Từ Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, bàn thêm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Đây là vụ việc nghiêm trọng lần đầu xảy ra tại Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn kể từ khi khôi phục lại lễ hội truyền thống này. Sau tai nạn trâu húc chết người tại vòng loại Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, câu hỏi có nên tiếp tục duy trì hoạt động này lại được đặt ra. Người dân Đồ Sơn và không ít những người quan tâm đến lễ hội này còn băn khoăn, thậm chí có người còn cho rằng, một sự cố không thể làm ảnh hưởng đến cả một lễ hội truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Có chăng nên rà soát lại qui trình tổ chức sao cho chặt chẽ mà thôi!
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Phóng viên: Ở góc nhìn của người làm di sản văn hóa, ông có thể cho bạn đọc Tạp chí Thế giới Di sản quan điểm của ông về Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Trước hết phải nói rằng, từ đầu tháng 7-2017 đến nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc con trâu số 18 đã húc chủ dẫn đến tử vong ngay trong kháp14 của vòng đấu loại tại Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Trước tình hình trên, UBND thành phố Hải Phòng đã có Công văn hỏa tốc đề nghị quận Đồ Sơn tạm dừng việc tổ chức tiếp Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản.
Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ dẫn đầu đã về làm việc trực tiếp với quận Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng để tìm giải pháp khắc phục trong công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Mới đây, được biết, Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Văn hoá cơ sở phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam sớm tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cơ quan quản lý và người dân về Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, nhằm tìm ra giải pháp tổ chức phù hợp, đề xuất kiến nghị Bộ VHTTDL và cơ quan có thẩm quyền có quyết định chính xác nhất.
Với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, tôi rất lấy làm tiếc về sự cố xảy ra ở Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Trong lịch sử Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy. Đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc. Tôi thống nhất quan điểm chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND thành phố Hải Phòng về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội để tìm hiểu, giải quyết sự việc. Tôi cũng hoàn toàn thống nhất quan điểm của Bộ VHTTDL chỉ đạo giao cho Cục Văn hoá cơ sở phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm đánh giá một cách toàn diện những mặt được và chưa được của lễ hội này. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào tọa đàm này. Thời gian qua, có nhiều ý kiến phát biểu khác nhau; vì vậy, tổ chức tọa đàm là cần thiết, nếu tọa đàm tổ chức thành công sẽ đưa ra những kiến nghị, giải pháp có tính chất toàn diện, cụ thể với Bộ VHTTDL, các cơ quan có liên quan và UBND thành phố Hải Phòng về Lễ hội này.
Tôi lấy ví dụ, cách đây 2 năm, khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về tính bạo lực trong Lễ hội Chém lợn làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan khác, tổ chức một tọa đàm với sự tham dự và góp ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học và đại diện cộng đồng nơi có lễ hội. Từ kết quả của Tọa đàm, Ban Tổ chức có văn bản kiến nghị với Bộ VHTTDL, để rồi sau đó, Bộ VHTTDL đã có quyết định hợp tình, hợp lý, đó là, áp dụng phương pháp cộng đồng, người dân được tuyên truyền, vận động để tổ chức lễ hội một cách hợp lý và mang tính văn hóa. Theo đó, người dân được thuyết phục không chém lợn ngay giữa chỗ đông người, mà lui vào chỗ kín đáo hơn.
Phóng viên: Vậy quan điểm của cá nhân ông là đề xuất cấm hay không cấm Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Đây là vấn đề lớn, khá tế nhị, nhạy cảm. Do vậy, cần xem xét Lễ hội Chọi trâu dưới nhiều góc độ: chính trị, lịch sử, văn hóa, du lịch, kinh tế... để có cách ứng xử hợp lý. Tôi cho rằng, hãy khoan bàn đến vấn đề cấm hay không cấm, mà tất cả kết luận phải có cơ sở, phải giải quyết vấn đề có lý, có tình, để cộng đồng cảm thấy “tâm phục khẩu phục”.
Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Lễ hội truyền thống là một nét đẹp của dân tộc, là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc, là đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự tích, sự kiện, được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu lễ hội được tổ chức và phát huy tốt, lành mạnh thì sẽ có tác dụng lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; nếu ngược lại, thì sẽ dẫn tới việc chệch hướng di sản văn hóa cũng như gây nhiều hệ lụy: mất thời gian, mất công sức, tốn kém tiền của, gây mất an ninh trật tự, bạo lực, phản cảm, trục lợi, tai nạn giao thông…
Trở lại với vấn đề cấm hay không cấm Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Không loại trừ khả năng phải cấm Lễ hội này, nếu sau khi kiểm tra làm rõ các sự việc tiêu cực, dẫn đến nguy hiểm cho xã hội. Cá nhân tôi không mong điều đó xảy ra. Vấn đề quan trọng nhất lúc này, theo tôi, chúng ta phải chấn chỉnh lại, đưa lễ hội về đúng quỹ đạo, văn minh, lịch sự, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nên không phải chỉ ở phần chọi trâu mà phải ở cả giá trị về tâm linh và phần lễ. Thời gian qua, phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú trọng phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Tôi nghĩ Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan cần rà soát, chỉnh sửa, bổ xung qui chế tổ chức Lễ hội Chọi trâu theo lễ hội truyền thống, nhấn mạnh tổ chức các nghi lễ truyền thống. Bộ cũng cần xem xét có hay không việc lợi dụng Lễ hội để vụ lợi, thương mại hóa, rồi những hiện tượng bán thịt trâu không phải là trâu chọi với giá cắt cổ… Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quán triệt việc thực hiện nghiêm túc quy chế tổ chức lễ hội, yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người điều khiển trâu và khách.
Phóng viên: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn có khả năng bị đưa ra khỏi Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong trường hợp các biện pháp bảo vệ không được thực hiện đúng như cam kết, đó là ý kiến đề xuất trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL của Cục Văn hóa Cơ sở. Phải chăng chúng ta cũng nên rà soát lại những quy định trong việc cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể? Và từ sự việc này, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại cách ứng xử với di sản trong điều kiện hiện đại sao cho phù hợp?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Thực tiễn bao giờ cũng phong phú và có những điều chúng ta chưa tưởng tượng ra. Theo thời gian, có những quy định, quy chế không còn phù hợp. Do vậy, việc điều chỉnh, bổ sung quy chế cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước và quốc tế là cần thiết.
Theo tôi, vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay thực sự đang là vấn đề rất lớn, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và thực thi quyết liệt.
Một là, cần tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê một cách toàn diện, cụ thể, khoa học các lễ hội ở nước ta, để qua đó nắm được tương đối chính xác về số lượng, loại hình….
Hai là, cần tổ chức phân loại, đánh giá từng lễ hội để thấy được giá trị, ý nghĩa, tầm vóc của từng lễ hội, cái nào cần giữ, cái nào cần điều chỉnh, điều chỉnh khía cạnh nào, cái nào cần bỏ…
Ba là, tiến hành quy hoạch lễ hội ở từng địa phương tiến tới quy hoạch lễ hội của cả nước.
Bốn là, đối với một số lễ hội có tính nhạy cảm, cần phải tập trung chỉ đạo sớm, cụ thể, sát sao; phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan văn hóa địa phương với việc năng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng địa phương có lễ hội.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thưởng, phạt, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sáu là, để công tác quản lý và tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt, chỉ với thẩm quyền, trách nhiệm, lực lượng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thôi thì chưa đủ, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm cao giữa các ngành, các cấp; phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền các cấp trong việc quản lý và tổ chức lễ hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Hương (thực hiện)
* Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, gắn với nước, mặt trăng và cầu mùa trong sinh hoạt tâm linh của người xưa. * Theo truyền thuyết, Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Thời điểm chính mở hội là giai đoạn chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc...Tức là vào ngày 9-8 Âm lịch hàng năm. * Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ với các nghi lễ trang trọng, chủ yếu diễn ra trước phần hội một vài ngày. Phần hội sẽ diễn ra vào chính hội (9-8). * Lễ hội chọi trâu không chỉ đem lại sự phấn khởi, vui vẻ mà còn là thú chơi công phu. Nói là công phu vì từ việc chọn trâu, mua trâu, chăm nuôi và huấn luyện trâu đều phải kỹ lưỡng. Trâu muốn tham gia hội phải được chọn lựa kỹ mới mua về, rồi huấn luyện, chăm nuôi trước trận đấu hàng năm. Đặc biệt, trâu chọi ở Lễ hội này dù thắng hay thua cũng đều được giết mổ để tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà… * Sau nhiều năm tháng gián đoạn, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại từ năm 1990. Đến năm 2013, lễ hội này được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |