Giải mã truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng

Trong kho tàng văn học dân gian ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, những huyền thoại về sự cộng cư và chuyển nhượng quyền sở hữu các vùng đất giữa các bộ phận cư dân Chăm - Việt được xây dựng trên những cốt truyện có thực và không có thực đã trở thành một thứ truyền thuyết phản ánh về quá trình khai canh lập làng, xây dựng quê hương trên vùng đất mới với bao khó khăn thử thách của những lớp cư dân người Việt buổi đầu mới đến. Trong vô vàn những truyền thuyết như thế thì truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng là một minh chứng khá điển hình. Qua câu chuyện chúng ta không chỉ hiểu được những vấn đề lịch sử vùng đất của người Việt mà còn nhiều bí ẩn và kỳ lạ về những vấn đề liên quan đến văn hóa Chămpa trên đất Quảng Trị cần khám phá. Để dễ dàng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu chúng tôi xin trích dẫn lại nội dung của truyền thuyết đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng như sau:

Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một người rất khỏe tên là Thồ Lồ. Ông này có nhiệm vụ đào đất, đắp núi. Có một lần ông gánh một gánh đất quá nặng, đòn gánh bị gãy. Hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (một hòn núi lớn thuộc địa phận xã Vĩnh Thủy, trong bản đồ quân sự ghi là cao điểm 74). Sọt văng về phía biển thành đảo Cồn Cỏ. Cái đòn gánh thì văng lên trời thành cái mống (cầu vồng). Chỗ hai bàn chân ông đứng thành hai  cái giếng hiện nay thuộc xã Vĩnh Nam trong đó có một gót chân đặt trên đất làng Huỳnh Công Nam. Ông đánh lửa châm thuốc hút nhưng mớ bùi nhùi nhét trong ruột tượng ướt đẫm mồ hôi, đánh vẹt mất 3/4 hòn đá mà lửa không bén. Ông nổi cáu cốc hòn đá một cái rồi liệng ra một phía, còn mớ bùi nhùi ông liệng ra phía khác. Hòn đá bị vẹt nay còn nằm ở xã Vĩnh Lâm. Trên mặt đá còn in rõ bốn dấu lõm sống đốt ngón tay ông cốc vào. Còn mớ bùi nhùi rơi xuống thành Rú Lịnh (hiện nay là rừng nguyên sinh rộng 105ha, nổi lên đột ngột giữa cao nguyên đất đỏ Vĩnh Linh và cách bờ biển không xa).

Câu chuyện trên thuộc loại sự tích, giải thích hiện tượng tự nhiên, địa danh giống như truyện “Bà Nữ Oa”, “Sự tích Hạ Long”, “Sự tích Ngũ Hành Sơn”... khá phổ biến trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam và truyền thuyết nào cũng có cốt truyện thực của nó, do đó nếu bóc đi những yếu tố hư cấu, thêu dệt, tưởng tượng thêm thì ít nhất chúng ta cũng tìm ra được một vài yếu tố phản ánh hiện thực. Đặc biệt đối với truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng thì nó còn mang những yếu tố riêng có của một vùng đất đầy biến động trong lịch sử.

1. Những vấn đề lịch sử của người Việt thể hiện qua truyền thuyết

Đến sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất cằn cỗi, ở vào vị trí chính giữa khúc ruột miền Trung với gió Lào cát trắng vốn là địa bàn cư trú lâu đời của người Chăm, những người Việt đầu tiên của đất Bắc vào hẳn phải thừa khôn ngoan và khả năng, thừa đức tính nhẫn nại, xông xáo, dũng cảm cùng với một nghị lực phi thường mới có thể đứng vững để xây dựng cuộc sống mới. Sống giữa thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên trong buổi đầu mới đến con người ta phải đối mặt với bao thử thách, hiểm nguy vì thế để tồn tại thì cần thiết phải có sự tập hợp sức mạnh của cả tập thể, cộng đồng, khát vọng chinh phục tự nhiên là khát vọng ngàn đời của họ tuy nhiên trong điều kiện sống còn lạc hậu, trình độ tư duy của người dân còn nhiều hạn chế, sự hiểu biết về tự nhiên chưa nhiều thì người ta tin vào một sức mạnh siêu nhiên thần bí nào đó có khả năng đào đất, đắp núi, tọa nên hình thế của quê hương mình. Trong điều kiện và hoàn cảnh như thế thì ông Thồ Lồ (khổng lồ) đã ra đời.

Ra đi từ đất Bắc, cái nôi của nền văn hóa nông nghiệp, những người Việt tin rằng buổi hồng hoang, trời đất đã sáng tạo một thế hệ con người rất to lớn nhưng ngờ nghệch, không đủ khả năng để tồn tại. Vì thế, tạo hóa gây nên một trận đại hồng thủy quét sạch họ đi. Loài người hiện nay sinh sau, nhỏ bé nhưng tinh khôn nên tồn tại. Tuy nhiên, dấu tích của người khổng lồ vẫn còn để lại, đó đây còn hằn vào lịch sử và cả trên đất đá nữa (đó là bà Nữ Oa, là Thánh Gióng, là các vết chân to lớn còn in dấu trên ruộng đồng để rồi các bà mẹ ướm thử và mang thai… Tư tưởng đó được những cư dân Việt mạng theo vào vùng đất mới này nên một ông Thồ Lồ đã xuất hiện. Đồng thời quá trình di dân của các thế hệ lưu dân Việt vào Quảng Trị khi mà hệ tư tưởng Nho giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, vị thế và quyền lực độc tôn thuộc về người đàn ông bởi thế mà “Ông Thồ Lồ” chứ không phải là “Bà” như các truyền thuyết khác.

Thực chất, địa hình Quảng Trị được hình thành do kết quả tác động tổng hợp của các nhân tố bên trong và bên ngoài vỏ trái đất. Cấu trúc địa chất phức tạp với tính đa dạng của điều kiện tự nhiên đã hình thành nên địa hình khá phức tạp trên lãnh thổ Quảng Trị. Tuy nhiên do ảnh hưởng của các nhân tố khách quan (trình độ nhận thức tư duy của người đương thời) mà họ đã xây dựng nên truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng để giải thích cho địa hình của vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị.

2. Quá trình cộng cư Chăm - Việt thể hiện qua truyền thuyết

Truyền thuyết đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng do người Việt sáng tạo ra trong quá trình cộng cư giữa hai dân tộc Chăm - Việt: Bắt đầu từ cuộc chinh phạt của Lý Thường Kiệt (năm 1069) thì gần một nửa phần đất đai phía Bắc Quảng Trị đã thuộc về Đại Việt; đến năm 1306 sau đám cưới của Công chúa Trần Huyền Trân với vua Chăm là Chế Mân thì toàn bộ vùng đất Quảng Trị nằm gọn trong bản đồ Đại Việt; từ đó cho đến những thế kỷ tiếp sau, Quảng Trị trở thành nới hứng chịu không biết bao nhiêu biến động của lịch sử. Tuy nhiên, trên hành trình tự khẳng định mình, vùng đất mới của người Việt đã không hề mâu thuẫn hay loại trừ đối với dân tộc nơi đất cũ mà trái lại đã nhanh chóng hòa nhập tạo ra sự cộng cư hữu hảo, tiếp nhận các yếu tố văn hóa bản địa để đồng hóa theo cảm quan của người mới đến. Truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng là một trong rất nhiều chuyện có liên quan đến văn hóa Chăm do chính cộng đồng cư dân Việt tạo ra để đáp ứng nhu cầu tinh thần của mình. Đây là những sáng tác dân gian của người Việt về những dấu ấn văn hóa của người tiền chủ.

Trong truyền thuyết, yếu tố văn hóa Chăm đã được người Việt đưa vào câu chuyện một cách sinh động, hài hòa đó là hệ thống các giếng nước (gồm cả những giếng đơn và hệ thống dẫn thủy nhập điền) cùng với các dấu tích về đền tháp của người Chăm trên đất Vĩnh Linh. Trên vùng đất cháy bỏng, khô hạn bởi gió Lào và cát trắng như Quảng Trị thì nhu cầu về nước luôn là khát vọng ám ảnh và trở thành nỗi trăn trở ngàn đời buộc các thành phần cư dân nơi đây phải làm sao tìm ra được các nguồn nước để sử dụng. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử các thế hệ người dân Quảng Trị thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau đã không ngừng vật lộn với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, không ngừng sáng tạo và liên tục kế thừa những thành tựu văn hóa của nhau trong lĩnh vực khai thác nguồn nước, trong đó có thành quả quan trọng của một bộ phận cư dân Chămpa. Hệ quả của sự sáng tạo và kế thừa này đã nảy sinh ra hàng loạt những công trình khai thác nước cổ với tính chất, quy mô, kỹ thuật giống và khác nhau tồn tại cùng thời gian cho đến tận ngày nay. Bởi thế, khi người Việt vào cộng cư, sinh sống trên vùng đất vốn trước đó là của người Chăm thì hệ thống các công trình khai thác nước này được người Việt hình tượng hóa bằng bước chân của ông Thồ Lồ. Trong những năm từ 1992 - 1995, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Văn hóa Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Quảng Trị đã khảo sát kỹ hệ thống giếng này. Đó là các giếng nước mang đặc trưng của loại giếng khơi nằm ven các chân đồi đất đỏ bazan, có đường kính khá lớn được xây dựng bằng kỹ thuật xếp đá cuội bazan không giống kỹ thuật khai thác của người Việt. Hình ảnh cái mớ bùi nhùi mà ông dùng lấy lửa để hút thuốc trở thành là Rú Lịnh (một khu rừng nguyên sinh rộng 105ha và cách bờ biển không xa) thuộc địa phận của xã Vĩnh Thành, trong đó có giếng Mài Rạ và giếng Hai Máng vốn là những công trình thủy lợi của người Chăm mà hiện nay người Việt đang sử dụng.

Trong truyền thuyết cũng đã nhắc tới những viên đá thờ thuộc khu đền tháp Chăm - Duy Viên (xã Vĩnh Lâm) đó là chi tiết hòn đá ông dùng để châm thuốc hút bị đánh vẹt mất 3/4 và bị ông liệng ra một phía nay còn nằm ở xã Vĩnh Lâm. Thực chất tháp Chăm - Duy Viên nguyên thủy là một đền tháp xưa của người Chăm nằm bên dòng sông Sa Lung - một trong những trung tâm tôn giáo của vùng châu Ma Linh trước thế kỷ XI và thuộc hệ đền tháp hai bên bờ sông Minh Lương (Hiền Lương, Bến Hải). Từ sau thế kỷ XI, khi vùng đất này thuộc về người Việt thì số phận ngôi tháp cũng bắt đầu hoang phế và đổ nát theo thời gian. Tuy nhiên, dù cho ngôi đền tháp đến nay không còn gì nhưng nó cũng đã kịp đi vào trong tâm thức của những người dân Việt thông qua hình ảnh viên đá châm lửa của ông Thồ Lồ.

Truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng đọc qua chúng ta thấy đây là một câu chuyện huyền thoại không có thực, trong thực tế không thể có một con người khổng lồ làm nhiệm vụ đào đất đắp núi như thế nhưng khi nghiên cứu kỹ và bóc tách đi phần huyền thoại, chúng ta mới hiểu được những vấn đề liên quan đến cuộc sống, tư tưởng cũng như ước vọng của người Việt lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, trong thẳm sâu của câu chuyện còn chứa đựng rất nhiều dấu ấn sâu đậm về văn hóa Chămpa được lưu giữ trong đó. Điều này cho thấy sự cộng cư, đan xen văn hóa giữa dân tộc Việt và Chăm không chỉ ở các di chứng vật chất hiện còn mà còn nhờ vào việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể trong dân gian.

Nguyễn Thị Nương

 

 

Top