lâm đều tò mò và muốn đến tận nơi chiêm ngưỡng di tích này. Có thể vì điều này mà bất cứ ai đứng trước chiếc giếng cổ ở Cam Lâm đều có cảm giác khác hẳn với những giếng khác ở làng cổ Đường Lâm. Trong khung cảnh âm u, tĩnh mịch, mỗi người đều tự ý thức cần nói năng nhẹ nhàng nơi bờ giếng. Không ai dám tự tay múc nước vì cảm thấy mình “chưa được phép” và càng không dám sử dụng nước giếng để rửa chân tay.

Giếng Chuông Sa rất thiêng nên ai muốn xin nước đều phải đặt lễ trước đền Mẫu để xin nước. Những người mẹ mách nhau rằng, dù là “mâm cao cỗ đầy” hay chút lễ mọn, Mẫu chỉ đồng ý khi họ phải thành tâm. Thông thường, các bà mẹ dâng vào miếu một mâm lễ vật nhỏ gồm hoa quả, bánh trái và một ít tiền lẻ, rồi chắp tay xưng rõ họ tên quê quán, tên mẹ, tên con cùng lời cầu nguyện xin đức mẹ ở miếu ban cho dòng sữa ngọt lành. Trong trường hợp bà mẹ không đích thân đến được đây, người xin nước thay - nếu là nam giới sẽ để lại 7 đồng tiền, là phụ nữ để lại 9 đồng (tương đương với vía của người đó). Trước kia, người đặt lễ thường dùng tiền xu ném xuống giếng, nhưng hiện nay, họ đặt tiền giấy trên mâm lễ tạ trong miếu thờ “mẹ sữa”.

Lễ sau khi cúng không ai được mang về. Các bậc cao niên trong làng chia sẻ: mọi người tuân thủ qui ước này với suy nghĩ rằng lộc được thụ hưởng sau khi làm lễ phải được “tán” cho lũ trẻ quanh vùng. Có như vậy, lời nguyện cầu của họ mới được linh ứng. Trong thực tế, hàng ngày có không ít trẻ nhỏ tập trung quanh chiếc “giếng sữa” này. Thậm chí có nhiều người lễ tạ từ phương xa đã mời gọi đám trẻ con trong làng đến để tán lộc.

Cổng vào làng Đường Lâm.

Trên thực tế, không phải người mẹ nào cũng có ngay sữa cho con sau khi uống nước từ chiếc giếng thiêng của làng Cam Lâm. Theo bà cụ trông coi giếng, nguyên nhân của sự việc này là do cơ địa của từng người khác nhau, việc “tẩm bổ” cho mỗi sản phụ cũng khác biệt nên kết quả thu được từ việc hấp thụ nước “giếng sữa” cũng khác nhau. Điều lạ là, người nơi khác đến “xin sữa” ở giếng Chuông Sa thì được, còn những thiếu phụ làng Đường Lâm mất sữa lại không nhận được phước lộc từ chính chiếc giếng làng của mình. Ở góc độ tâm linh, các bậc cao niên ở Đường Lâm cho rằng, giếng làng Cam Lâm đã đem lộc đến cho những người tứ xứ nên người trong làng phải chịu thiệt thòi. Do đó, ước nguyện của họ chỉ có thể cầu xin ở một làng khác với những nghi lễ tương tự. 

 Nước giếng Chuông Sa trong vắt và không bao giờ cạn có thể là do được đào đúng long mạch. Nhưng tác dụng “gọi sữa” về cho những người mẹ thì không ai lý giải được. Một cụ cao niên ở làng Cam Lâm còn nhớ, quãng năm 1965 đã từng có đoàn khoa học về lấy mẫu nước giếng mang đi xét nghiệm. Nhưng ngay từ thời đó, người làng không biết nó phục vụ cho nghiên cứu nào. Theo người làng Đường Lâm, có thể trong nước giếng có những thành phần vi lượng nào đó giúp người uống khỏe mạnh nên tạo được sữa.

Đến Đường Lâm, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự thanh bình của một làng quê Việt truyền thống. Trong quần thể di tích ở vùng đất hai Vua, giếng Chuông Sa như là một bảo vật của làng. Những giọt nước mát lành từ chiếc “giếng sữa” này đã đem lại sự bình yên trong tâm hồn của những người mẹ trẻ, giúp họ cân bằng cuộc sống và ở góc độ nào đó, đã đạt được ước nguyện của mình.

Bùi Thị Ánh Vân

Top